Giá trị thời đại sâu sắc của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản

08:05, 03/05/2018

Cách đây tròn 170 năm, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo lần đầu tiên được công bố trước toàn thế giới. Đây là văn kiện cương lĩnh đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có giá trị lịch sử và tràn đầy sức sống thực tiễn của chủ nghĩa Mác, trở thành ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới tiến hành cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đi lên chủ nghĩa xã hội và tiến tới chủ nghĩa cộng sản.

Cách đây tròn 170 năm, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo lần đầu tiên được công bố trước toàn thế giới. Đây là văn kiện cương lĩnh đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có giá trị lịch sử và tràn đầy sức sống thực tiễn của chủ nghĩa Mác, trở thành ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới tiến hành cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản (CNTB), đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và tiến tới chủ nghĩa cộng sản (CNCS).
 
Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh giữa thế kỷ thứ XIX, phương thức sản xuất TBCN đã đạt tới trình độ phát triển, đại công nghiệp TBCN đã phát triển ở một số nước châu Âu, cùng với đó là sự ra đời và sớm bước lên vũ đài đấu tranh của giai cấp vô sản hiện đại chống lại giai cấp tư sản đòi thực hiện những yêu sách của mình cả về kinh tế lẫn chính trị. Tiêu biểu cho sự phát triển của phong trào vô sản là những cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt ở thành phố Lyông (Pháp) năm 1837; cuộc nổi dậy của công nhân dệt vùng Xilêdi (Đức) năm 1844; phong trào hiến chương ở Anh kéo dài 10 năm (1838 - 1848). Sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản đòi hỏi một cách bức thiết phải có một hệ thống lý luận soi đường và một cương lĩnh chính trị làm kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1847, Đại hội lần thứ hai Liên đoàn những người cộng sản đã thảo luận và thông qua những nguyên lý của CNCS do Mác và Ăng ghen trình bày. Trên cơ sở sự nhất trí ấy, C.Mác và Ph.Ăngghen được Đại hội ủy nhiệm thảo ra bản tuyên ngôn chính thức. 
 
Mục đích của tác phẩm được C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Hiện nay đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, ý đồ của mình và phải có một Tuyên ngôn của Đảng của mình để đập lại một câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”. 
 
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đánh dấu sự ra đời của một học thuyết cách mạng, một thế giới quan khoa học của chủ nghĩa Mác; giữ địa vị đặc biệt quan trọng trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người thực hiện được cuộc cách mạng tư tưởng với đỉnh cao của trí tuệ khám phá và hệ thống hóa những quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Toàn bộ thành tựu trí tuệ của loài người được tổng kết, khái quát trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. 
 
TƯ TƯỞNG VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA TÁC PHẨM 
 
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - Cương lĩnh chính trị của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế - ra đời cách đây 170 năm trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Sự ra đời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong quá trình phát triển của các tư tưởng XHCN từ không tưởng trở thành khoa học. Đó còn là bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát chuyển sang tự giác, nhờ sự hướng dẫn bởi lý luận khoa học và cách mạng, có chính Đảng và có cương lĩnh rõ ràng. 
 
Tuyên ngôn đã khẳng định sự ra đời của Đảng Cộng sản là tất yếu để bảo đảm cho giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử và chỉ ra hai nguyên lý của chủ nghĩa Marx: Phương thức sản xuất và trao đổi kinh tế cùng với cơ cấu xã hội của phương thức đó quyết định sự hợp thành nền tảng của xã hội; lịch sử phát triển của xã hội có giai cấp là lịch sử của đấu tranh giai cấp. Đồng thời cũng công khai trước toàn thế giới về chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản; vạch trần bản chất phản động, bảo thủ, lỗi thời của các trào lưu tư tưởng phi khoa học, trá hình dưới chiêu bài khác nhau về CNXH để chống CNXH lúc bấy giờ... 
 
Nội dung Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày thành bốn chương. Ngoài ra, mỗi lần xuất bản, hai ông còn viết lời tựa để thuyết minh và làm rõ hơn nội dung tư tưởng của Tuyên ngôn (bổ sung nội dung Tuyên ngôn).
 
Chương I: Tư sản và vô sản 
 
Chương này khái quát quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa các giai cấp bị áp bức bóc lột và giai cấp bóc lột; sự hình thành, vị trí lịch sử của giai cấp tư sản; sứ mệnh của giai cấp vô sản và sự ra đời của Đảng Cộng sản. 
 
Về vị trí lịch sử của giai cấp tư sản, Tuyên ngôn cho rằng, khi mới ra đời, “Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử, đã thiết lập nền dân chủ tư sản, tạo điều kiện cho sự phát triển của khoa học - kỹ thuật (...); tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”; đồng thời “nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”, chính là “những người đào huyệt chôn chính nó”. 
Về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, Tuyên ngôn chỉ rõ giai cấp vô sản hiện đại là người “đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và sáng tạo ra một xã hội mới tốt đẹp hơn”; trong đó khẳng định: “Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản” và trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản thì thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về giai cấp vô sản: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu”. 
 
Chương II: Những người vô sản và những người cộng sản
 
Chương này nêu lên mối quan hệ giữa giai cấp vô sản và những người cộng sản: “Những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác. Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”. Và “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”. Tuyên ngôn nêu ra 10 phương pháp nhằm xóa bỏ CNTB và xây dựng CNCS như sau: Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước; Áp dụng thuế lũy tiến cao; Xóa bỏ quyền thừa kế; Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn; Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn; Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước; Tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất; khai khẩn đất đai để cấy cầy và cải tạo ruộng đất trong một kế hoạch chung; Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp; Kết hợp nông nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt thành thị và nông thôn; Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em...
 
Chương III: Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa
 
Chương này phê phán các trào lưu tư tưởng XHCN và CSCN phi vô sản, đi ngược lại quan điểm của Marx và Engels như: CNXH phong kiến, CNXH tiểu tư sản, CNXH Đức hay CNXH “chân chính”, CNXH bảo thủ hay CNXH tư sản, CNXH và CNCS không tưởng - phê phán.
 
Chương IV: Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập
 
Chương này nêu lên thái độ của những người cộng sản là: “chiến đấu cho những mục đích và những lợi ích trước mắt của giai cấp công nhân, nhưng đồng thời trong phong trào hiện tại, họ cũng bảo vệ và đại biểu cho tương lai của phong trào”; đồng thời chỉ ra phương hướng và sách lược là: “ở tất cả mọi nơi, những người cộng sản đều ủng hộ mọi phong trào cách mạng chống lại trật tự xã hội và chính trị hiện hành”, “những người cộng sản ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và sự liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước” và “Mục tiêu cuối cùng của họ là lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”.
 
Tuyên ngôn kết thúc bằng lời kêu gọi: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”
 
Kỳ 2: Ý nghĩa thực tiễn đối với phong trào công nhân quốc tế và cách mạng Việt Nam
 
VĂN NHÂN