Đến Tô Châu, nghĩ về nghề dâu tằm Lâm Đồng

04:11, 17/11/2010

Trung Quốc là quốc gia có nghề nuôi tằm- dệt lụa đã lâu đời. Trung tâm của nghề này là thành Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô- một trung tâm lịch sử- văn hóa và kinh tế lớn của Trung Hoa lục địa.

Trung Quốc là quốc gia có nghề nuôi tằm- dệt lụa đã lâu đời. Trung tâm của nghề này là thành Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô- một trung tâm lịch sử- văn hóa và kinh tế lớn của Trung Hoa lục địa. Vừa qua, cùng với Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã được tới thăm Tô Châu và tận mắt tham quan một cơ sở ươm tơ, dệt lụa đã có lịch sử hàng trăm năm ở đây.

Hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi là một cô gái người Tô Châu (mặc dù công ty du lịch cô đang phục vụ là của thành phố Thượng Hải) cho hay, có lẽ do điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề trồng dâu nuôi tằm đã xuất hiện tại Tô Châu hàng ngàn năm nay. Không như các địa phương khác, cây dâu tằm của Tô Châu phát triển rất nhanh và cho thu hoạch lá quanh năm; lá dâu ở đây ít nhất cũng to và cho năng suất cao gấp đôi những nơi khác. Tuy nhiên, việc mà chúng tôi thấy bất ngờ chính là công nghệ nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và quảng bá sản phẩm của ngành dâu- tằm- tơ- lụa Tô Châu với du khách. Tại khu vực trưng bày và giới thiệu với du khách về lịch sử, công nghệ và các mặt hàng tơ lụa truyền thống của thành phố này, ghi nhận của chúng tôi - những người con của “ thủ đô dâu tằm Việt Nam”- thì công nghệ ươm tơ của Tô Châu ( không biết có phải họ dấu nghề hay không) không thể sánh với công nghệ mà chúng ta đang sử dụng tại các nhà máy ươm tơ ở Bảo Lộc khi họ vẫn đang dùng các loại máy ươm tơ cơ khí; trong khi công nghệ ươm tơ tại Bảo Lộc đã là tự động và bán tự động. Tuy nhiên, công nghệ nhuộm lụa thì có thể nói khá hiện đại, khi họ  nhuộm màu sợi tơ trước khi dệt thành lụa, vì thế hoa vân trên lụa có màu rất bền và sắc nét. Nghề nuôi tằm và giống tằm được giới thiệu ở đây cũng có nhiều khác lạ với nghề dâu tằm Việt Nam khi kén tằm ở Tô Châu là kén đôi ( 1 tổ kén có 2 con nhộng), nên tổ kén to và dày. Cô hướng dẫn viên du lịch theo đoàn cho hay, do là kén đôi nên khi ươm tơ, sợi tơ sẽ dài hơn ( ít nhất là gấp đôi sợi tơ của Việt Nam), bóng hơn …  có đủ điều kiện để dệt thành lụa tơ tằm cao cấp và thứ phẩm sau khi ươm tơ cũng đủ dày để kéo thành những tấm chăn “ ấm về mùa đông, mát về mùa hè” rất được du khách ưa chuộng. Một cách khác nữa là trong khi nông dân nước ta cho tằm chín nhả kén làm tổ trên nong( vừa tốn vật tư, vừa tốn diện tích nhà nuôi tằm ) thì ở Tô Châu người ta cho tằm làm tổ trong những bó rạ lúa- loại vật tư có rất sẵn ở những vùng chuyên canh lúa nước. Sau khi thu hoạch lúa, người nông dân ở đây thu hoạch rạ buộc đầu thành từng bó nhỏ, phơi khô, sau đó đem về dựng lên giống như cái nơm bắt cá phổ biến ở nước ta, và bắt tằm chín bỏ vào những bó rạ này. Tằm sẽ làm tổ ngay trong các bó rạ và người nuôi tằm chỉ việc gỡ lấy kén.

Ấn tượng nhất với du khách chính là cách quảng bá các mặt hàng làm từ tơ lụa mà người Tô Châu đang thực hiện. Việc liên kết làm ăn của các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và các doanh nghiệp dệt lụa tơ tằm ở Tô Châu nói riêng với các doanh nghiệp du lịch là điều chúng ta cần học tập. Hầu như các doanh nghiệp ở Tô Châu đều hướng tới khách hàng là khách du lịch. Nên khi tới đây du khách không những được tham quan khu sản xuất, khu trưng bày giới thiệu chất lượng- giá cả của rất nhiều và đủ loại sản phẩm, khu mua bán mà còn được tiếp đãi rất tự tế và tự nhiên.  Và tất nhiên, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp với từng đoàn khách được trích lại một phần cho hướng dẫn viên và công ty du lịch đưa khách tới tham quan- mua sắm. Ở khu vực giới thiệu nghề dâu- tằm- tơ Tô Châu du khách còn được thưởng thức những tiết mục giới thiệu các loại áo quần  làm từ lụa tơ tằm từ truyền thống đến hiện đại do chính những “ người mẫu” là công nhân của trung tâm trình diễn. Với những cách quảng bá thực tế và sinh động này, hầu như không du khách nào giữ nguyên vẹn được túi tiền của mình, mặc dù hàng ở đây rõ ràng là đắt hơn nhiều so với hàng cùng loại được bán tại các siêu thị trong vùng mà chất lượng chưa hẳn đã tốt hơn.

Nghề nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đã tồn tại hàng ngàn năm ở Tô Châu và là “ thương hiệu” chính của thành phố này. Quảng bá được thương hiệu với khách hàng- nhất là du khách ngoại quốc- nghề tằm tang ở đây đã tồn tại và không ngừng phát triển. Để duy trì và phát triển, cùng với việc thay đổi công nghệ ươm tơ dệt lụa, in hoa, chuyển đổi cơ cấu giống dâu và giống tằm… việc kết hợp quảng bá sản phẩm (hay thương hiệu) cùng với các công ty du lịch, với du khách trong và ngoài nước là điều mà ngành dâu- tằm- tơ Lâm Đồng cần hướng tới.

Đức Hưng