Chuyển đổi giống cây trồng là chương trình quan trọng, qua đó đa dạng hóa ngành Nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Để chương trình này triển khai hiệu quả cần rất nhiều yếu tố, đó là sự linh hoạt trong tư duy của chính quyền địa phương, đức tính chăm chỉ của người nông dân, sự hỗ trợ về nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, các tổ chức... Ở xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người nông dân.
Chuyển đổi cây trồng giúp nông dân Đà Loan vươn lên làm giàu |
Về Đà Loan, vào thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao của nhà nông Chu Văn Thời, chúng tôi mới hiểu được sự đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu của người nông dân này. Mảnh đất 2.500 m2 của gia đình ông ngày xưa chỉ trồng cà phê. Loay hoay mãi trong cái khốn khó, cuối cùng ông cũng tự bứt phá, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm: “Nhiều năm làm cà phê không mang lại hiệu quả, năm 2022, sau khi học hỏi một số mô hình ở địa phương, gia đình tôi quyết định phá bỏ cà phê, đầu tư 1 tỷ đồng để làm nông nghiệp công nghệ cao với loại cây trồng chủ lực là cà chua”, ông Thời trải lòng về sự mạnh dạn của mình trong chuyển đổi cây trồng.
Nếu như mô hình chuyển đổi cây trồng của gia đình ông Thời với cây cà chua là chủ lực thì ông Phạm Công Đắc cũng là người tiên phong trong lĩnh vực này ở địa phương. Trước đây, gia đình ông Đắc cũng như nhiều nông hộ trong thôn chỉ trồng cà phê. Tuy nhiên, năm 2017, ông đã đầu tư 1,5 tỷ đồng để làm nhà kính trồng dưa leo, ớt chuông và cà chua. Bước đầu chuyển đổi cây trồng, ông Đắc vẫn còn khá lạ lẫm, vừa làm vừa học hỏi, có những bỡ ngỡ nhưng rồi ông Đắc cũng khắc phục được. “Khác với trồng cà phê, trồng ớt chuông, dưa leo, cà chua bằng giá thể xơ dừa đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn. Với hệ thống tưới tự động thì mình chủ động trong chăm sóc, một ngày có thể tưới 3 đến 5 lần có khi cả 8 đến 10 lần tưới, tùy vào nhu cầu, từng giai đoạn chứ không nhất thiết phải cố định”, ông Phạm Công Đắc nói rõ hơn về kỹ thuật trồng rau trong nhà kính như thế.
Ông Đắc cho biết, một năm, gia đình ông trồng 2 vụ đối với cà chua, ớt chuông, 3 vụ với dưa leo. Do được đầu tư bài bản cùng với việc áp dụng khoa học - kĩ thuật trong chăm sóc nên sản lượng vườn rau công nghệ cao của gia đình ông Đắc đạt hiệu quả cao. Trung bình hàng năm, vườn rau công nghệ cao của gia đình ông cho thu gần 60 tấn quả các loại, thu nhập của gia đình ông đạt gần 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Gia đình ông Đắc, ông Thời là một trong nhiều điển hình chuyển đổi cây cà phê sang trồng rau công nghệ cao tại xã Đà Loan trong thời gian qua. Ngoài cây rau, thì nông dân địa phương còn trồng dâu, nuôi tằm để nâng cao thu nhập, tiêu biểu có gia đình anh Vũ Mạnh Hồng thôn Đà Giang, ông Nguyễn Văn Quyến thôn Đà Thuận...
Để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, người dân cần sự chung tay của các tổ chức, hội, đoàn thể ở địa phương. “Trong thời gian qua, Hội Nông dân xã đã kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. Hiện tại, tổng số tiền mà nông dân vay khoảng 10 tỷ đồng, mỗi hộ được vay trong vòng 60 tháng. Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức các hội thảo đầu bờ để người nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật - phát triển sản xuất”, ông Đường Xuân Phước - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đà Loan nói thêm về chương trình hỗ trợ nông dân trong những năm qua.
Như vậy chuyển đổi giống cây trồng là một hướng đi cần thiết đối với nhiều địa phương tỉnh Lâm Đồng trong đó có xã Đà Loan. Các mô hình trên là những điển hình trong quá trình chuyển đổi giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế của xã vùng xa này. Đó là tiền đề để chính quyền địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của xã là gần 470 ha trong đó, nhà lưới 16 ha, nhà kính 62 ha. Xã đang triển khai 1 Mô hình trình diễn Trồng lúa ST25 tại cánh đồng thôn Sóp, 3 mô hình công nghệ IOT trồng ớt chuông.
Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp xã Đà Loan có bước chuyển mình rõ rệt. Đà Loan không còn là xã nghèo nữa mà đã có sự chuyển biến tích cực, khởi sắc ấn tượng. “Năm 2022, giá trị sản xuất bình quân của xã đạt 244 triệu đồng/ha canh tác/năm; thu ngân sách nhà nước là 12.411 triệu đồng. Nếu như đầu năm nay, xã Đà Loan có 92 hộ nghèo thì đến nay, số hộ nghèo giảm còn 71 hộ. 3 năm trước, thu nhập của người dân chỉ 46 triệu đồng/người/năm thì hiện tại con số này đã tăng lên 64 triệu đồng/ người/ năm”, ông Phan Đình Quý - Chủ tịch UBND xã Đà Loan khẳng định đầy tự hào.
Sự cần cù, chịu khó, năng động, nhiệt tình của người nông dân đã có, chính quyền địa phương đã vào cuộc, đây chính là những yếu tố cần thiết để chương trình chuyển đổi cây trồng tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng đi đến thành công. Chương trình nông thôn mới tại xã vùng xa này từng ngày được người dân đón nhận, hưởng ứng bởi suy cho cùng, nông thôn mới chính là mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm và mới hơn nữa là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin