Lễ cúng bến nước là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh của các tộc người vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là đối với các cộng đồng người Êđê ở Đắk Lắk, người Mạ ở Lâm Đồng...
Lễ cúng bến nước là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh của các tộc người vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là đối với các cộng đồng người Êđê ở Đắk Lắk, người Mạ ở Lâm Đồng. Trong tâm thức của họ luôn coi nước là quan trọng, là vốn quí nhất, không có nước là không thể sống. Vì vậy họ tôn thờ thần nước như tôn thờ tổ tiên của mình. Từ đó đã có những điều kiêng kị rất nghiêm ngặt như: trong những ngày diễn ra lễ cúng mọi người trong buôn không được đi rẫy, đi rừng, không được ra bến lấy nước cho đến khi thầy cúng thực hiện xong nghi lễ.
|
Các thiếu nữ Êđê trong lễ cúng bến nước |
Lễ cúng bến nước là một phong tục tập quán có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên nhằm tạ ơn thần nước về kết quả mùa màng vụ trước và sự may mắn trong năm cũ; đồng thời cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe và sự no đủ cho mọi nhà trong buôn làng.
Hàng năm cứ vào dịp cuối tháng ba, đầu tháng tư dương lịch, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong và cũng là lúc chuẩn bị gieo hạt cho một mùa rẫy mới, bà con các dân tộc Tây Nguyên lại chuẩn bị cho việc làm lễ cúng bến nước.
Lễ cúng bến nước thường là do người chủ bến nước của buôn đứng ra tổ chức nhưng đây lại được coi là việc chung của cả buôn làng và được già làng trực tiếp phân công, điều động mọi thành viên trong buôn làng cùng tham gia. Thường vào khoảng vài ba ngày trước khi tổ chức lễ cúng, già làng chọn ngày thông báo mọi người tập trung dọn vệ sinh buôn làng và khu vực xung quanh bến nước, phân công trai tráng trong làng vào rừng lấy tre, cây về làm cây nêu, cột lễ, làm máng nước. Trong ngày diễn ra lễ cúng, từ sáng sớm mọi người trong buôn đã có mặt đông đủ tại nhà chủ bến nước, theo sự phân công của già làng, ai nấy đều lo phần việc của mình. Phụ nữ thì lo việc bếp núc, người già lo cắt ống lồ ô làm ống đong rượu cần, những chàng trai khỏe mạnh thì dựng cây nêu, mổ heo, dê, buộc rượu cần vào cột lễ,...
Lễ vật trong Lễ cúng bến nước thường là các con vật hiến sinh như: dê, gà, heo và rượu cần. Tùy theo điều kiện kinh tế của gia chủ và từng buôn làng và tập tục của mỗi dân tộc mà có thể làm to nhỏ khác nhau. Đối với người Êđê ở Đắk Lắk thường có ít nhất là 8 ché rượu được cột vào các cột Gưng ở giữa ngôi nhà dài, trong đó: 1 ché dùng để cúng ông bà tổ tiên; 1 ché dùng để cúng bến nước; 3 ché cúng sức khỏe cho gia đình chủ bến nước và 3 ché để đãi khách gần xa.
Sau khi lễ vật đã chuẩn bị xong, thầy cúng và vợ chồng chủ bến nước kiểm tra lại lần cuối, tiếp đến mọi người trong giàn chiêng tấu bài “Gọi về sum họp” để báo với tổ tiên về sự có mặt đông đủ của con cháu trong buôn và mời gọi thần linh về dự lễ. Lễ cúng bến nước thường có 3 phần, phần thứ nhất cúng tại bến nước, phần tiếp theo là cúng tại hàng rào trước khi mang nước vào nhà và cuối cùng là cúng tại nhà chủ bến nước.
Tại bến nước, thầy cúng chọn chỗ đất bằng phẳng trên bờ nơi có dòng nước đang chảy để bày lễ vật và đọc lời khấn với nội dung tạm dịch như sau:
“Ơ Yàng! Ơ Yàng trời, Yàng đất, Yàng nước, Yàng cây, Yàng phía đông, Yàng phía tây! Hôm nay chủ bến nước và bà con trong buôn làm lễ cúng bến nước, cầu mong các Yàng phù hộ cho nguồn nước trong lành không bao giờ cạn, mọi người trong buôn khi uống nguồn nước này đều mạnh khỏe như con voi rừng, mùa màng, lúa, bắp đầy kho, nhà nhà no đủ, Ơ Yàng”...
Cứ sau mỗi lần cúng, thầy cúng lại tưới tiết heo vào rượu xung quanh, đổ cả xuống dòng nước để mời gọi thần nước cùng các vị thần ở những chốn lân cận về hưởng lễ vật dâng cúng. Cúng xong, thầy cúng và những người phụ lễ lấy thịt và rượu để mời và ăn cùng các vị thần linh, còn các chàng trai, cô gái trong buôn thì lấy vỏ bầu và ống tre hứng những giọt nước mát lành mang về nhà.
Sau khi kết thúc lễ cúng ở bến nước, họ quay về làng làm lễ tại hàng rào của bến nước, tại đây thầy cúng cầu Yàng coi giữ bến nước đuổi chà ma, ác quỷ, đuổi cái đói nghèo đi xa mang cái no, cái giàu đến cho mọi người, mọi nhà và điều tốt lành về buôn làng. Đồng thời, cũng là để báo cho bà con trong buôn biết lễ cúng bến nước đã xong, mọi người được phép ra bến lấy nước hoặc đi rừng, đi rẫy.
Sau khi thực hiện xong nghi thức cúng tại hàng rào, thầy cúng lại tiếp tục vào nhà làm lễ cúng sức khỏe cho chủ bến nước và gia đình. Các lễ vật được bày ra: rượu cần, đầu heo; lòng heo; thịt heo thái nhỏ... Thầy cúng trao vòng đồng và cần rượu cho chủ bến nước rồi đọc lời khấn cầu với nội dung:
“Xin thần nước ban sức khỏe cho chủ bến nước và dân làng, Xin nguồn nước luôn chảy trong và chảy mãi. Xin ông bà tổ tiên phù hộ buôn làng đoàn kết, con cháu hiếu thảo”. Lúc này nước được các cô gái gùi về đổ vào các ché rượu cho thật đầy. Vợ chồng chủ bến nước cầm cần rượu uống trước, tiếp đến mới là người anh em bên vợ, bên chồng, bà con trong buôn và khách gần xa. Điều đặc biệt ở đây là phụ nữ bao giờ cũng được uống trước, phải chăng đây cũng là thể hiện vai trò của mẫu quyền của phụ nữ Tây Nguyên.
Lúc này các giàn chiêng lại tiếp tục tấu lên những bài nhạc vui, cả gia chủ và dân làng hòa mình trong không khí lễ hội. Họ vừa ăn uống vừa múa hát say sưa trong tiếng nhạc cồng chiêng để cầu mong Yàng chứng giám, phù hộ cho dòng nước mát không bao giờ cạn, cho vụ mùa bội thu, cho cuộc sống ngày càng no ấm, đủ đầy hơn.
ĐOÀN BÍCH NGỌ