Yàng là vị thần cao cả, đấng duy nhất, vô hình, vô danh, quyền năng. Yàng hiện diện ở khắp nơi. Yàng ở rất xa. Yàng cũng ở rất gần.
Người Mạ rước vật thiêng |
Đấy là những ý niệm của người Mạ - một tộc dân sinh sống chủ yếu ở thượng và trung nguồn sông Đồng Nai - về đấng thiêng có khả năng chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống từng cá nhân, cũng như cả cộng đồng người Mạ. Yàng - nơi tỳ vịn tâm linh của người Mạ - chỗ để con dân Mạ gửi gắm các ước nguyện, niềm tin, sự kính ngưỡng. “Yàng ở đây là khái niệm mang hàm nghĩa tín ngưỡng dân gian, chỉ một tập hợp những vị thần, từ vị thần tối cao sáng tạo ra vũ trụ đến các vị thần cụ thể, từ những đấng phúc thần chuyên chăm lo bảo bọc người Mạ đến các vị ác thần sẵn sàng quở trách khi người Mạ vi phạm những cấm kỵ. Yàng là một đức tin của người Mạ. Nhờ đức tin ấy, qua rất nhiều suy tư của rất nhiều thế hệ, người Mạ đã định hình vững chắc hệ giá trị tâm thức ơn Yàng, đồng thời tự điều chỉnh hành vi của mình để tránh phạm phải những điều cấm kỵ”, ông Trần Ngọc Biên - người chuyên nghiên cứu ngôn ngữ Mạ chia sẻ.
Theo ông Trần Ngọc Biên, địa bàn cư trú của người Mạ khá rộng, trải dài qua một số tỉnh như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai... Lâm Đồng là nơi người Mạ sống tập trung nhiều nhất. Người Mạ ở đây tự chia thành các nhóm nhỏ gồm Mạ Krung (cư trú ở xã Đoàn Kết, xã Đạ P’Loa cũ (nay là xã Bà Gia), xã Mađaguôi, xã Đạ Tồn (huyện Đạ Huoai), Mạ Xộp (cư trú ở xã An Nhơn, xã Mỹ Đức, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh cũ (nay là huyện Đạ Huoai) và huyện Cát Tiên cũ (nay là huyện Đạ Huoai), Mạ Tô (cư trú ở xã Phi Liêng, xã Liêng S’rônh (huyện Đam Rông), xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà), Mạ Ngăn/Mạ Tờm (Mạ gốc, cư trú ở xã Lộc Bắc, xã Lộc Bảo, xã Lộc Lâm, xã Lộc Ngãi, thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm). “Qua số liệu thống kê cho thấy, Lâm Đồng là địa bàn cư trú chủ yếu của người Mạ và Bảo Lâm là địa phương của tỉnh Lâm Đồng có số người Mạ đông nhất: 19.493 người, chiếm tới 49,3% dân số các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn huyện Bảo Lâm”, ông Trần Ngọc Biên cho biết.
Từ những nghiên cứu của mình, ông Trần Ngọc Biên bảo rằng bản thân chưa bao giờ nghe người Mạ gọi đích danh tên của một Yàng cụ thể. Trong lúc cầu nguyện, dịp Nhô R’he (uống mừng lúa mới) hay Sa nhô rơpu (ăn trâu)..., người Mạ chỉ mở lời: Ơ Yàng! Dăn tẽ măt jăt sền (Yàng hỡi! Xin ném mắt trông xem) hoặc Ha Yàng! Dăn sền hà anh (Yàng nhé! Xin coi xem giúp con). “Như ở trên đã chia sẻ, người Mạ quan niệm, Yàng là đấng thiêng, vô hình, vô danh. Tuy thế, người Mạ cũng đã hữu hình hóa, hữu danh hóa một số Yàng, ví như Yàng dà/Dà Yàng (Yàng nước/nước Yàng), Yàng kòi/Kòi Yàng (Yàng lúa/ lúa Yàng), Yàng hìu/Hìu Yàng (Yàng nhà/nhà Yàng)...
Để giao tiếp với Yàng, người Mạ thực hiện rất nhiều nghi lễ lơh Yàng (cúng Yàng). Cúng Yàng là hành vi thực hành tôn giáo dân gian của người Mạ, một mặt tạ ơn Yàng đã “chăm sóc con người và mùa màng”, mặt khác cầu xin Yàng ban những điều thuận lợi cho con người để con người có cuộc sống bình an và hạnh phúc. “Trong tất cả các nghi lễ lơh Yàng của người Mạ nhất nhất phải có con vật hiến sinh (gà, vịt, dê, trâu...). Những lễ vật này, người Mạ quan niệm: Yàng pà - Yàng ai, nghĩa là dùng chính những của cải Yàng ban để dâng lại cho Yàng. Ăn hay chia phần từ những tế phẩm đó thì gọi là tơrnăm Yàng - dự phần cùng Yàng, làm một với Yàng”, ông Trần Ngọc Biên nói về việc người Mạ “duy trì trật tự mà Yàng đã sắp xếp” qua nghi lễ lơh Yàng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin