Tác phẩm "Đường Kách mệnh" mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam

09:03, 01/03/2018

Tác phẩm "Đường Kách mệnh" tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927, được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành sách năm 1927.

[links(right)] Tác phẩm “Đường Kách mệnh” tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927, được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành sách năm 1927. Đây là một trong những văn kiện lịch sử có ý nghĩa mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam và trải qua hơn 90 năm đến nay tác phẩm “Đường Kách mệnh” vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
 
Cuốn “Đường Kách mệnh” bản gốc được phong là Bảo vật Quốc gia năm 2012
Cuốn “Đường Kách mệnh” bản gốc được phong là Bảo vật Quốc gia năm 2012
 
Bối cảnh ra đời của tác phẩm
 
Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người tập hợp những người Việt Nam yêu nước, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Công việc đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người vừa là giảng viên chính, vừa là người tổ chức và hướng dẫn lớp học. Từ 1925 đến 1927, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức được 3 lớp với tổng số 75 học viên. Các bài giảng của Người là tài liệu chính cho học viên nghiên cứu, trao đổi. Đầu năm 1927, các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp học ở Quảng Châu được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách với tên gọi “Đường kách mệnh”. Sách khổ 13x18, in giấy nến, kiểu chữ viết thường.
 
Nội dung xuyên suốt của tác phẩm là những quan điểm cơ bản về lý luận, phương pháp cách mạng Việt Nam trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn phong trào cách mạng trong nước và quốc tế, được trình bày một cách hệ thống; là tư liệu tham khảo đặc biệt quan trọng và cơ sở lý luận cho việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam.
 
Với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, cuốn sách mang giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, đóng góp quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam; kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác; tạo lập các tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 
 
Kết cấu của tác phẩm ngoài lời đề tựa, cuốn sách đã tập trung đề cập đến 15 vấn đề, theo 3 nội dung cơ bản: Những vấn đề lý luận chung về cách mạng xã hội; tổng kết các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, rút ra bài học cho cách mạng Việt Nam; xác định phương pháp tổ chức và hoạt động cách mạng. 
 
Những vấn đề lý luận chung về cách mạng xã hội
 
Trên tờ bìa cuốn sách, ngay dưới tên sách, Nguyễn Ái Quốc trích câu nói nổi tiếng trong tác phẩm Làm gì của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”, nhằm mục đích khẳng định vai trò và tầm quan trọng của lý luận đối với sự phát triển của phong trào cách mạng nói chung. 
 
Phần đầu tác phẩm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tập trung đề cập 3 vấn đề rất căn bản của cách mạng, đó là: Xác định chuẩn mực đạo đức của những người cách mạng; chỉ rõ mục đích viết cuốn sách này và phân tích, lý giải những câu hỏi liên quan đến vấn đề về cách mạng.
 
Về Tư cách một người cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc nêu ra 23 tiêu chuẩn, quy tụ trong 3 mối quan hệ cơ bản là: (I)Tự mình, có 14 tiêu chuẩn: “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật”. (II) Đối với người, có 5 chuẩn mực: “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người”. (III) Đối với công việc, có 4 tiêu chuẩn: “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”; đó là những phẩm chất cơ bản làm thành các giá trị về nhân cách của người cách mạng - Một mẫu người mới cần có trong phong trào cách mạng của dân tộc. 
 
Theo Nguyễn Ái Quốc, nhân cách một con người không chỉ xem xét ở mối quan hệ người - người, mà còn bao hàm cả con người và công việc, con người với bản thân mình, nghĩa là chú ý đến cả phẩm chất lẫn năng lực và thế giới nội tâm. Vì vậy, đã là người cách mạng, những người được xem là công bộc của dân thì trước hết phải là người có tư cách đạo đức tốt: yêu nước, thương nòi; có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; cần kiệm, hiếu học, chịu khó, hy sinh, cống hiến; sống trong sạch, mẫu mực, gần gũi với quần chúng...
 
Về mục đích viết sách này, Nguyễn Ái Quốc muốn nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào? Để rồi đạt đến mục đích cao nhất là “đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”; “Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”.
 
Tác phẩm cũng đã phân tích làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm “Cách mệnh” với 9 nội dung: Cách mệnh là gì? Cách mệnh có mấy thứ? Vì sao mà sinh ra tư bản cách mệnh? Vì sao mà sinh ra dân tộc cách mệnh? Vì sao mà sinh ra giai cấp cách mệnh? Cách mệnh chia làm mấy thứ? Ai là những người cách mệnh? Cách mệnh khó hay là dễ? Cách mệnh trước hết phải có cái gì? 
 
Bằng cách trình bày súc tích, kèm theo các dẫn chứng cụ thể, sinh động, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra những luận điểm cơ bản về lý luận cách mạng, đó là: (1) Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt; rồi người nêu những ví dụ cụ thể về những cuộc cách mạng trong khoa học, công nghiệp, kinh tế làm thay đổi thế giới gắn liền với các tên tuổi nổi tiếng như: Galilê (1633), Stêphenxông (1800), Đácuyn (1859), Các Mác. 
 
(2) Nêu lên các cuộc cách mạng trên thế giới gồm: Tư bản cách mệnh: Pháp (1789), Mỹ (1776), Nhật (1864); Dân tộc cách mệnh: Ytali đuổi cường quyền Áo năm 1859, Tàu đuổi Mãn Thanh năm 1911. Giai cấp cách mệnh: Nga đuổi tư bản và giành lấy quyền năm 1917. 
 
(3) Người chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các cuộc cách mạng trên thế giới suy cho cùng là do bị áp bức, bóc lột và sự bất công trong xã hội: “Địa chủ hết sức ngăn trở tư bản mới, tư bản mới hết sức phá địa chủ, hai bên xung đột nhau làm thành ra tư bản cách mệnh”. Còn “Một nước cậy có sức mạnh đến cướp một nước yếu, lấy võ lực cai trị dân nước ấy,... Đến khi dân nô lệ ấy chịu không nổi nữa, tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại,... đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi; ấy là dân tộc cách mệnh”. Và “Công nông không chịu nổi, đoàn kết nhau đánh đuổi tư bản đi… ấy là giai cấp cách mệnh”. Đặc biệt Người chỉ rõ Dân tộc cách mệnh và thế giới cách mệnh có quan hệ chặt chẽ với nhau, biết đoàn kết nhau lại thì sẽ thành công. 
 
(4) Về đối tượng của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đưa ra tiêu chí “bị áp bức” và chỉ rõ: “Ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết” và theo tiêu chí này, Người xếp công nông là “gốc cách mệnh”, không chỉ họ chiếm số đông trong dân chúng mà cơ bản là họ bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, tàn bạo nhất. 
 
(5) Cách mạng là sự nghiệp của toàn dân tộc chứ không phải của một vài cá nhân, vì vậy phải giác ngộ cách mệnh cho quần chúng và phải có đảng cách mệnh, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”, mà “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”; đồng thời Người cũng chỉ ra: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Từ đó, Người đi đến khẳng định Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định sự thành công của cách mệnh, đây là vấn đề có tính nguyên tắc.
 
KỲ 2: Tổng kết các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, rút ra bài học cho cách mạng Việt Nam
 
VĂN NHÂN