Những ngày cận Tết, chúng tôi về thăm xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, không khí đón Tết nơi đây dường như rộn ràng, vui tươi hơn, tràn ngập khắp các nẻo đường khi xã vừa hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Những vườn cây ăn trái trĩu quả, hứa hẹn mang lại một cái Tết ấm no cho người dân xã Quảng Ngãi |
Xã Quảng Ngãi được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số xã Tư Nghĩa vào xã Quảng Ngãi. Sau sáp nhập, xã đã được UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia về NTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Quảng Ngãi tiếp tục tập trung hoàn thiện các tiêu chí để về đích NTM nâng cao.
Ông Nguyễn Xuân Việt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi cho biết, xác định xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các thôn và các đoàn thể chính trị - xã hội nỗ lực huy động các nguồn lực và kêu gọi Nhân dân đóng góp để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Căn cứ điều kiện thực tế, địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể từng tháng, quý và hàng năm để triển khai thực hiện. Trong đó, xã Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ các thôn làm đường giao thông, kênh mương, phát triển sản xuất, tuyên truyền rộng rãi để người dân đồng lòng thực hiện với tinh thần “Người dân nông thôn là chủ thể xây dựng NTM”. Đồng thời, chỉ đạo cho các đơn vị, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... phát động các phong trào thi đua để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Việt, đối với một xã thuần nông như Quảng Ngãi, để nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế như tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen sử dụng giống lúa bộ, lúa địa phương bằng các giống lúa chất lượng cao thông qua việc thường xuyên phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện để mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hội thảo đầu bờ. Đối với cây điều, từng bước chuyển dần diện tích kém hiệu quả sang cây trồng khác cho thu nhập cao hơn. Đối với chăn nuôi, từng bước hỗ trợ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách để mở rộng chăn nuôi, nhất là cải tạo đàn bò địa phương bằng đàn bò lai. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi khác để phát triển kinh tế.
Đến nay, trên địa bàn xã Quảng Ngãi đã có 3 mô hình kinh tế hợp tác gồm HTX Dâu tằm với 51 xã viên, tổng diện tích cây dâu canh tác là 54,2 ha; HTX Cây ăn trái với 38 xã viên, tổng diện tích cây ăn trái đến nay là 155 ha, trong đó, sầu riêng 105 ha, bưởi da xanh là 20 ha, diện tích còn lại là cây ăn trái khác như măng cụt, mít, chôm chôm, sầu riêng và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp với 18 xã viên, chuyên cung ứng phân bón, lúa giống, vật tư nông nghiệp cho các hộ dân trên địa bàn xã. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 1 doanh nghiệp sản xuất tơ tằm đi vào hoạt động, góp phần giải quyết thường xuyên khoảng 100 công nhân lao động.
Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Quảng Ngãi đã được cải thiện đáng kể; phương thức tổ chức sản xuất được đổi mới theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích ngày càng cao, cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng bước đầu đã được đầu tư xây dựng; cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực với năng suất cây trồng tăng nhanh, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng cao và hợp lý, mức thu nhập hàng năm tương đối ổn định và cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Quảng Ngãi đã đạt 57,7 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, hàng năm UBND xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận giúp đỡ để các hộ đăng ký thoát nghèo thông qua các hình thức giúp đỡ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; định hướng sử dụng nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; hướng dẫn kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi để tăng năng suất cây trồng vật nuôi; thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những khó khăn, định hướng giải pháp thoát nghèo. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn xã chỉ còn 12 hộ, chiếm tỷ lệ 1,44%, hộ cận nghèo còn 16 hộ, chiếm tỷ lệ 1,9%, không có hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.
Công tác chăm sóc y tế cho người dân cũng được Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia mua bảo hiểm y tế toàn dân với tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,07%. Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Ngãi có 1 trạm y tế gồm 1 bác sỹ, 1 y sỹ, 1 điều dưỡng, 1 hộ sinh và 1 dân số viên, được giao chỉ tiêu 2 giường lưu bệnh phục vụ công tác cấp cứu trên địa bàn xã. Riêng từ năm 2015 đến nay, hàng năm xã đều đạt duy trì Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Hiện, tại Trạm Y tế xã đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho 3.179 người đạt 93,47% thông qua phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử VNPT - HMIS; có 1.163 người tham gia khám, chữa bệnh từ xa bằng hình thức gọi điện qua các ứng dụng zalo, messenger, viber,… đạt tỷ lệ 40,10%; 2.116 người dân có sổ khám, chữa bệnh điện tử, đạt 73%...
Có dịp đến Quảng Ngãi những ngày này, đi trên tuyến đường rợp cờ, hoa mới cảm nhận hết được diện mạo mới của một vùng quê NTM nâng cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin