Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) về phát triển cây cà phê. Khoảng 91% diện tích cà phê của tỉnh là cà phê Robusta. Bởi vậy, việc thị trường thế giới có nhiều dấu hiệu tích cực và mở ra cơ hội cho cà phê Robusta là niềm vui lớn cho người trồng loại cà phê này ở Lâm Đồng.
Lâm Đồng hiện có trên 160 ngàn ha cà phê Robusta chiếm khoảng 91% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh |
• NIỀM VUI CHO NGƯỜI TRỒNG ROBUSTA
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích cà phê của tỉnh hiện có gần 176 ngàn ha. Trong đó, cà phê Robusta chiếm trên 160 ngàn ha, còn lại là cà phê Arabica.
Sản phẩm cà phê Robusta của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua thị trường các nước: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Theo thống kê, năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh đạt trên 90 ngàn tấn với giá trị đạt trên 175 triệu USD.
Ông Nguyễn Thái Nam, người đồng sáng lập Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam (đóng tại huyện Di Linh,) cho biết, thị trường có sự dịch chuyển và giá cà phê Robusta đang được cải thiện tích cực. Năm 2021, giá nhân xô Robusta vào khoảng 36.000 đồng/kg, năm 2022 tăng lên 42.000 đồng/kg và năm 2023 này đạt 66.000 đồng/kg. “Đây là tín hiệu vui cho người trồng cà phê Robusta của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng”, ông Nguyễn Thái Nam nói.
Huyện Di Linh là địa phương sản xuất cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với khoảng 45,6 ngàn ha, sản lượng hàng năm đạt trên 150 ngàn tấn, cà phê đóng góp cho nền kinh tế địa phương hàng năm trên 9 ngàn tỷ đồng. 100% diện tích cà phê của địa phương này là Robusta. Người trồng cà phê ở Di Linh nắm rõ đặc tính của cà phê Robusta và vui mừng trước những biến chuyển tích cực của thị trường đối với dòng cà phê này.
Gắn bó với cây cà phê Robusta từ những năm 1994, nông dân Bùi Trung Đảng (xã Tân Châu, huyện Di Linh) hiện đang sản xuất 1,5 ha cà phê Robusta, chia sẻ: Huyện Di Linh từng trải qua những đợt nắng hạn kéo dài khiến cây bị suy kiệt, rụng lá. Tuy nhiên, cà phê Robusta có sức chống chịu tốt nên chỉ cần tưới một lượng nước nhỏ là cây có thể duy trì sự sống để vượt qua mùa khô hạn và phát triển mạnh mẽ vào mùa mưa tiếp theo. Cây cà phê Robusta cũng có sức kháng sâu, bệnh hại tốt hơn nhiều lần so với cà phê Arabica nên việc trồng và chăm sóc cũng dễ dàng.
Nông dân Bùi Trung Đảng nhấn mạnh thêm: “Có những thời điểm giá loại cây trồng này xuống quá thấp nên để duy trì vườn, gia đình trồng xen cây dâu, lấy lá nuôi tằm. Đồng thời, sử dụng phân bón tự ủ thay cho phân bón hóa học để cắt giảm chi phí. Bởi vậy năm nay, khi giá cà phê lên cao và thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực nên người trồng cà phê như chúng tôi cũng phấn khởi, hào hứng hơn”.
Và đó cũng là niềm vui chung của nhiều người trồng cà phê ở Di Linh. Theo ông Nguyễn Minh Ngọc - Giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh), nơi có gần 70 hộ thành viên chuyên sản xuất cà phê Robusta: Trước thông tin thị trường quan tâm nhiều hơn tới sản phẩm cà phê này, bà con nông dân, các hộ thành viên trong hợp tác xã rất phấn khởi. Bởi giá cả được cải thiện sẽ giúp nông dân tăng nguồn thu nhập. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở để bà con nông dân tập trung đầu tư, sản xuất cà phê một cách khoa học, bài bản, bền vững hơn.
• SẴN SÀNG NẮM BẮT CƠ HỘI
Ông Mai Ngọc Định, phụ trách sản xuất chuỗi cà phê bền vững Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) cho biết: Từ năm 2022, thị trường có xu hướng chuyển qua sử dụng các sản phẩm từ cà phê Robusta của Việt Nam và đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Giá cà phê cũng tăng dần lên giúp người trồng cà phê yên tâm sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình cũng hướng đến mở rộng vùng nguyên liệu, tăng quy mô sản xuất, đặc biệt tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao theo các tiêu chuẩn như 4C, Rainforest Alliance.
Hiện, doanh nghiệp này đang liên kết với 3.000 hộ nông dân khắp các nơi trong tỉnh để sản xuất cà phê. Mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và cung ứng khoảng 30 - 40 nghìn tấn cà phê ra thị trường.
Nhận thấy các đối tác nước ngoài có sự thay đổi, quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm Robusta và đặc biệt dành sự ưu ái cho Robusta chất lượng cao của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thọ, Công ty TNHH Nguyên Phúc Nông (đơn vị sản xuất cà phê với thương hiệu Got Coffee, đóng tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) nói rằng: “Trước đây, chúng tôi chỉ sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Song vừa qua các đối tác thị trường Hoa Kỳ đã làm việc và đặt hàng. Bởi vậy chúng tôi mở rộng liên kết với các nông hộ để sản xuất Robusta chất lượng cao, Robusta hữu cơ”. Hiện nay, doanh nghiệp này thực hiện quy trình thu hái chọn lọc, thu hoạch trái chín 100% để đưa vào quy trình chế biến, rang mộc theo tiêu chuẩn SCA của Mỹ, không dùng hương liệu tẩm ướp để giữ trọn vị thật của cà phê.
Thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, từ năm 2015 đến năm 2022, toàn tỉnh thực hiện tái canh, ghép cải tạo trên 77 ngàn ha cà phê. Riêng năm 2023, địa phương đưa ra kế hoạch thực hiện tái canh, ghép cải tạo với diện tích ước khoảng trên 7 ngàn ha. Theo đánh giá, công tác tái canh, ghép cải tạo giống cà phê Robusta đã góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,9 tấn nhân/ha năm 2015 tăng lên 3,3 tấn nhân/ha năm 2021. Sản lượng vì thế cũng được tăng từ 400 ngàn tấn năm 2015 lên 560 ngàn tấn vào năm 2021.
Đối với giống cà phê Robusta tại Lâm Đồng, hiện nay người dân, doanh nghiệp đã và đang áp dụng các giống năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh gỉ sắt như TR4, TR9, TR11, TRS1... Bên cạnh đó, một số giống do người dân chọn lọc có năng suất cao, chất lượng tốt như Thiện Trường, TS5 (xanh lùn), Hữu Thiên. Ông Trần Quang Duy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng nói: “Hiện nay, địa bàn tỉnh có 248 vườn ươm cây giống cà phê với năng lực sản xuất trên 14 triệu cây giống và 50 triệu chồi ghép. Nguồn giống này đảm bảo đủ cung cấp hàng năm cho việc trồng mới, tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh”.
Cùng với việc đảm bảo về nguồn giống cà phê Robusta chất lượng cao, ngành Nông nghiệp địa phương cũng tổ chức xây dựng mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, triển khai 5 vùng sản xuất cà phê Robusta công nghệ cao với quy mô gần 2 ngàn ha. Trong đó bao gồm, 470 ha tại xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), 370 ha tại xã Đinh Lạc (huyện Di Linh), 900 ha tại các huyện Lâm Hà, Lạc Dương và huyện Bảo Lâm.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Lâm Đồng. Do vậy, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển ổn định, giữ diện tích 170 ngàn ha vào năm 2025, trong đó, diện tích cà phê Robusta 150 nghà ha với năng suất 3,5 tấn/ha và tổng sản lượng vào khoảng 550 ngàn tấn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin