(LĐ online) - Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh VOV |
Trước giờ khai mạc, các đại biểu tham dự Hội nghị dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân vừa thiệt mạng trong vụ cháy tại Hà Nội và tử vong do lũ quét tại Lào Cai đêm 12/9, rạng sáng 13/9.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội. DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để "đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.
Trong 8 tháng của năm 2023, dù chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự chỉ đạo, điều hành khoa học, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng duy trì đà tăng trưởng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt…
Dù tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm…; nhưng, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, sức ép lạm phát, tăng trưởng gặp khó khăn, nhất là công nghiệp khi thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của ta bị thu hẹp; giải ngân vốn đầu tư công và việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm…
Để DNNN thực sự trở thành lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, Thủ tướng yêu cầu, Hội nghị tìm nguyên nhân làm ách tắc sự phát triển của DNNN, vướng ở đâu phải tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào, ngành nào thì giải quyết ở cấp đó, ngành đó… để chung tay vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với DNNN…
Lãnh đạo các sở ngành và DNNN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tham dự Hội nghị trực tuyến. |
Thủ tướng cũng yêu cầu, sau Hội nghị phải có sản phẩm cụ thể. Các đại biểu từ cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương kiến nghị các nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tốt hơn, tập trung cho tăng trưởng. Các bộ ngành có văn bản cho phù hợp để định hướng các chủ trương cho các địa phương và doanh nghiệp có kế hoạch tăng trưởng cụ thể… với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, vì khát vọng xây dựng đất nước…
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 DNNN (trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%); nhưng DNNN đang nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước).
Tỉnh Lâm Đồng có 9 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 3 doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước (Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ), chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động công ích, kinh doanh đạt hiệu quả… Tỉnh Lâm Đồng đề xuất Chính phủ có chủ trương tăng vốn điều lệ cho các DNNN để đảm bảo cho các DNNN có nguồn vốn vững chắc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý bảo vệ rừng, đầu tư vào trồng rừng sản xuất; mở rộng quy mô hoạt động, tăng tiềm lực tài chính, tăng khả năng tự chủ về tài chính…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin