Chuyện những kỹ sư nông dân

04:11, 17/11/2010

Những “kỹ sư” nông dân trên đất Lâm Đồng đã cho thấy, trí tuệ được đúc rút từ thực tế đã mang lại những hiệu quả to lớn từ những cải tiến không lớn.

Họ là những người nông dân gắn bó với đồng ruộng, với những công việc hàng ngày vất vả một nắng hai sương. Cũng từ gắn bó mật thiết với công việc đồng áng, họ đã có những sáng tạo vô cùng hữu ích, làm ra những máy móc nông cụ, giúp người nông dân bớt phần lao động mệt nhọc mà năng suất vẫn tăng. Những “kỹ sư” nông dân trên đất Lâm Đồng đã cho thấy, trí tuệ được đúc rút từ thực tế đã mang lại những hiệu quả to lớn từ những cải tiến không lớn.

Anh Cử và máy đào khoai tây tự chế.
Anh Cử và máy đào khoai tây tự chế.
Từ tấm gương đầu tiên của anh nông dân Nguyễn Đức Tâm (Cát Tiên), người cải tiến máy cắt cỏ thành máy cắt lúa giá rẻ, giải phóng người nông dân khỏi chiếc liềm, phong trào nông dân sáng tạo, cải tiến công cụ lao động ngày càng sôi nổi. Huyện Đơn Dương xuất hiện hai nhà “sáng chế” còn rất trẻ, anh Nguyễn Văn Xưởng và Nguyễn Hồng Chương, cả hai đều dưới 35 tuổi. Anh Xưởng, với đặc thù ở vùng Đạ Ròn chuyên chăn nuôi bò sữa đã tạo ra chiếc máy băm nhỏ cỏ cho bò, giúp người chăn nuôi bớt nhiều thời gian, công sức đồng thời tận dụng được hết lượng cỏ có ích. Còn anh Chương, người nông dân vùng rau Lạc Lâm đã làm ra chiếc xe đa năng bơm thuốc bảo vệ thực vật, máy dồn đất vào vỉ xốp tự động được nông dân ứng dụng rộng rãi nhất là cần bơm thuốc được thiết kế nhiều vòi, giúp bà con bơm thuốc nhanh gấp 3-4 lần và giảm tiếp xúc với thuốc. Ở Đà Lạt, ông Vũ Đình Phúc, một nông dân phường 7 đã tự làm ra chiếc máy xay phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón với giá rẻ hơn rất nhiều trên thị trường, mở ra hướng mới cho người nông dân về giải quyết ô nhiễm môi trường ở quy mô nhỏ. Và ông Kơ Sa Ha Tang, người nông dân K’Ho ở Lạc Dương là người đem lại cho bà con chiếc máy nảy hạt bắp, giúp công việc tốn nhiều thời gian ấy trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Không hẹn mà nên, chiếc máy đào khoai tây được một số người nông dân cùng sáng tạo ra, đó là máy đào khoai tây dạng mi ni của hai nông dân Nguyễn Văn An - Lê Văn Cư, Đà Lạt và máy của anh Đinh Công Cử, huyện Lạc Dương. Cùng chức năng, giá cả tương tự nhưng khác một điều, máy của hai anh An - Cư phù hợp hơn với đất Đà Lạt mềm hơn và máy của anh Cử tương thích hơn với vùng Lạc Dương khá khô cứng. Điểm chung ở những nhà sang chế không chuyên này là họ đều là nông dân, tự họ phát hiện ra những mong muốn, khó khăn của nhà nông và tự mày mò tìm hiểu, chế tạo, cải tiến những máy móc, công cụ lao động để phục vụ chính gia đình và những người xung quanh.

Hiện nay, trên địa bàn Lâm Đồng vẫn đang có những nhà “sáng chế” như vậy cần mẫn làm việc. Tuy sản phẩm của họ chưa phải là những máy móc với tên gọi, chức năng rành rọt nhưng những cải tiến của họ giúp nhà nông rất nhiều trong sản xuất. Cụ thể như khá nhiều thợ máy nông nghiệp tại Đà Lạt hiện sản xuất một thứ phụ tùng gọi là phần “đánh rò”. Đó chỉ là hai bản thép mỏng uốn  cong được lắp trực tiếp vào máy cày, khi máy hoạt động đánh tơi đất đằng trước thì hai bản thép này gạt đất thành rò gọn gàng, giúp nông dân giảm rất nhiều công đánh rò lên luống. Hay từ chiếc máy dồn đất nhập ngoại, họ đã cải tiến thành máy đóng đất thành vỉ, bẻ đất đồng thời khoan lỗ dùng trong nuôi cấy mô. Ưu điểm của việc cải tiến là máy có thể thay bộ bánh răng để bẻ đất theo bất cứ kích cỡ nào, giúp nhà nông linh hoạt thay đổi theo từng loại cây trồng. Nhiều, rất nhiều những cải tiến tuy nhỏ nhưng rất hữu ích đang được những nhà “sáng chế nông dân” đưa vào thực tiễn, giúp nông dân bớt gánh nặng công việc và tăng năng suất lao động. Nói như chị Ngô Hoài Nam, Trưởng phòng Tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng: “Nông dân là một kho sáng tạo mà những nhà khoa học còn phải học theo rất lâu. Chúng tôi mong muốn bà con phổ biến rộng rãi những sáng tạo để nông dân khắp nơi được sử dụng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất”.
Diệp Quỳnh