Đam Rông nỗ lực giảm nghèo bền vững

NDONG BRỪM 06:03, 04/04/2024

Nhờ thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi và các chương trình, dự án khác; những năm gần đây, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Đam Rông đã có nhiều chuyển biến đáng kể, diện mạo nông thôn được khởi sắc.

Nhờ chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, 
nhiều hộ nghèo ở huyện Đam Rông nay đã thoát nghèo
Nhờ chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, nhiều hộ nghèo ở huyện Đam Rông nay đã thoát nghèo

Đam Rông là huyện miền núi, toàn huyện có 8 xã, 53 thôn, với dân số trên 56 nghìn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 65%. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Đam Rông được đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng các chương trình, dự án khác. Theo đó, trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Đam Rông được phân bổ kinh phí trên 92,2 tỷ đồng đầu tư nâng cấp và xây mới 25 công trình cơ sở hạ tầng; thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các hộ dân ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, huyện còn được phân bổ trên 4,2 tỷ đồng từ Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đầu tư cho 4 xã vùng khó khăn gồm: Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông và Liêng S’rônh để triển khai thực hiện các dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, chia sẻ: Đầu năm 2023, tổng số hộ nghèo đa chiều của huyện còn khá cao với 2.845 hộ, chiếm tỷ lệ 19,3%. Trong đó, tổng số hộ nghèo là 1.019 hộ (chiếm 6,9%), hộ cận nghèo còn 1.826 hộ, chiếm tỷ lệ 12,4%. Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, giúp đồng bào biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện đã giảm xuống chỉ còn 11,63% (So với năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 7,67%, tương ứng với 1.144 hộ), trong đó số hộ nghèo giảm còn 4,27% và hộ cận nghèo còn 7,36%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã thuộc diện khó khăn đều giảm đáng kể. 

Từng là hộ nghèo, thu nhập chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng lúa nước và vài sào cà phê kém hiệu quả, nên hành trình thoát nghèo của gia đình ông Kon Sa Ha Kem ở Thôn 1, xã Đạ Long gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Ông Kon Sa Ha Kem cho biết: “Năm 2019, gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm từ 1,5 sào lên đến 5 sào; đồng thời vay 50 triệu đồng thuộc vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư thâm canh và trồng mới 2 ha cà phê. Cuối năm 2023, ngoài nguồn thu từ việc trồng dâu, nuôi tằm, gia đình thu lãi trên 70 triệu đồng từ việc bán cà phê. Đến nay, không những đã thoát nghèo, từ số tiền tích lũy, gia đình đang đầu tư trên 150 triệu đồng để sửa chữa ngôi nhà gần 100 m2”. 

Trong năm qua, cùng với nguồn lực từ các chương trình MTQG, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện Đam Rông đã tổ chức tháng cao điểm, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, các phòng, ban chuyên môn, nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư hưởng ứng và đã tiếp nhận được trên 8 tỷ đồng cùng chung tay góp sức xây dựng 259 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với trị giá 12,8 tỷ đồng. Song song đó, phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách để giúp hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vay vốn ưu đãi đầu tư thâm canh phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; đồng thời, cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế cho 41.845 các đối tượng được thụ hưởng; hỗ trợ chi phí, miễn giảm học phí cho 6.124 học sinh, sinh viên; tổ chức tuyển sinh, đào tạo 26 lớp học nghề cho 520 lao động và giải quyết việc làm cho 1.500 lao động ở địa phương…

Bên cạnh các chương trình, dự án, huyện còn được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh quan tâm, hỗ trợ triển khai thực hiện các hạng mục trong Đề án hỗ trợ sinh kế (năm 2022 và 2023) với 435 mô hình sinh kế giảm nghèo cho 435 hộ nghèo, cận nghèo với tổng trị giá trên 7,3 tỷ đồng; các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ 20 hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 400 triệu đồng. Trong số hộ được thụ hưởng, đến nay đã có 165 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, đạt tỷ lệ 88,2%. 

Phải khẳng định rằng, nhờ thực hiện tốt các chương trình, dự án và đa dạng cách làm trong công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đam Rông đã giảm mạnh. Trong năm 2024, huyện Đam Rông phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 7,63%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,77%, hộ cận nghèo giảm còn 4,86%.