Ai mua quất tết thì về Nam Ninh…

12:18, 07/01/2023

(LĐ online) - Trước mỗi dịp tết âm lịch, nông dân Nam Ninh lại tất bật với những chậu quất vàng óng, trĩu cành.

 

Nghề trồng quất cảnh đòi hỏi nhiều công chăm sóc
Nghề trồng quất cảnh đòi hỏi nhiều công chăm sóc

 

Quất là loại cây cảnh được nhiều gia đình người Việt lựa chọn để trang trí mỗi dịp tết đến xuân về. Ở huyện Cát Tiên, nghề trồng quất cảnh được những người con mảnh đất Nam Trực, Nam Định mang theo trong hành trang lập thân, lập nghiệp trên quê mới. Bên những những cánh đồng ngả vàng, thơm mùi khói chiều với hệ thống giao thông, hạ tầng đổi mới là cuộc sống của ấm no của người dân. Với những vườn quất lúc lỉu, vàng ươm, niềm vui hiện rõ trên gương mặt từng người.

 

Gia đình anh Vũ Xuân Hòa (thôn Ninh Đại, xã Nam Ninh) là một trong những người đầu tiên đưa cây quất cảnh vào vùng đất lúa. Khi cuộc sống dần đi vào ổn định, 3 anh em anh Hòa đã thử đem cây quất vào trồng và bán ở Nam Ninh. Tuy nhiên, anh Hòa cho biết, cách đây gần 10 năm, thú chơi cây cảnh trang trí ngày tết vẫn chưa phổ biến, nhất là ở các vùng quê khi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Những cây quất cảnh đầu tiên trồng nhưng không bán được, trở thành món quà biếu cho bạn bè, hàng xóm.

 

Nhờ thời tiết thuận lợi, những chậu quất cảnh của anh Vũ Xuân Hòa cho trái to đều, đẹp mắt
Nhờ thời tiết thuận lợi, những chậu quất cảnh của anh Vũ Xuân Hòa cho trái to đều, đẹp mắt

 

Vài năm trở lại đây, gia đình 3 anh em Hòa, Thuận, Hiếu trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân không chỉ ở Nam Ninh mà cả huyện Cát Tiên tìm đến. Năm nay, các anh đã chuẩn bị đưa ra thị trường hơn 300 gốc quất lớn, nhỏ.

 

Cây quất được khách chọn mua tại vườn trong khoảng 2 -3 tuần trước mỗi dịp tết âm lịch nhưng anh Hòa đã phải dày công chăm sóc trong năm. Vườn cây giống với hơn 20 gốc được anh chăm sóc, cải tạo liên tục, cho ra cành mới để bắt đầu từ khoảng tháng 4, anh Hòa tiến hành chiết cành. 

 

Đối với một số cây có cành nhỏ, sai trái cần dây kẽm để cố định cũng như góp phần tạo thế đẹp cho cây
Đối với một số cây có cành nhỏ, sai trái cần dây kẽm để cố định cũng như góp phần tạo thế đẹp cho cây

 

“Nói chung, nghề này cũng không tốn nhiều chi phí đầu tư về cây giống hay phân thuốc nhưng so với các loại cây trồng làm cảnh khác thì trồng quất phải bỏ nhiều công sức hơn, từ khâu chiết cành, xuống cây, tạo thế, chăm sóc cây đến khi ra hoa, đậu quả… Tuy nhiên, mình cũng thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong ngày để quan sát cây và kịp thời phát hiện, xử lý sớm các vấn đề trên lá, thân…”, anh Hòa cho hay. 

 

Bên cạnh việc tạo dáng, việc diệt trừ sâu bệnh cũng rất quan trọng đối với người trồng quất. Ngay từ lúc cây còn nhỏ, người trồng đã phải chủ động theo dõi các loại bệnh để kịp thời xử lý, nhất là các trường hợp bị nấm rễ, rụng lá. Bên cạnh đó còn căn chuẩn thời gian để xử lý cho trái ra đồng loạt… Tất cả các khâu đều dựa trên kinh nghiệm đúc kết qua từng năm.

 

Cũng theo anh Hòa, để có một cây quất đẹp ít nhất phải trồng từ 1 – 2 năm. Đồng thời, để cây quất đạt tiêu chuẩn có quả chín, quả xanh, hoa, lộc, ngoài kỹ thuật chăm sóc, còn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Dựa trên những kinh nghiệm được truyền lại từ những lần học hỏi người chuyên trồng quất ở quê, anh Hòa cũng tìm cách điều chỉnh cách chăm sóc, tìm tòi sao cho thích hợp với khí hậu, thời tiết của Lâm Đồng. 

 

Tại vườn anh Hòa, trung bình mỗi cây có giá dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/cây, bên cạnh đó cũng có một số cây quất lớn, đã trồng trên 3 năm với giá khoảng  2 - 3 triệu đồng/chậu. Thông thường, khách hàng đến tận vườn chọn mua, sau đó cây mới lên chậu. Nhận thấy giá trị cũng như sức hút của thị trường quất cảnh, gia đình anh Hòa cũng đã chuẩn bị thêm 1.000 m2 để mở rộng diện tích trồng quất vào năm sau.

 

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Nam Ninh, hiện trên địa bàn có khoảng 5 gia đình trồng quất, với hơn 600 gốc chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão. Số lượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện Cát Tiên. Dù không phải là nghề chính nhưng trồng quất cảnh cũng mang đến thu nhập đáng kể cho nông dân.

 

H.THẮM - H.SA