Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 5,5 triệu người trưởng thành đã tử vong trong năm 2019 do phơi nhiễm chì, với 90% nằm ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Ngộ độc chì từ lâu đã được chứng minh là nguyên nhân của hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng |
Nghiên cứu mới của 2 nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), công bố ngày 12/9 trên tạp chí sức khỏe Lancet Planetary, đã chỉ ra rằng ngộ độc chì nguy hiểm hơn mọi người thường nghĩ và có khả năng đã gây ra hơn 5 triệu ca tử vong mỗi năm.
Nghiên cứu trên đánh giá ảnh hưởng của ngộ độc chì đến các bệnh tim mạch gây tử vong, cũng như tình trạng suy giảm chỉ số IQ ở trẻ em.
Nghiên cứu đã đánh giá nồng độ chì trong máu của người dân ở 183 quốc gia dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu năm 2019.
Kết quả cho thấy khoảng 5,5 triệu người trưởng thành đã tử vong trong năm 2019 do phơi nhiễm chì, trong đó 90% ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Tỷ lệ này cao gấp 6 lần so với ước tính trước đó, chiếm khoảng 30% số ca tử vong do các bệnh tim mạnh - nguyên nhân gây chết người hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy nhiễm độc chì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hơn so với hút thuốc và thừa cholesterol.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngộ độc chì khiến trẻ em dưới 5 tuổi đánh mất 765 điểm IQ tích lũy, trong đó 95% ở các nước đang phát triển. Con số này cũng cao hơn gần 80% so với ước tính trước đây.
Nghiên cứu ước tính tổng thiệt hại kinh tế do ngộ độc chì lên tới 6.000 tỷ USD vào năm 2019, tương đương 7% GDP toàn cầu.
Người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Pure Earth, ông Richard Fuller cho biết hầu hết khảo sát ở các nước đang phát triển đều cho ra hàm lượng chì trong máu cao hơn so với nghiên cứu kể trên.
Ông nhấn mạnh đây “lời cảnh tỉnh” bởi hệ lụy từ ngộ độc chì có thể tồi tệ hơn kết quả của nghiên cứu.
Cũng trong ngày 12/9, Pure Earth đã công bố báo cáo phân tích 5.000 mẫu thực phẩm tiêu dùng tại 25 quốc gia đang phát triển, và phát hiện tỷ lệ ô nhiễm chì cao trong nồi và chảo kim loại, dụng cụ nấu ăn bằng gốm sứ, sơn, mỹ phẩm và đồ chơi. Đây có thể là nguyên nhân khiến người dân các nước nghèo hơn thường xuyên ngộ độc chì.
Ông Roy Harrison, chuyên gia về ô nhiễm không khí và sức khỏe thuộc Đại học Birmingham (Anh), đánh giá nghiên cứu trên rất đang chú ý. Ông cho rằng nếu xác thực được kết quả, nghiên cứu sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.
Ngộ độc chì từ lâu đã được chứng minh là nguyên nhân của hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến bệnh tim và sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Đây cũng là lý do các nước trên thế giới loại bỏ xăng pha chì.
Tuy nhiên, con người có thể tiếp xúc với chất độc thần kinh chết người này thông qua thực phẩm, đất đai, dụng cụ nấu ăn, phân bón, mỹ phẩm, pin axit chì và nhiều nguồn khác.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin