BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Rộng mở “đường đi” cho OCOP

THÂN THU HIỀN 01:33, 14/02/2024

Sau 5 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Lâm Hà không chỉ giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hàng hóa mà địa phương đã và đang có những bước tiến mới trong việc kết nối, đẩy mạnh xúc tiến thương mại với khát vọng đưa nông sản Lâm Hà vươn tới thị trường trong và ngoài nước.

Anh Chính giới thiệu sản phẩm 
tại buổi làm việc của Thành ủy Hà Nội với huyện Lâm Hà
Anh Chính giới thiệu sản phẩm tại buổi làm việc của Thành ủy Hà Nội với huyện Lâm Hà

TỪ NHỮNG SẢN PHẨM ĐẦU TIÊN 

Mắc ca sấy Việt’s Nuts (Công ty TNHH Huy Hiếu tại xã Tân Hà) là một trong 3 nông sản của huyện Lâm Hà được công nhận sản phẩm OCOP đầu tiên của địa phương vào năm 2019. 

Nhớ về những năm 2007 - 2008, anh Nguyễn Hữu Việt - Giám đốc Công ty TNHH Huy Hiếu kể rằng: “Bản thân biết đến mắc ca trong một lần tình cờ xem chương trình truyền hình tại mục khuyến nông của VTV2. Lúc ấy, loại cây này được trồng phổ biến ở một số tỉnh phía Bắc. Ham tìm kiếm những điều mới mẻ, nên tôi tìm đến trung tâm giống tại Ba Vì để hiểu thêm về giống cây này. Tại đây, tôi được biết mắc ca là giống cây phù hợp với đất đỏ bazan vùng Tây Nguyên. Đồng thời, cho năng suất cao nếu nông dân nắm vững các kĩ thuật chăm sóc”.

Nhận thấy tiềm năng của giống cây này, anh Việt đưa hơn 200 cây mắc ca ghép về trồng xen với diện tích cà phê có sẵn của gia đình tại xã Tân Hà (huyện Lâm Hà). Bởi đây là giống cây mới và hiếm hoi tài liệu nghiên cứu, thời gian đầu, vườn mắc ca gặp một số khó khăn nhất định. Không nản chí, anh Việt kiên trì vừa trồng, vừa cập nhật thêm kiến thức. Nhờ đó, sau 3 năm, vườn mắc ca ghép của anh bắt đầu thu về “trái ngọt” đầu tiên. Những năm sau đó, vườn cho thu mỗi năm 2 vụ với năng suất và chất lượng cao.

Đến tháng 3/2013, anh Việt thành lập cơ sở chế biến mắc ca Nguyễn Hữu Việt và phát triển thành Công ty TNHH Nông sản Huy Hiếu vào tháng 10/2018. Để mở rộng quy mô và khẳng định thương hiệu mắc ca Việt trên thị trường trong và ngoài nước, anh đăng ký độc quyền thương hiệu mắc ca sấy Việt’s Nuts. Năm 2019, 2020 và 2021, niềm vui liên tiếp đến với anh khi bộ sản phẩm đạt OCOP 3 và 4 sao và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Hành trình sau 17 năm gắn bó, mắc ca sấy Việt’s Nuts dần xuất hiện nhiều tại các thị trường lớn; trong đó, sản phẩm của anh đã có hơn 8 năm chiếm lĩnh thị trường chuỗi Siêu thị Co.opmart. “Từ 2,7 ha mắc ca, hiện tôi cũng đã mở rộng diện tích 10 ha. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt chất lượng, tôi đã liên kết 50 hộ dân tại các xã lân cận với diện tích hơn 90 ha. Trung bình hằng năm, lượng hàng xuất ra thị trường khoảng 100 tấn”, anh Việt cho hay. 

Mắc ca của anh Nguyễn Hữu Việt là một trong 3 sản phẩm đầu tiên 
của huyện Lâm Hà 
được công nhận OCOP
Mắc ca của anh Nguyễn Hữu Việt là một trong 3 sản phẩm đầu tiên của huyện Lâm Hà được công nhận OCOP

NÂNG HẠNG SAO CHO SẢN PHẨM

Huyện Lâm Hà hiện có 34 sản phẩm của 24 chủ thể đã được cấp thẩm quyền công nhận OCOP. Cụ thể, có 17 sản phẩm OCOP hạng 4 sao, 17 sản phẩm OCOP 3 sao; 3 sản phẩm UBND huyện đã trình UBND tỉnh xem xét, đánh giá công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao trong năm 2023. 

Tại xã Hoài Đức, ngay khi thị trường trong và ngoài nước đón nhận, đồng thời được các cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá sản phẩm có nhiều tiềm năng, anh Trần Quốc Chính đã đăng ký độc quyền thương hiệu mắc ca Lâm Hà và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, cấp chứng chỉ ISO 2200-2018. Đến tháng 12/2020, sản phẩm mắc ca của Công ty được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và được UBND tỉnh gửi hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá OCOP cấp quốc gia vào năm 2023. 

Ông Lê Văn Thiêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho biết: Hiện số lượng sản phẩm OCOP của huyện đứng thứ 3 trong toàn tỉnh. Để từng bước phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tạo nên sức bật mới, thời gian qua, địa phương cũng đã tập trung đánh giá phân hạng và nâng hạng sao sản phẩm OCOP cho các nông sản ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Vừa qua, đại diện Lâm Hà có 3 sản phẩm đã được UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Sản phẩm mắc ca của anh Trần Quốc Chính sản xuất theo quy trình khép kín
Sản phẩm mắc ca của anh Trần Quốc Chính sản xuất theo quy trình khép kín

KHÁT VỌNG VƯƠN RA “BIỂN LỚN”

Với những kết quả đạt được, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên của huyện Lâm Hà được tạo gian hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) https://voso.vn; https://postmart.vn và Trang thông tin điện tử https://www.nongsandalatlamdong.vn

Ngoài kết nối thị trường với từng chủ thể, huyện Lâm Hà đã kết nối với TP Hà Nội nhằm đánh giá và xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP địa phương tại một số quận, huyện của Thủ đô. 

Trong chuyến thăm và làm việc với huyện Lâm Hà vào cuối tháng 10/2023, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Huyện Lâm Hà được xem như là quận, huyện thứ 31 của Thủ đô. Qua đó, thống nhất quan điểm chuyển sang giai đoạn hợp tác mới, toàn diện, bền vững trên các lĩnh vực, trong đó Hà Nội sẽ hỗ trợ Lâm Hà tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Thủ đô, từ đó kết nối đầu tư, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Sở Công thương TP Hà Nội xác định sẽ tiếp tục đồng hành, chủ động phối hợp để giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Lâm Hà thông qua các điểm, chuỗi cửa hàng như 87 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại địa bàn các quận, huyện; trên 1.000 cửa hàng tiện lợi, trên 100 chuỗi tiêu thụ sản phẩm, các hệ thống siêu thị và các hội chợ, sự kiện quảng bá tại Hà Nội. Đồng thời kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn và nước ngoài nhằm liên kết xuất khẩu. 

Đồng hành cùng với huyện Lâm Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã mời các chủ thể OCOP của huyện Lâm Hà tham gia các chuỗi sự kiện do đơn vị tổ chức như quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Nam Bộ, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. 

Đồng chí Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định: “Để nông sản của địa phương có những bước đi đầy triển vọng, thời gian qua, ngoài tạo điều kiện cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm trên các sàn TMĐT, huyện đã kết nối với thị trường tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội. Đặc biệt, tại TP Hà Nội, huyện đã xây dựng kế hoạch và chương trình làm việc riêng với Thành ủy và các sở, ban, ngành nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư quảng bá, giới thiệu nông sản của địa phương. Đến nay, huyện Lâm Hà đã có 18 sản phẩm được kết nối, tiêu thụ tại TP Hà Nội”.

Mang đặc trưng riêng của con người và vùng đất Lâm Hà đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước, những sản phẩm OCOP được công nhận đang phát huy mạnh mẽ tiềm năng nông sản của địa phương. Song hành với việc định hướng người dân tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao và bền vững, huyện Lâm Hà đã sẵn sàng mọi điều kiện để chinh phục giấc mơ đưa nông sản địa phương vươn ra “biển lớn”.