Chuyên gia nêu 'sự thật phũ phàng' về việc AI ngốn tài nguyên của hành tinh

08:40, 02/06/2024

Theo chuyên gia tại Đại học London (Vương quốc Anh), cơ sở hạ tầng được sử dụng bởi những “đám mây” trên Internet thậm chí tạo ra nhiều khí thải nhà kính toàn cầu hơn so với các chuyến bay thương mại.

Theo chuyên gia, các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT là một trong trong những công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng nhất
Theo chuyên gia, các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT là một trong trong những công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng nhất

Theo Giáo sư Kinh tế Mariana Mazzucato tại Đại học London (Vương quốc Anh), các “ông lớn” công nghệ đang góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nhưng những trung tâm dữ liệu mới rộng lớn của họ lại đang hoạt động với “cái giá khổng lồ cho môi trường”.

Bà Mariana Mazzucato đồng thời là Giám đốc Viện Đổi mới và Mục đích Công. Trong bài viết đăng tải ngày 30/5 trên trang The Guardian, bà đề cập việc Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang “ngốn” tài nguyên với tốc độ “ăn cả hành tinh”, với những nội dung chính như sau:

“Khi hình dung về ngành công nghệ, có thể bạn sẽ nghĩ đến những thứ trong không gian phi vật lý, như các ứng dụng và trình duyệt Internet trên điện thoại của bạn.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cần thiết để lưu trữ tất cả thông tin này - những trung tâm dữ liệu vật lý đặt tại các khu kinh doanh và vùng ngoại ô thành phố - lại tiêu thụ một lượng năng lượng khổng lồ.

‘Đám mây’ trên thực tế không như bản thân tên gọi này. Cơ sở hạ tầng được sử dụng bởi ‘đám mây’ thậm chí tạo ra nhiều khí thải nhà kính toàn cầu hơn so với các chuyến bay thương mại.

Thí dụ: Vào năm 2018, 5 tỷ lượt truy cập YouTube với bài hát ‘viral’ Despacito đã sử dụng lượng năng lượng tương đương nguồn năng lượng sưởi ấm 40.000 ngôi nhà ở Mỹ mỗi năm.

Đó là phương diện hủy hoại môi trường cực kỳ lớn đối với ngành công nghệ.

Mặc dù công nghệ đóng vai trò lớn trong việc đạt mức phát thải ròng bằng 0. Công nghệ mang đến cho chúng ta những thiết bị đo lường thông minh và năng lượng Mặt trời hiệu quả, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải chú ý đến “dấu chân môi trường” của nó.

Các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT là một trong trong những công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Thí dụ, nghiên cứu cho thấy việc làm mát các máy đào tạo ChatGPT-3 tại cơ sở dữ liệu của Microsoft có thể đã tiêu tốn khoảng 700.000 lít nước.

Trung tâm dữ liệu toàn cầu của Google và các kế hoạch đầy tham vọng của Meta về một Siêu Cụm Nghiên cứu AI (RSC) mới càng nhấn mạnh bản chất tiêu tốn nhiều năng lượng của ngành, làm dấy lên mối lo ngại rằng các cơ sở này có thể làm tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng.

Ngoài ra, khi các công ty này đặt mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, họ có thể chọn đặt trung tâm dữ liệu ở những khu vực có điện rẻ hơn, chẳng hạn như miền Nam nước Mỹ. Điều này có khả năng làm trầm trọng thêm vấn đề tiêu thụ nước ở những khu vực khô hạn trên thế giới.

Thêm vào đó, trong khi các khoáng chất như: lithium và coban thường được kết hợp với pin trong lĩnh vực động cơ, chúng cũng rất quan trọng đối với pin được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu.

Quá trình khai thác những khoáng sản này thường liên quan đến việc sử dụng lượng nước đáng kể và có thể dẫn đến ô nhiễm, làm suy yếu an ninh nguồn nước.

Hơn nữa, khi các nguồn năng lượng đáng kể được phân bổ cho lĩnh vực công nghệ, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng cho các nhu cầu thiết yếu - như cung cấp điện dân dụng.

Dữ liệu gần đây từ Vương quốc Anh cho thấy, mạng lưới điện lỗi thời của nước này đang cản trở các dự án nhà ở giá rẻ. Tình hình có thể còn tệ hơn khi các hộ gia đình bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang dùng điện nhiều hơn, gây thêm áp lực cho Lưới điện Quốc gia. Chẳng hạn ở Bicester, kế hoạch xây dựng 7.000 ngôi nhà mới đã bị tạm dừng vì mạng lưới điện không đủ công suất.

Trong thời đại mà chúng ta mong đợi các doanh nghiệp làm nhiều hơn là việc đơn thuần tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông của mình, các chính phủ cần đánh giá các tổ chức mà họ tài trợ và hợp tác, dựa trên việc liệu hành động của họ có mang lại thành công cụ thể cho con người và hành tinh hay không.

Nói cách khác, chính sách cần được thiết kế không phải để chọn các lĩnh vực hoặc công nghệ là ‘người chiến thắng’, mà phải chọn các công ty đi đúng hướng.

Việc công khai các hoạt động và tác động môi trường trở thành điều kiện để chính phủ hỗ trợ có thể bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn. Các biện pháp tương tự có thể thúc đẩy trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng khoáng sản toàn cầu.

Trong việc điều hướng sự giao thoa giữa tiến bộ công nghệ và tính bền vững môi trường, các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với thách thức nuôi dưỡng các mô hình kinh doanh ‘ít khai thác’ hơn.

Đây không chỉ là việc áp dụng một cách tiếp cận từng phần. Đó là việc có một cái nhìn hệ thống và toàn diện, trao quyền cho các chính phủ xây dựng năng lực lập kế hoạch và thực thi cần thiết.

Cuối cùng, bất chấp làn sóng đổi mới chưa từng có kể từ những năm 1990, chúng ta vẫn luôn bỏ qua tác động của những tiến bộ này đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong bối cảnh các nhà khoa học khí hậu dự đoán tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ vượt mục tiêu mức 1,5 độ C, đã đến lúc chúng ta tiếp cận những thách thức lớn ngày nay một cách có hệ thống, sao cho giải pháp cho một vấn đề này không làm trầm trọng thêm vấn đề khác”.

(Theo nhandan.com.vn)