Đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề đặc biệt quan trọng

AN NHIÊN 17:24, 24/05/2024

(LĐ online) - Chiều 24/5, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến các huyện, thành phố tổng kết công tác đảm bảo ATTP năm 2023 và Tháng Hành động vì ATTP năm 2024, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Tại đầu cầu UBND tỉnh, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh chủ trì hội nghị.

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh chủ trì hội nghị
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh chủ trì hội nghị

Theo thông tin tại hội nghị, trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 212 người mắc, không có người tử vong. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính/100.000 dân trong các vụ ngộ độc được ghi nhận là 15,8 giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Các ngành y tế và tuyến huyện, xã; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; ngành Công thương và tuyến huyện qua công tác thanh tra, kiểm tra 11.645 cơ sở, phát hiện 1.171 cơ sở vi phạm, xử phạt 303 cơ sở vi phạm hơn 1,5 tỷ đồng.

BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng báo cáo công tác đảm bảo ATTP tại địa phương trong thời gian qua
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng báo cáo công tác đảm bảo ATTP tại địa phương trong thời gian qua

Bên cạnh đó, Công an tỉnh (cảnh sát kinh tế) kiểm tra xử lý 83 vụ việc vi phạm hành chính về ATTP đối với 78 cá nhân, 5 tổ chức với tổng số tiền gần 562 triệu đồng, tiến hành tiêu hủy 3.988 kg hàng hóa là thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường kiểm tra 367 vụ, phát hiện 311 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng và buộc tiêu hủy 403 kg thực phẩm đông lạnh. Tổng số tiền xử phạt hơn 3,7 tỷ đồng vi phạm pháp luật về ATTP.

Trong Tháng Hành động vì ATTP năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thành lập 161 đoàn kiểm tra từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã thanh tra, kiểm tra 3.580 cơ sở. Qua đó, phát hiện 302 cơ sở vi phạm, xử lý 78 cơ sở với số tiền phạt 304 triệu đồng.

Các hoạt động giám sát, phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ thực phẩm mất an toàn; công tác thông tin, truyền thông về ATTP được quan tâm thường xuyên.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình đảm bảo ATTP trong lĩnh vực thuộc ngành quản lý
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình đảm bảo ATTP trong lĩnh vực thuộc ngành quản lý

Tổ chức sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP; xây dựng, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh tại địa phương như: Hỗ trợ VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng.

Chú trọng công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật và đảm bảo ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo đảm ATTP.

Tại hội nghị có nhiều ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nhằm đảm bảo tốt hơn công tác ATTP trong thời gian tới.

Theo đánh giá, công tác đảm bảo ATTP trong toàn tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, UBND các cấp trong việc triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác đảm bảo ATTP của các cấp, các ngành được ban hành, triển khai kịp thời, nghiêm túc. Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp được kiện toàn, duy trì hoạt động định kỳ và trong các đợt cao điểm.

Lãnh đạo Sở Công thương báo cáo về tình hình đảm bảo ATTP thuộc ngành quản lý
Lãnh đạo Sở Công thương báo cáo về tình hình đảm bảo ATTP thuộc ngành quản lý

Công tác thông tin, truyền thông được triển khai đa dạng, dễ tiếp cận, phù hợp với các đối tượng giúp thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn cơ sở an toàn, thực phẩm an toàn.

Hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm được thực hiện thường xuyên, từng bước kiểm soát được các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường; ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được thay đổi.

Công tác giải quyết thủ tục hành chính được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đúng quy trình và kịp thời. Lâm Đồng có diện tích sản xuất theo VietGAP lớn, chính vì vậy sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng nhanh, nhất là rau, củ quả.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường phát biểu về tình hình kiểm soát ATTP trong thời gian qua
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường phát biểu về tình hình kiểm soát ATTP trong thời gian qua

Tuy nhiên, trong năm vẫn còn xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 212 người mắc. Việc quản lý các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ như mứt, nước cốt, bún phở, rượu thủ công và các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động còn nhiều khó khăn do hầu hết là các cơ sở nhỏ lẻ, thời vụ, tự phát; chưa quản lý được hoạt động kinh doanh thực phẩm trên môi trường mạng xã hội, đặc biệt tại các tài khoản cá nhân (zalo, facebook, tiktok... ).

Công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP chưa nghiêm, chủ yếu là nhắc nhở (đặc biệt là tại tuyến huyện, xã, phường, thị trấn). Sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể trong giám sát, tuyên truyền, vận động và phát hiện, tố giác các vi phạm ATTP còn hạn chế.

Việc kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng quy định của thị trường xuất khẩu (Trung Quốc) khiến cho một số đơn vị phải tạm dừng xuất khẩu.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu về công tác đảm bảo ATTP trong trường học
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu về công tác đảm bảo ATTP trong trường học

Phát biểu kết luận hội nghị,  ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh ATTP là vấn đề đặc biệt quan trọng, tác động thường xuyên và trực tiếp đến sức khỏe của từng con người, gia đình và toàn xã hội.

Đặc biệt, đối với hoạt động du lịch tại Đà Lạt với nhiều sự kiện thu hút nhiều du khách đến địa phương hàng năm. Việc đảm bảo ATTP cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2023, các ngành, các cấp đã xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP đạt được một số kết quả tích cực: Công tác thông tin, truyền thông được triển khai đa dạng, dễ tiếp cận, phù hợp với các đối tượng giúp thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đã được các sở, ngành và UBND cấp huyện, xã chủ động triển khai thực hiện theo phân cấp quản lý, cơ bản kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm về ATTP; công tác giám sát mối nguy, xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm được duy trì thường xuyên, chủ động lấy mẫu giám sát để phát hiện kịp thời mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo cho người tiêu dùng.

Lãnh đạo tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phát biểu về năng lực kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm tại địa phương
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phát biểu về năng lực kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm tại địa phương

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Một số cơ sở thực phẩm, một bộ phận người dân chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề ATTP hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng trong chọn lựa, sử dụng và phòng chống NĐTP… Vì vậy, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn diễn ra; thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn còn lưu thông trên thị trường.

Ông Đỗ Hoàng Hải - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh Lâm Đồng phát biểu về nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị
Ông Đỗ Hoàng Hải - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh Lâm Đồng phát biểu về nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới để tiếp tục đảm bảo ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, với mục tiêu hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Trong đó, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao quán triệt, xác định ATTP là vấn đề quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân.

Năm 2024, có nhiều hoạt động, sự kiện lớn được tổ chức trên địa bàn tỉnh, do đó các sở, ban, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, tăng cường công tác đảm bảo ATTP cho du khách và người dân địa phương, với mục tiêu không để tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đảm bảo ATTP trong tình hình mới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP ở các cấp, các ngành theo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 03/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới; Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 09/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư; Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND ngày 21/02/2023 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND.

Các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh tham dự hội nghị
Các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh tham dự hội nghị

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, trung thực về các vấn đề liên quan đến ATTP với nội dung và hình thức phù hợp để tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tích cực trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Biểu dương, quảng bá các mô hình, điển hình tiên tiến, các sản phẩm truyền thống, đặc sản, sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm OCOP của tỉnh trong lĩnh vực ATTP.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP theo phân cấp, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong các dịp lễ hội, kỳ nghỉ hè và các sự kiện lớn tổ chức tại tỉnh năm 2024. Phát huy vai trò của người dân trong giám sát thực hiện ATTP.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kết nối, chia sẻ thông tin về an toàn thực phẩm giữa các ngành, các cấp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ cộng đồng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường.

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác đảm bảo ATTP tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới.


Từ khóa:

chủ tịch UBND tỉnh

lâm đồng