Quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, triển vọng mới cho sự phát triển của huyện Di Linh.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho huyện Di Linh |
• HƯỚNG TỚI TRỞ THÀNH TRUNG TÂM TIỂU VÙNG II
Đồ án Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt nhằm hướng tới việc xây dựng và phát triển vùng huyện Di Linh trở thành vùng kinh tế động lực, trung tâm tiểu vùng II của tỉnh Lâm Đồng (bao gồm các huyện: Di Linh, Đam Rông và phía Tây huyện Lâm Hà). Tổng diện tích lập quy hoạch là 1.613,16 km2. Ranh giới hành chính huyện Di Linh gồm: thị trấn Di Linh và 18 xã, được phân thành 3 tiểu vùng.
Tiểu vùng I gồm thị trấn Di Linh và các xã Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Tân Châu, Liên Đầm, Gung Ré, Tân Lâm, Tân Thượng, Đinh Trang Thượng. Đây là vùng trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và là vùng phát triển kinh tế động lực của huyện với trung tâm tiểu vùng là thị trấn Di Linh và trung tâm phụ là xã Tân Lâm.
Tiểu vùng II gồm đô thị Hòa Ninh và các xã Đinh Trang Thượng, Hòa Trung, Hòa Bắc, Hòa Nam, Sơn Điền và một phần các xã Gia Bắc, Liên Đầm, Gung Ré. Đây là vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao… với trung tâm tiểu vùng là đô thị Hòa Ninh và trung tâm phụ là xã Gia Bắc.
Tiểu vùng III gồm các xã Tam Bố, Gia Hiệp, Bảo Thuận và một phần các xã Gia Bắc, Đinh Lạc. Đây là vùng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng, vùng phát triển bảo tồn cảnh quan, vùng lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ… với trung tâm tiểu vùng là xã Gia Hiệp và trung tâm phụ là xã Bảo Thuận.
Quy hoạch vùng huyện Di Linh có vai trò quan trọng trong chiến lược quốc phòng - an ninh, bảo tồn rừng cảnh quan, nguồn nước, đa dạng sinh học của vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ; là vùng đặc thù về phát triển nông nghiệp chuyên canh với ưu thế về diện tích đất sản xuất lớn, màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng và cho năng suất cao; có vị trí thuận lợi và có hệ thống giao thông quan trọng, nằm trên trục Quốc lộ 20, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, Quốc lộ 28… thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế và phát triển thành trung tâm phân phối, lưu thông hàng hóa, là đầu mối kết nối phát triển kinh tế - xã hội trong toàn tỉnh, khu vực và cả nước; là vùng đặc thù về phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh và phát triển mạnh về du lịch nông thôn.
• CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT CƠ HỘI
Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh khẳng định: Quy hoạch xây dựng vùng huyện có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển huyện Di Linh, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới cho địa phương.
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch vùng huyện, UBND huyện đã yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong huyện, đặc biệt là UBND các xã, thị trấn Di Linh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân. Thông qua công tác tuyên truyền để người dân hiểu được khát vọng phát triển của huyện trong giai đoạn tới, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, để từ đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.
Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng đang khẩn trương hoàn thành Đề án Phân loại đô thị để đề nghị công nhận đô thị Di Linh đạt tiêu chí đô thị loại IV, Hòa Ninh đạt đô thị loại V theo lộ trình, làm cơ sở thực hiện mục tiêu sáp nhập các đơn vị hành chính theo đúng tiến độ đã đề ra. Đồng thời rà soát, điều chỉnh và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung các xã, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, để cụ thể hóa quy hoạch vùng huyện.
Chủ tịch UBND huyện Di Linh nhấn mạnh: Quá trình thực hiện phải đảm bảo tính liên ngành, căn cứ cơ sở khoa học, đánh giá thực tế và phân tích xu hướng phát triển, nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và bền vững, phù hợp với từng giai đoạn phát triển quy hoạch vùng huyện theo mục tiêu đã đề ra.
Lãnh đạo huyện Di Linh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác quy hoạch, giúp nâng cao tính chính xác, hiệu quả, minh bạch và dự báo tốt hơn về xu hướng phát triển đô thị; tăng cường hợp tác, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng để quy hoạch phù hợp với thực tiễn địa phương, đảm bảo tính khả thi; tính toán các yếu tố bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quy hoạch; tăng cường quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, đảm bảo tính pháp lý và trật tự xây dựng trong quá trình thực hiện quy hoạch...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin