Trồng dâu, nuôi tằm đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân ở huyện Đam Rông, giúp hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Nhiều hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ trồng dâu, nuôi tằm |
• PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH DÂU TẰM TƠ
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đam Rông cho hay, nếu như năm 2015, địa phương mới có 130 ha dâu thì nay đã nhân rộng thành 700 ha, phấn đấu cuối năm 2023 đạt 800 ha. Đặc biệt, trong vòng 5 năm nay, khi huyện triển khai Đề án “Phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ”, bên cạnh các vùng trồng dâu quy mô lớn, Đam Rông đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến kén tằm.
Các cơ quan, ban, ngành huyện Đam Rông cũng đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ…, thu hút hơn 1.200 người tham gia. Nhờ vậy, năng suất lá dâu đạt 19,3 tấn lá/ha, tăng 4,3 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 10.000 tấn lá/năm. Đến nay, huyện có khoảng 20 cơ sở nuôi tằm con tập trung, với số lượng bình quân khoảng 200 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa khô và 300 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa mưa; 15 cơ sở thu mua kén tằm và 1 nhà máy ươm tơ có công suất 2 tấn kén/ngày, cho ra sản lượng sản phẩm tơ đạt 8,5 tấn tơ/tháng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai, Nhà máy Kén tằm Duy Phương (xã Đạ Rsal) đang mở rộng liên kết, sản xuất, tiêu thụ và chế biến kén tằm ổn định với hơn 500 hộ, tạo động lực cho người dân tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Mục tiêu của huyện là đến cuối năm 2023, xây dựng và hình thành ít nhất 3 chuỗi liên kết ở 3 tiểu vùng về tổ chức sản xuất trồng dâu, nuôi tằm gắn với tiêu thụ kén tằm, ươm tơ; phấn đấu đạt trên 1.200 tấn kén tằm mỗi năm.
• GIÚP NGƯỜI DÂN VÙNG SÂU THOÁT NGHÈO
Với nguồn vốn gần 13 tỷ đồng từ các Chương trình Giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới..., huyện đã hỗ trợ cho trên 370 nông hộ phát triển diện tích trồng dâu bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, hỗ trợ các nông hộ xây dựng mới 3 cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao và xây dựng mô hình tự động cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm tại các xã Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ K’nàng... Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển trồng dâu, nuôi tằm, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo theo nhóm cộng đồng, có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để đảm bảo hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông cho biết, trong năm 2022, địa phương đã hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm cho 38 hộ với kinh phí 570 triệu đồng.
Là một trong những người đầu tiên ở xã Đạ M’rông làm quen với nghề trồng dâu, nuôi tằm, chị Ka M’Rao kể, trước đây nhiều hộ chỉ trồng bắp và lúa nước, mỗi năm 2 vụ với nguồn thu nhập ít ỏi, đời sống bấp bênh. Từ năm 2018, khi UBND xã hỗ trợ nong, né và giàn sắt để khuyến khích người dân chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm, chị hưởng ứng ngay. Lúc đầu chị cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ tham gia các lớp tập huấn, chị biết chăm sóc cây dâu như thế nào để có nhiều lá; làm quen nong, né; tiếp cận thị trường giống tằm..., khoảng 1 năm sau thì thạo nghề. “Hiện, gia đình mình đã có 5 sào dâu; kén tằm đạt tiêu chuẩn mà cơ sở thu mua đưa ra nên họ trả giá cao, từ 180 - 200 ngàn đồng/kg. Cuộc sống không còn chật vật, khó khăn như trước đây”, chị Ka M’Rao thổ lộ.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đam Rông, cho biết, sông, suối, bãi bồi ở Đam Rông khá nhiều. Loại đất này rất phù hợp với cây dâu. Mặt khác giá kén tằm trên thị trường ổn định ở mức cao nên huyện tích cực vận động người dân chuyển đổi hàng trăm héc ta đất trồng lúa, bắp sang trồng dâu, nuôi tằm. Thu nhập bình quân từ nghề này đạt từ 300-400 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp từ 3-4 lần so với canh tác cà phê, gấp 9-10 lần canh tác lúa nước.
Ông Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông cũng chia sẻ: Xác định ý thức chủ động của người dân là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững nên các ban, ngành chức năng tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Song song đó, huyện và xã hỗ trợ nguồn vốn đầu tư lẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để người dân mạnh dạn, tự tin phát triển kinh tế gia đình. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhất là các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm… được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Việc tiếp cận thuận lợi các dịch vụ này đã giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 19,3%. Huyện Đam Rông đang nỗ lực phấn đấu để đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 14,3% với số hộ nghèo là 2.105 hộ. “Nếu biết rằng, 19 năm trước (khi mới thành lập huyện Đam Rông - PV), tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 73%, mới thấy việc giảm nghèo ở địa phương có sự bứt phá to lớn”, ông Nguyễn Quốc Hương nhấn mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin