BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Hoa thông và ông chủ nấu bia thủ công châu Âu qua mạng

VIẾT TRỌNG 07:57, 13/02/2024

Đến, yêu và chọn ở lại Đà Lạt để lập nghiệp. Duyên cớ vì mùa dịch ở nhà rảnh quá, thử học nấu bia thủ công châu Âu qua mạng toàn cầu internet và rồi mở hẳn một nhà hàng và trở thành ông chủ bán bia thủ công lớn tại Đà Lạt.

Anh Phạm Minh Tuấn và chị Lê Thị Phương tại nhà hàng bán bia thủ công của mình tại Đà Lạt
Anh Phạm Minh Tuấn và chị Lê Thị Phương tại nhà hàng bán bia thủ công của mình tại Đà Lạt

CHO MỘT GIẤC MƠ ĐÀ LẠT 
Như nhiều chàng trai, cô gái sau khi tốt nghiệp đại học tại TP Hồ Chí Minh thường chọn ở lại thành phố này để làm việc, rồi chọn Đà Lạt là nơi cuối tuần thỉnh thoảng có dịp lên dạo chơi thư giãn cùng thiên nhiên rừng núi, cây cỏ, hoa lá; cặp đôi Phạm Minh Tuấn và Lê Thị Phương cũng vậy. Tuấn sinh năm 1987, người Nam Định, học kinh tế tài chính ở TP Hồ Chí Minh, ra trường làm việc trong một đơn vị nhà nước ở thành phố này, rất ổn định. Còn Phương, sinh năm 1988, người Thanh Hóa, học kinh tế tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp vào TP Hồ Chí Minh làm cho một công ty nước ngoài, mức lương cao, công việc cũng rất tốt. Họ gặp nhau tại đây, yêu nhau rồi cưới nhau năm 2014, mua nhà chung cư, rồi lần lượt 2 đứa con ra đời, 1 trai, 1 gái. 
Từ ngày quen nhau đến khi cưới, rồi có con, thỉnh thoảng họ đưa nhau lên Đà Lạt chơi. Nhưng việc thu xếp lên thành phố hoa thưa dần vì quá bận rộn. Nhớ Đà Lạt, cặp đôi này bảo nhau sao không thử tìm cho mình một cơ hội làm ăn ở Đà Lạt. “Ở TP Hồ Chí Minh mỗi ngày chúng tôi phải mất 3 tiếng đồng hồ để di chuyển từ nhà đến chỗ làm và ngược lại, rồi sau đó là đưa đón con. Ngày nào cũng như ngày nào, đường phố đông đúc, kẹt xe đứng đợi trong cái nóng hầm hập. Những lúc đó, tôi lại nhớ đến Đà Lạt, nhớ cái không khí lành lạnh, nhớ núi đồi, nhớ rừng thông, nhớ những đường phố thưa người vùng ngoại ô Đà Lạt”, anh Tuấn kể lại.
Là dân học kinh tế, thích kinh doanh nhưng cả 2 đến thời điểm đó chỉ là người làm công ăn lương, chưa bao giờ kinh doanh gì. “Khi đi làm phải tuân thủ thời gian nghiêm ngặt. Có những lúc bận quá, tôi vẫn cứ luẩn quẩn nghĩ rằng đây có phải cuộc sống mình muốn có hay không. Tôi thích một cuộc sống tự do, không gò bó, được làm những điều mình thích, tôi muốn thử kinh doanh một thứ gì đó”, anh Tuấn nói. 
Còn với chị Phương: “Đà Lạt có mọi thứ xuất phát cho một người kinh doanh nhỏ như chúng tôi, chỉ là có dám làm hay không thôi. Có du khách, có một thị trường với những người trẻ từ khắp nơi đến đây du lịch, cứ cuối tuần là đông nghịt, tôi nghĩ có thể kinh doanh các dịch vụ để phục vụ du khách”. 
Vậy thì kinh doanh cái gì cho giới trẻ lúc đó? Câu trả lời cho chị Phương, anh Tuấn là kinh doanh trà sữa. Anh chị lên Đà Lạt khảo sát địa điểm, thuê một mặt bằng gần khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt rồi mở một quán trà sữa cho giới trẻ. Nhưng không phải bắt đầu bằng một quán trà sữa bình thường mà anh chị mở một quán trà sữa có tên tuổi của Đài Loan theo hình thức nhượng quyền. “Thật ra, ở thời điểm đó, việc mở quán vừa là niềm vui và cũng là lý do để lên Đà Lạt thường xuyên hơn. Vì mọi thứ đều có sẵn, đều được lập trình, có thể kiểm soát qua mạng được”, chị Phương cho biết. 
Và điểm tốt là quán trà sữa đó ngày càng phát đạt. Anh Tuấn, chị Phương lại lên Đà Lạt thuê thêm cơ sở đầu tư tiếp một quán bán bánh cuốn, rồi tiếp đó là một quán kem cho giới trẻ, địa điểm mở cũng là một con đường lớn ở khu vực trung tâm Đà Lạt. Tất cả 3 quán đều ăn nên làm ra. 
Năm 2019, sau một quãng bàn tính, anh chị đã quyết định cả hai xin nghỉ việc, chuyển hẳn lên Đà Lạt để theo đuổi nghiệp kinh doanh của mình. “Đó là một quyết định lớn khi buông bỏ mọi thứ mình đã có. Nhưng với một thành phố xinh đẹp và đáng sống như Đà Lạt đó là một điều rất xứng đáng, dù có rủi ro thì mình cũng phải chấp nhận”, chị Phương nói.
Lên Đà Lạt, anh chị thuê nhà ở, trả lại mặt bằng quán kem và quán bánh cuốn, vẫn duy trì quán trà sữa theo hợp đồng nhượng quyền và đầu năm 2020 anh chị thuê thêm một chỗ rộng rãi hơn trên một con đường gần khu trung tâm Đà Lạt mở một quán nướng và lẩu, lấy tên là “Hoa Thông” - một loài cây đặc trưng của thành phố hoa. 
Tại quán nướng Hoa Thông này, anh chị thuê người nấu, thuê người phục vụ nhưng anh Tuấn để tiết kiệm chi phí đã tự học nấu và dần trở thành người nấu chính cho quán, còn chị cũng là người phục vụ cho quán. Quán có thiết kế đẹp, món ăn ngon, giá bán hợp lý, dần quán cũng có một lượng khách nhất định.
Làm ăn được, anh Tuấn, chị Phương quyết định đầu tư lớn hơn. Dồn toàn bộ vốn liếng lâu nay có được, anh chị tìm một lô đất rộng rãi trên một con đường lớn, chỗ đông người nhộn nhịp để thuê và mở thêm nhà hàng. Anh chị tự thiết kế riêng khá độc đáo cho nhà hàng này. Nhưng rồi mọi việc phải ngừng lại vì đại dịch COVID-19 ập đến với Đà Lạt. 

THÊM SẢN PHẨM CHO MỘT ĐÔ THỊ DU LỊCH
Lý do anh Tuấn làm quen với nấu bia khá đơn giản vì… rảnh quá. Đó là vào, thời gian giãn cách xã hội trong nước do dịch COVID-19. “Ở nhà hoài chẳng làm gì, chẳng đi đâu được nên lên trang mạng tìm hiểu thử nghề nấu bia thủ công, thấy rằng nó cũng không quá khó. Cũng tại mình mở quán lẩu nướng, khi bán thức ăn thường bán theo đồ uống cho khách khi có yêu cầu. Thế là cũng muốn thử chế biến món đồ uống nào để tạo nét đặc trưng riêng của quán”, anh Tuấn kể.
Khi tìm hiểu, anh Tuấn mới biết ở Việt Nam có không ít các nhà hàng với những người nấu bia thủ công bán cho thực khách. Như tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chẳng hạn, có rất nhiều những nhà hàng như vậy, và bia thủ công tự nấu ra được khách rất chuộng.
Theo anh Tuấn, trong vòng 10 năm trở lại đây, nghề nấu bia thủ công tại Việt Nam khá phát triển, như là một cách đa dạng hóa đồ uống trong các nhà hàng. Có những người học nấu để tự mình nấu bia cho mình và người thân thưởng thức, nhưng cũng có những người nấu để bán trong các nhà hàng với các loại bia thủ công châu Âu có mùi vị riêng rất đặc trưng, rất thơm mà bia công nghiệp sản xuất hàng loạt không có được. “Điều ngạc nhiên với tôi là khi tiếp xúc với cộng đồng những người nấu này, dù tiếp xúc qua mạng, họ cũng rất vui vẻ, nhiệt tình, hướng dẫn tôi cách nấu, cách chọn mua nguyên liệu phù hợp cho từng loại bia. Thời điểm đó giãn cách xã hội, các nhà hàng đóng cửa nên mọi người trong cộng đồng nấu bia này đều rảnh, ngày ngày lên mạng nói chuyện, chia sẻ bí quyết cho nhau. Thế là tôi thử nấu”, anh kể. 
Lúc đầu, anh thử đặt nguyên liệu một ít để nấu 2 loại là bia gừng và bia trái cây, tất cả đều đặt hàng qua mạng. Với bia gừng, anh mua gừng tươi ở Đà Lạt bằng cách tìm kiếm các nhà sản xuất. Rồi anh đặt mua những nguyên liệu Việt Nam đến nay chưa có như đại mạch, men bia, hoa bia từ châu Âu thông qua các đại lý nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam hoặc thông qua những người nấu bia để lại.
Vạn sự khởi đầu nan. Các mẻ nấu thử ban đầu hư nhiều, nhưng anh không vì khó mà bỏ cuộc. Chừng 10 mẻ thì chỉ có khoảng 2 mẻ uống được. Anh rút kinh nghiệm dần, chỗ nào không ổn anh lại hỏi những người có kinh nghiệm trong nhóm quen trên mạng. Bia nấu ra anh thử uống và sau đó mời người quen cùng thử để đưa ra lời nhận xét. “Bia nấu cần mọi thứ sạch sẽ, nước tốt. Chỉ cần thay đổi một ít nguyên liệu là mùi vị khác nhau hoàn toàn. Nấu bia là quá trình chờ đợi. Quy trình nấu cần tuân thủ nghiêm ngặt, lên men lần 1, rồi lần 2, mọi thứ ổn thì sau đó mới có thể đóng chai”, anh Tuấn chia sẻ. 

Khi dịch bệnh kết thúc, anh Tuấn đã có thể nấu được nhiều loại bia thủ công châu Âu. Cho đến nay, anh nấu được rất nhiều loại, từ bia đen, bia đỏ, bia nâu, bia vàng, bia trái cây…, mỗi loại có một hương vị khác nhau tùy theo chất liệu nấu, trong đó có loại bia nâu “Anson” được anh đặt theo tên của vùng đất An Sơn, Phường 3, Đà Lạt, nơi anh đặt xưởng nấu ra loại bia này với mùi hương khói bếp rất đặc trưng.

Nhà hàng trên đất thuê sau đó cũng được anh chị xúc tiến lại và phải mất gần cả năm để hoàn tất với phong cách trang trí rất độc đáo. Khi khai trương nhà hàng mới, anh Tuấn đã bắt đầu bán các loại bia tươi thủ công anh nấu. Gần đây, anh còn chế biến thêm các loại rượu trái cây như rượu mơ, rượu táo, rượu dây tây, rượu anh đào, có kiểm định, có công bố chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. 
“Ở Đà Lạt theo tôi biết, trong cộng đồng nấu bia thủ công, có chừng 4-5 người nấu được. Có người nấu rất ngon, nhưng họ thường nấu mẻ nhỏ, bia nấu ra cho bạn bè, người thân thưởng thức. Còn tôi muốn nấu bia để bán ra thị trường. Tôi hy vọng bia thủ công châu Âu làm tại địa phương này với hương vị rất riêng có thể tạo thêm sản phẩm cho đô thị du lịch Đà Lạt”, anh Tuấn nói. Quán bia của anh sau 1 năm vận hành đã có một lượng khách nhất định, bên cạnh khách địa phương là các du khách, đặc biệt rất nhiều những người khách nước ngoài đến Đà Lạt du lịch cũng tìm đến đây thưởng thức bia. 
Tự kinh doanh và đi lên trên con đường riêng của mình, trong câu chuyện đôi vợ chồng này nói với tôi rằng, họ đang cố gắng làm mọi thứ để có thể có cơ hội ở lại với Đà Lạt. Anh chị vừa trả lại mặt bằng quán trà sữa sau khi kết thúc 5 năm hợp đồng nhượng quyền với thương hiệu trà sữa Đài Loan, để giờ tập trung vào quán Hoa Thông.
Và Đà Lạt cho đến nay theo chị Phương, là một thành phố có rất nhiều những thứ chị thích và từng mơ ước: “Một thành phố với con người hiền hòa, thiên nhiên tươi đẹp, tôi nghĩ vợ chồng tôi đã chọn đúng nơi để sinh sống”.