Góp thêm sử liệu về những người đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt

09:05, 17/05/2018

Đọc chương "Những người đầu tiên đến Đà Lạt" trong cuốn sách Đà Lạt trăm năm của tác giả Trương Phúc Ân và Nguyễn Diệp, có rất nhiều chi tiết nói về Lâm Đồng - Đà Lạt thuở ban sơ. Để bổ cứu thêm sử liệu cho ý kiến của hai tác giả trên về những người đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt, chúng tôi xin được cung cấp thêm những dẫn chứng tư liệu quý báu hiện đang được bảo quản và giữ gìn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. 

Đọc chương “Những người đầu tiên đến Đà Lạt” trong cuốn sách Đà Lạt trăm năm của tác giả Trương Phúc Ân và Nguyễn Diệp, có rất nhiều chi tiết nói về Lâm Đồng - Đà Lạt thuở ban sơ. Để bổ cứu thêm sử liệu cho ý kiến của hai tác giả trên về những người đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt, chúng tôi xin được cung cấp thêm những dẫn chứng tư liệu quý báu hiện đang được bảo quản và giữ gìn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. 
 
Họa đồ hành trình đến Đà Lạt của bác sĩ Alexandre Yersin
Họa đồ hành trình đến Đà Lạt của bác sĩ Alexandre Yersin
Từ thế kỷ 19, Phan Huy Chú đi ngựa từ Huế vào Nam, ra Bắc để vẽ bản đồ “Đại Nam nhất thống” (in năm 1834). Trên bản đồ này, Phan Huy Chú có bản vẽ mấy ngọn núi ở vùng Lâm Đồng ngày nay. Và đó có lẽ là sự định vị đầu tiên của thành phố Đà Lạt trên bản đồ đất nước. Trong Mộc bản triều Nguyễn khắc bản đồ đạo Ninh Thuận, vùng đất tây Nguyễn xưa, trong đó Lâm Đồng - Đà Lạt lệ thuộc vào vùng đất Ninh Thuận và được gọi bằng một cái tên ngắn gọn là “Lâm sơn phần” (phần núi rừng).
 
Như vậy, trên bản đồ nước ta thời Nguyễn, vùng đất Lâm Đồng - Đà Lạt chưa được gọi bằng một cái tên cụ thể, mà chỉ là tên gọi chung là phần núi rừng. Tuy nhiên, chưa xác định được thời gian chính xác khắc bản đồ về đạo Ninh Thuận với sự xuất hiện của khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận, nhưng chắc chắn một điều rằng tấm bản đồ này được khắc sau năm 1832. Bởi vì năm 1832, vua Minh Mạng mới cho đặt tỉnh. 
 
Trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 12, mặt khắc 6 khi miêu tả phần núi sông tỉnh Bình Thuận, có khá nhiều chi tiết ghi chép rõ hơn về tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là mô tả Di Linh thổ phủ như sau: 
 
“Huyện Hòa Đa, rừng Nghi Trang ở phía tây bắc huyện, có đường đi về phía Tây lên sông Dã Dương”. Hay: “Huyện Tuy Phong:... Ở phía tây Bắc đất Man hoang có sông Dã Dương, sông sâu mà rộng, trong có nhiều cá sấu, phía nam không có người Kinh và người Man đóng thuế, thỉnh thoảng có đi lại buôn bán”. Theo tác giả Nguyễn Hữu Tranh, sông Dã Dương chính là sông Đạ Đờng phát nguyên từ đỉnh Lang Biang đổ về sông Đồng Nai ngày nay.
 
Bằng các dẫn chứng khác nhau, tác giả Trương Phúc Ân và Nguyễn Diệp cho rằng vào giữa thế kỷ 19, Nguyễn Thông là người đã thám hiểm sơn quốc và đã phát hiện ra một vùng đất của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, trong số những tư liệu hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV không thấy có tư liệu nào nói về sự kiện này. Chỉ biết rằng trong Mộc bản triều Nguyễn, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thông còn lại khá rõ. Năm Đinh Sửu (1877), dưới triều vua Tự Đức, ông được giữ chức Doanh điền sứ tỉnh Bình Thuận. Nguyễn Thông đi khai khẩn đất hoang, trong đó có xứ Đồng My. 
 
Tuy nhiên, một sự kiện vẫn luôn sống mãi trong tâm tư và tình cảm của người Đà Lạt đó là ba giờ rưỡi chiều ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Emile Yersin đã đặt chân lên cao nguyên Lang Biang, tạo ra bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển Đà Lạt. Tháng 10 năm 1897, căn cứ vào tờ trình và phân tích của bác sĩ Yersin, đề nghị chọn Lang Biang để xây dựng thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng (thay cho Ba Vì và Vũng Tàu), Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cử phái đoàn lên cao nguyên tìm đường ngắn nhất đến vùng đất này. Tháng 3 năm 1899, bác sĩ Yersin và Toàn quyền Paul Doumer lên cao nguyên Lang Biang và quyết định chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng, công cuộc xây dựng thành phố Đà Lạt bắt đầu từ đó.
 
Trải qua 125 năm hình thành và phát triển, từ mảnh đất hoang sơ với núi rừng hoang dại, Đà Lạt đã trở thành một thành phố nổi tiếng có tên trong nhiều quyển từ điển bách khoa trên thế giới. Và trong tiến trình phát triển đó, Alexandre Yersin được xem là một người cha, người mẹ vĩ đại, góp công sức to lớn để tìm ra thành phố huyền diệu này.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bản đồ đạo Ninh Thuận, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H47/8, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H47/9, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
 
THƠM QUANG