Nông dân Lâm Ðồng: Nghĩ lớn - làm bền

DIỆP QUỲNH 09:24, 01/05/2024

Năm 2024, với những thách thức cho toàn thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng đã gây sức ép không nhỏ cho nền kinh tế. Và trong đó, người nông dân chịu những ảnh hưởng lớn. Để vượt qua khó khăn, nông dân Lâm Đồng đã thay đổi rất nhiều trong tư duy làm việc: Nghĩ lớn hơn - làm bền hơn.

Nông dân đã quen với chăn nuôi theo hợp đồng liên kết cùng doanh nghiệp
Nông dân đã quen với chăn nuôi theo hợp đồng liên kết cùng doanh nghiệp

Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng thông tin, tới hiện tại, Lâm Đồng có gần 164 ngàn hội viên nông dân, chiếm xấp xỉ 80% hộ nông nghiệp toàn tỉnh. Trong tình hình chung của toàn thế giới, nông dân Lâm Đồng chịu sức ép lớn từ giá cả thị trường bấp bênh, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tình hình dịch bệnh, hạn hán, biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, ông Đa Cát Vinh cũng nhận định, tổ chức Hội và từng người nông dân đã vươn lên, xây dựng kinh tế gia đình và cùng với đó, tích cực xây dựng cộng đồng nông thôn thịnh vượng. 

Theo ông Đa Cát Vinh, nông dân Lâm Đồng chuyển dần từ làm ăn cá thể sang làm ăn theo chuỗi liên kết. Người nông dân đã trở thành một nhân tố không thể thiếu, giúp hàng hóa Lâm Đồng vượt đại dương, tham gia vào cạnh tranh tại các thị trường quốc tế. Thông tin cho biết, hiện Đề án tổ chức Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu đang được triển khai nhanh, hiệu quả trên toàn tỉnh. Hiện Lâm Đồng có khoảng 234 chuỗi liên kết (tăng 21 chuỗi so với năm 2022) với 31.092 hộ liên kết và con số ngày càng tăng nhanh. Nhiều chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả lớn trong xuất khẩu. Như mặt hàng sầu riêng, với 65 mã vùng trồng được cấp chứng nhận, hàng ngàn nông hộ liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, HTX đã mang về cho Lâm Đồng trên 100 triệu USD tiền xuất khẩu trái tươi sang Trung Quốc.

Sầu riêng - mặt hàng xuất khẩu giá trị của Lâm Đồng
Sầu riêng - mặt hàng xuất khẩu giá trị của Lâm Đồng

Nông dân cũng tích cực tham gia vào nâng cao thương hiệu nông sản. Lâm Đồng hiện có 275 sản phẩm (và bộ sản phẩm) nông thôn tiêu biểu cấp huyện, 100 sản phẩm cấp tỉnh, 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên và 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Riêng năm 2023, tỉnh Lâm Đồng có 54 sản phẩm được công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp huyện, 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Trong năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện phân hạng và công nhận thêm được 98 sản phẩm OCOP (1 sản phẩm 5 sao, 10 sản phẩm 4 sao, 87 sản phẩm 3 sao). Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 239 sản phẩm OCOP gồm 10 sản phẩm 5 sao, 78 sản phẩm 4 sao, 151 sản phẩm 3 sao. Đây đều là sản phẩm nông nghiệp đặc thù của nông dân, xây dựng thương hiệu bền vững cho nông dân Lâm Đồng. Nông dân Lâm Đồng cũng học cách quảng bá, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, một hướng mở còn rất mới với cộng đồng nông thôn.

Thông tin từ Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay có 100% sản phẩm OCOP và trên 1.300 sản phẩm nông nghiệp của hơn 500 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân sản xuất đã tham gia vào hệ thống phần mềm kết nối cung cầu tỉnh, quảng bá và bán hàng nông sản thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: nongsandalatlamdong.vn, tiki, lazada, shopee, postmart.vn, voso.vn… Lâm Đồng sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác mở rộng mô hình kinh doanh trên mạng internet, mở rộng thị trường cho nông sản.

Để đồng hành với người nông dân, những hỗ trợ của các cấp Hội, của Nhà nước đã đến với bà con. Thông qua tổ chức Hội, các tổ chức tín dụng đã cho xấp xỉ 38 ngàn hộ nông dân vay số tiền trên 3 ngàn tỷ đồng dưới sự giám sát, quản lý của các tổ tiết kiệm và vay vốn, nông dân được vay không cần tài sản thế chấp và được áp dụng lãi suất ưu đãi. Ngành Nông nghiệp cũng dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình kinh tế tiên tiến, năng suất cao và bảo vệ môi trường. Sự hỗ trợ của cộng đồng và sự cố gắng của từng nông hộ đã giúp 66.500 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm 2023. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt theo hướng thịnh vượng hơn, an toàn hơn.

Đồng thời với làm kinh tế, nông dân Lâm Đồng cũng phát huy tinh thần làm chủ, tích cực xây dựng quê hương. Nông dân đã đóng góp 33.313 ngày công lao động, hơn 54,7 tỷ đồng, làm mới và sửa chữa 715,5 km đường giao thông nông thôn; nạo vét, kiên cố hóa 88,4 km kênh mương; sửa chữa và làm mới 10 cầu, cống; hiến 126.167m2 đất...; tích cực tham gia hưởng ứng trồng 25.725 cây xanh; vận động 166.091 hộ nông dân đăng ký đạt gia đình văn hóa. Các nông hộ tích cực tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với những việc làm thiết thực, hiệu quả như tham gia Mô hình “Ngày Chủ nhật vì môi trường”, “Vườn xanh, vườn sạch, vườn không rác”, “Trồng và chăm sóc cây bóng mát đường quê”, “Thu gom rác bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật”, “Biến rác thành tiền”... Sự cố gắng của nông dân đã giúp nông thôn ngày càng sạch - đẹp.