Xuân Giáp Thìn 2024, người dân huyện Đạ Huoai có một cái Tết trọn vẹn niềm vui khi nhiều người dân có thu nhập tiền tỷ từ sầu riêng. Nhưng để thành quả được bền vững và lâu dài, hành trình sống xanh và trở thành những nông dân tử tế ngay chính mảnh vườn của mình đang là điều hết sức cần thiết.
“Thủ phủ” sầu riêng Đạ Huoai với những người nông dân tử tế để cho ra sản phẩm chất lượng |
• TỬ TẾ TRÊN CHÍNH MẢNH VƯỜN CỦA MÌNH
Phải khẳng định chắc chắn rằng, sầu riêng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả cho nông dân Đạ Huoai. Theo Hội Nông dân huyện Đạ Huoai, thống kê sơ bộ niên vụ sầu riêng 2023 đã có trên 800 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng, một số hộ đặc biệt thu trên 18 tỷ đồng từ loại cây được mệnh danh là “vua của các loại trái cây”. Huyện Đạ Huoai có diện tích sầu riêng khoảng 6 nghìn ha, trong đó diện tích sầu riêng cho kinh doanh là trên 3,5 nghìn ha với sản lượng ước đạt 40 nghìn tấn.
Trong các cuộc họp và tiếp dân, đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai luôn đề nghị các ban, ngành; đoàn thể, Hội Nông dân, các xã, thị trấn; cán bộ làm công tác khuyến nông tích cực vận động nông hộ trở thành những nông dân tử tế trên chính mảnh vườn của mình. Điều mà Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ luôn nhắc nhở nông dân chính là bà con thu hoạch sầu riêng chưa “đúng tuổi”, chưa đủ độ chín thì chính bản thân mình có ăn được không mà lại mang bán cho người khác.
Gầy dựng hình ảnh người nông dân tử tế, Hội Nông dân huyện Đạ Huoai đã xây dựng kế hoạch và triển khai cuộc vận động. Tiêu chí để trở thành một người nông dân tử tế gồm: Sản xuất và bán sản phẩm nông nghiệp ra thị trường phải đảm bảo có giá trị sử dụng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện sâu, bệnh hại cây trồng, vật nuôi có khả năng lây lan thành dịch thì báo ngay cho cơ quan chức năng và những nông hộ sản xuất cùng ngành liền kề để triển khai phòng, chống dịch; khi biết được biện pháp phòng, chống thì sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nông hộ khác. Không vứt xả bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, nước súc rửa dụng cụ có chứa thuốc bảo vệ thực vật, vật nuôi chết xuống hồ nước, sông, suối... Có tinh thần gắn kết với các nông hộ liền kề để cùng nhau bảo vệ tài sản, công cụ lao động, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng, nhiều nông hộ ở Đạ Huoai đã ký cam kết thực hiện các tiêu chí để trở thành những nông dân tử tế trong thời đại mới.
Ông Nguyễn Thanh Sơn trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạ M’ri, thị trấn Đạ M’ri đã cùng các thành viên trong HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt. Theo ông Sơn, HTX có khoảng 350 ha sầu riêng, trong đó 250 ha cho thu hoạch. Ở các vườn, các cơ sở thu mua trong vùng cử người đến tận vườn chốt hợp đồng và thu hoạch.
Là Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc HTX Nông nghiệp Du lịch miệt vườn Hà Lâm, ông Lê Quang Sơn tích cực vận động các hội viên sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học. Hầu như mọi thành viên của HTX ai cũng có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm nhờ sầu riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Tú - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, kế hoạch sản xuất sầu riêng của huyện đang được thực hiện theo hướng đảm bảo về chủng loại, năng suất và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện. Ngành Nông nghiệp huyện cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, nông nghiệp sạch, sầu riêng hữu cơ để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính.
Đạ Huoai là mảnh đất được thiên nhiên ưu ái để hình thành các loại trái cây nổi tiếng |
• TỬ TẾ ĐỂ CẠNH TRANH
Vừa qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về hai lô sầu riêng và ớt của Việt Nam qua tới Nhật Bản bị buộc tiêu hủy trong tháng 10 do tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép. Lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Chính vì vậy để tăng tính cạnh tranh, vượt qua được những kiểm định khắt khe của các thị trường nước ngoài thì điều cần thiết mà huyện Đạ Huoai đã và đang làm chính là xây dựng hình ảnh nông dân tử tế để đủ sức cạnh tranh khi ra “biển lớn”. Bằng những tiêu chí cụ thể về sự tử tế trong sản xuất, có thể dễ dàng áp dụng trên chính mảnh vườn của các nông hộ.
Đối với người sản xuất sầu riêng, tử tế là khi cắt bán sầu riêng phải đảm bảo trái sầu riêng đủ độ chín để ăn được, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất cấm làm chín trái trên sầu riêng hoặc được cách ly thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đúng quy định. Người chăn nuôi không dùng chất cấm trong chăn nuôi, khi bán sản phẩm ra thị trường thì sản phẩm đó đã được cách ly an toàn thời gian dùng thuốc kháng sinh để phòng, chữa bệnh; không bán sản phẩm là con vật nuôi đã bị và nghi ngờ bị nhiễm bệnh.
Cùng với đó, khi nông dân trên địa bàn huyện sản xuất và bán sản phẩm ra thị trường hàng hóa đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì mức độ tín nhiệm đối với sản phẩm nông sản được nâng cao, thương hiệu sản phẩm được phát triển, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập của nông dân. Đặc biệt quan trọng trong sản xuất sầu riêng, mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao của nông dân huyện nhà, chủ yếu sản xuất để xuất khẩu, là mặt hàng hiện nay chịu sự canh tranh rất lớn giữa các vùng, miền trong nước và nhiều nước trên thế giới. Do vậy, nếu không tử tế trong sản xuất và bán sản phẩm sầu riêng thì nguy cơ mất thị trường, giá thành sản phẩm hạ hoặc thậm chí không bán được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân địa phương.
Ngoài ra, sự tử tế còn thể hiện qua yếu tố không dấu dịch bệnh, kịp thời thông báo cho các nông hộ khác ở liền kề để có biện pháp phòng tránh, nếu có phát hiện hoặc nghi các loại bệnh dịch có thể lây lan trên diện rộng thì báo với chính quyền địa phương để có biện pháp giải quyết nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân; sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho các nông hộ khác. Rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật phải được thu gom, xử lý đúng quy định; không xả nước thải có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật xuống sông, suối, ao, hồ; vật nuôi bị bệnh chết phải được xử lý, chôn lấp, không vứt bỏ xuống sông, suối, thùng rác công cộng gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh...
Ông Hoàng Thanh Nam - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Huoai cho biết: Vận động hội viên nông dân thực hiện tiêu chí “Nông dân tử tế” nhằm nâng cao trách nhiệm của người nông dân trong sản xuất, kinh doanh; đấu tranh, hạn chế những hành vi sản xuất và bán ra thị trường sản phẩm không đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường; qua đó nâng cao độ tin cậy về chất lượng sản phẩm nông nghiệp của nông dân Đạ Huoai, nhất là sản phẩm “Sầu riêng Đạ Huoai”. Qua đó, lan tỏa những tấm gương người tốt trong sản xuất nông nghiệp, củng cố vững chắc đặc trưng của con người Đạ Huoai “Cần cù - Sáng tạo - Nghĩa tình”, góp phần xây dựng quê hương Đạ Huoai ngày càng giàu đẹp, văn minh, tình nghĩa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin