Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và một số ngôi đền thờ Quốc Tổ tiêu biểu ở Việt Nam

09:04, 19/04/2018

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trong những yếu tố tâm linh của người Việt từng tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử. Ngoài việc thể hiện tình đoàn kết và sự gắn kết cộng đồng nó còn mang tính độc đáo mà không phải dân tộc nào cũng có đó là thờ Quốc Tổ (Hùng Vương)...

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trong những yếu tố tâm linh của người Việt từng tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử. Ngoài việc thể hiện tình đoàn kết và sự gắn kết cộng đồng nó còn mang tính độc đáo mà không phải dân tộc nào cũng có đó là thờ Quốc Tổ (Hùng Vương). Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 6/12/2012.
 
Lễ tế tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. (Nguồn: Bảo tàng Phú Thọ)
Lễ tế tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. (Nguồn: Bảo tàng Phú Thọ)
Hiện nay, theo thống kê, cả nước có 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật lịch sử gắn với thời đại Hùng Vương. Trong đó, riêng tỉnh Phú Thọ có tới 326 di tích. Trải dài theo đất nước từ Bắc vào Nam hầu như nơi nào có người Việt sinh sống là có thờ Quốc Tổ. 
 
Nơi thờ chính và lớn nhất là khu di tích Đền Hùng, nằm tập trung trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đền Hùng được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng và được xây dựng bổ sung và hoàn chỉnh vào thời Hậu Lê. Đây là một quần thể di tích bao gồm các di tích chính như: Đền Hạ tương truyền nơi mẹ Âu Cơ sinh hạ “bọc trăm trứng”; Nhà bia khắc câu nói nổi tiếng của Bác Hồ khi ghé thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954. Chùa Thiền Quang, Đền Trung: nơi xưa các vua Hùng và lạc tướng luận bàn việc nước; Đền Thượng là nơi các vua Hùng tiến hành nghi lễ thờ cúng trời đất, thần nông; Cột Đá - tương truyền là nơi Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi; Lăng Vua Hùng (tương truyền đây là mộ của Vua Hùng thứ 6); Đền Giếng: nơi hai công chúa con Vua Hùng là Tiên Dung và Ngọc Hoa vấn tóc soi gương; Đền thờ Lạc Long Quân, người được xem như thủy tổ của dân tộc Việt Nam gắn truyền thuyết Trăm trứng. Đền Hùng đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1962. Được UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là: “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” ngày 6/12/2012. Đây cũng là nơi diễn ra nghi lễ giỗ Quốc Tổ và lễ hội chính hàng năm của cả nước.
 
Ở khu vực Tây Nguyên có Đền Âu Lạc tọa trên núi Phượng Hoàng cạnh thác Prenn, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đền tuy được xây dựng chưa lâu nhưng có quy mô lớn, kiến trúc đẹp và hàng năm lễ hội được tổ chức rất trọng thể. Đây cũng là nơi để nhân dân địa phương và du khách đến dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng và tham gia lễ hội.
 
Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 11 nơi thờ cúng vua Hùng, trong đó có: Đền Hùng Vương, trước đây còn được gọi là Đền Quốc Tổ Hùng Vương tại số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1. Đây là một trong những nơi thờ cúng Vua Hùng lâu đời nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Đền được xây dựng từ 1926, nhưng sau năm 1954 mới được đổi tên là Đền Quốc Tổ Hùng Vương. Năm 1975 một lần nữa đền lại đổi tên là Đền Hùng Vương.
 
Đền có kiến trúc phảng phất dáng dấp các ngôi đền ở Huế mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
 
Hàng năm, vào ngày mười tháng ba âm lịch, tại đền đều tổ chức lễ giỗ Tổ rất long trọng và tôn nghiêm để tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước.
 
Ở Cà Mau, có một ngôi đền thờ Vua Hùng có lịch sử tồn tại trên 150 năm, tọa lạc tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. Sau giải phóng, Đền thờ Vua Hùng đã được xây dựng, tôn tạo lại khá khang trang. Ngôi đền là niềm tự hào của bà con đất Mũi về việc giữ gìn truyền thống của cha ông xưa, những người “mang gươm đi mở cõi” vẫn không quên việc thờ phụng tổ tiên của dân tộc mình.
 
Ở Việt Nam, theo thống kê của Cục di sản văn hóa, hiện nay có 5 đền thờ Vua Hùng có tổ chức lễ hội với quy mô lớn thuộc các tỉnh thành: Phú Thọ, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ