Còn hơn 40 ngày là kết thúc năm 2010, kết thúc kế hoạch 5 năm phát triển KT-XH, liệu thu ngân sách nhà nước của tỉnh có đi đến đích?
Người dân nộp thuế tại Chi cục thuế Đà Lạt. |
Nhiệm vụ nặng nề
Nhiệm vụ phát triển kinh tế của Lâm Đồng là ổn định và thoát khỏi tình trạng chậm phát triển trong tác động của kinh tế thế giới suy thoái. Cụ thể là, GDP đạt 14%/năm, tổng thu ngân sách 5 năm (2006-2010) là 11.285 tỷ đồng, tốc độ tăng thu đạt 20%/năm, tỷ lệ tổng thu ngân sách đạt 13,8%, trong đó tỷ lệ thu về thuế, phí đạt 8,1% so với GDP.
Năm 2010, tổng thu ngân sách nhà nước của Lâm Đồng được trung ương giao là 1.878,5 tỷ đồng, trong đó thuế phí 1.413 tỷ, đất nhà 370 tỷ. Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra tổng thu dự toán ngân sách năm 2010 là 3.050 tỷ đồng, trong đó thuế phí 1.900 tỷ và đất nhà 617,2 tỷ.
Để đạt được những con số trên, ngành thuế phải đồng thời đề ra nhiều giải pháp. Trước hết, bám sát đề án và chỉ thị của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch kịp thời ngay từ đầu. Theo đó, cụ thể hóa trong chỉ đạo, điều hành, chống thất thu trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn. Mặt khác, khâu quản lý, giám sát người nộp thuế, việc kê khai thuế phải chặt chẽ, sát thực tế…
Bên cạnh giải pháp “mạnh” như chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm Luật thuế, giải pháp “mềm dẻo” là tuyên truyền thường xuyên được triển khai tích cực. Năm 2010, ngành thuế Lâm Đồng đã tư vấn trực tiếp cho gần 3.100 lượt người, qua điện thoại hơn 5.100 lượt, trả lời chính sách gần 200 văn bản; tổ chức 80 lần tập huấn cho gần 7.400 lượt người, tổ chức 26 lần đối thoại với gần 2.200 người tham dự và tuyên truyền qua hệ thống truyền thông như báo và đài của tỉnh hơn 800 lần, cung cấp cho người nộp thuế gần 14.000 ấn phẩm…
Đột phá khâu trọng yếu
Ngày 17/11, bà Phan Thị Vịnh-phó Cục trưởng Cục thuế Lâm Đồng cho biết, có 3 cái khó nhất, và thách thức đối với ngành thuế là ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới; doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở của luật về lĩnh vực chuyển nhượng dự án và xuất khẩu chè để lách. Chè là một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh, ngành thuế phải tham mưu cho tỉnh để kiến nghị TW thế nào cho hài hòa được lợi ích cả hai phía: doanh nghiệp và Nhà nước.
“Một quyết tâm lớn, không chỉ CB, CNV ngành thuế mà có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, thành phố. Ngày 15/10, tỉnh có quyết định 2.400 thành lập các đoàn chống thất thu ở 5 địa bàn trọng điểm là Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và Bảo Lâm. Tác động và có kết quả rất tốt. Ví dụ, huyện Bảo Lâm số thu tăng gấp đôi so với tháng trước. Đến hết năm 2010, theo nhận định, chắc chắn sẽ vượt dự toán tỉnh giao”, bà Vịnh khẳng định.
Số liệu mới nhất, tính đến ngày 15/11, tổng thu dự toán ngân sách nhà nước là 2.470 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch tỉnh giao, trong đó thuế phí đạt 70%. So với TW giao, Lâm Đồng đã vượt 11% tổng thu dự toán, phần thu nội địa đạt 93 % và thuế phí đạt 94%.
Vẫn còn những khó khăn trước mắt được ngành thuế đúc rút thành bài học kinh nghiệm. Đó là ý thức chấp hành tự giác của người nộp thuế chưa cao, nhất là từ khi thay đổi cơ chế tự khai-tự nộp. Vì vậy phải tuyên truyền, mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên, vận động và đối thoại là những việc làm thường xuyên.
Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015). Tổng thu dự toán ngân sách nhà nước của TW và tỉnh đã có dự kiến giao, dĩ nhiên sẽ cao hơn năm 2010. “Cần giải pháp tổng lực, toàn diện, đồng thời có những giải pháp mũi nhọn, lĩnh vực trọng tâm, địa bàn trọng điểm. Ngành thuế xác định ngay từ đầu năm để đề ra những giải pháp cụ thể ngay từ đầu mới thực hiện được”, Cục phó Cục thuế Phan Thị Vinh cho biết.