Lâm Đồng Thực hiện Nghị Quyết 11 của Chính phủ: Quyết tâm vì mục tiêu chung!

03:04, 27/04/2011

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về “ Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, các cơ quan ban ngành trong tỉnh đề ra nhiều nội dung thực hiện theo từng lĩnh vực chuyên môn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện một số cơ quan để tìm hiểu kỹ hơn các công việc đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai kể từ khi Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành vào ngày 24/2/2011.

 

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về “ Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, các cơ quan ban ngành trong tỉnh đề ra nhiều nội dung thực hiện theo từng lĩnh vực chuyên môn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện một số cơ quan để tìm hiểu kỹ hơn các công việc đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai kể từ khi Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành vào ngày 24/2/2011.

Ông Trần Văn Anh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lâm Đồng: “THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC CÁC NỘI DUNG ĐÃ ĐƯỢC CHỈ ĐẠO”

PV: Thưa ông, “ Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng” được NQ 11 nêu lên như một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm đồng đã thể hiện vai trò điều hành, chỉ đạo như thế nào để  thực hiện chủ trương này?

 
Ông Trần Văn Anh:
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã triển khai  kịp thời một số nội dung: Xây dựng phương án thực hiện Nghị Quyết 11/NQ-CP Chính Phủ, Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 1/3/2011 của Thống Đốc và Chương trình, Nội dung số 1088/UBND-TH ngày 8/3/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, nội dung quan trọng là: tập trung quản lý tỷ giá và lãi suất, kiểm soát tăng trưởng tín dụng từ 18% đến 20%, hạn chế và giảm dần tỷ trọng cho vay thuộc lĩnh vực phi sản xuất trong tổng dư nợ xuống dưới 15%. Song song, sẽ tập trung vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với 5 khâu đột phá, 16 công trình và 4 địa bàn trọng điểm của địa phương; Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường cho vay đối với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Công thương Lâm Đồng  kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng và ngoại tệ trên địa bàn tỉnh năm 2011. Các bộ phận chức năng đã tổ chức giám sát, theo dõi thường xuyên tình hình chấp hành tỷ giá, lãi suất huy động và cho vay, tăng trưởng và hạn chế tín dụng theo định hướng của ngành. Bên cạnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đã xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức tín dụng về lãi suất huy động, về cho vay lĩnh vực phi sản xuất, về kinh doanh ngoại tệ, về chất lượng tín dụng, về cho vay hỗ trợ lãi suất…

Trên cơ sở công tác chỉ đạo, triển khai kịp thời của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lâm Đồng, các đơn vị ngân hàng đã quyết tâm và ký giao ước thi đua với các nội dung phù hợp với chủ trương kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ và của ngành.

PV: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng có cách thức và biện pháp gì để các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo?

Ông Trần Văn Anh: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã lồng ghép nội dung triển khai NQ 11/CP và Chỉ thị 01/CT-NHNN trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng và phát động thi đua năm 2011 đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Chúng tôi đã có các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ thị và các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vừa qua, NHNN đã tổ chức thanh tra cho vay lĩnh vực phi sản xuất đối với 6 chi nhánh ngân hàng, kiểm tra 10 đơn vị ngân hàng trên địa bàn về thực hiện Thông tư 02 quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam. NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại và phối hợp kiểm tra kinh doanh ngoại tệ tại 56 bàn đổi ngoại tệ trực tiếp và 13 đại lý đổi ngoại tệ của các đơn vị ngân hàng. Qua kiểm tra các đơn vị ngân hàng thương mại đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị ngân hàng thực hiện chế độ báo cáo hàng tuần đối với các chỉ tiêu liên quan đến Chỉ thị 01/CT-NHNN như kiểm soát tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng tín dụng…

Tuy thời gian thực hiện chưa nhiều nhưng bước đầu ngành ngân hàng Lâm Đồng đã đạt một số kết quả khá tốt như: doanh số cho vay quý I/2011 là 11.541 tỷ tăng 118% so với cùng kỳ, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của các tổ chức cá nhân trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng đã chấp hành tốt giới hạn mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam; thực hiện kinh doanh ngoại tệ  theo đúng tỷ giá quy định, doanh số mua ngoại tệ 2 tháng đầu năm 2011 tăng 27,65% so cùng kỳ, doanh số bán ngoại tệ tăng 41% so cùng kỳ. Tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trong tổng dư nợ giảm 1,7% so đầu năm; tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn duy trì ở mức 43% so tổng dư nợ. Trong 3 tháng đầu năm 2011, các ngân hàng thương mại không cho vay sản xuất kinh doanh vàng và đang giảm dần dư nợ cho vay bằng vàng của thời kỳ trước; Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay các đối tượng chính sách với dư nợ quý I/2011 tăng 14,8% so cùng kỳ năm trước… đã từng bước góp phần thực hiện tốt giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Bà Phùng Thị Hiền - Giám đốc Sở Tài Chính Lâm Đồng: “THỰC HIỆN TIẾT KIỆM BẰNG NHIỀU BIỆN PHÁP THIẾT THỰC”

PV: Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, việc thực hiện “chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước”, bà có thể cho biết ngành tài chính đã bước đầu triển khai những nội dung cụ thể như thế nào?

 
Bà Phùng Thị Hiền:
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Lâm Đồng đã triển khai các biện pháp tài chính quyết liệt những nội dung đã được Nghị quyết nêu lên.

Theo đó, tỉnh phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 8-10% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm. Trong đó, đối với các địa bàn thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt; huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên và số thu do Cục Thuế quản lý tăng thu tối thiểu 8%; các địa bàn còn lại, số thu do Sở Tài chính và Chi cục Hải quan Đà Lạt quản lý tăng thu tối thiểu 10%. Số dự kiến tăng thu trên (không kể khoản thu tiền sử dụng đất) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Trung ương được sử dụng 50% để tạo nguồn thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị định 22/2011/NĐ-CP ngày 4/4/2011 của Chính phủ (quy định mức lương tối thiểu chung 830.000 đ). Số còn lại để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở địa phương và sử dụng để bù đắp hụt thu của năm 2010.

Việc thực hiện chi ngân sách đã đưa ra những chỉ tiêu cụ thể. Đối với chi thường xuyên, thực hiện sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (tổng số tiết kiệm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 787/QĐ-UBND ngày 1/4/2011 là 53.869 triệu đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh là 24.762 triệu đồng và ngân sách các huyện, thành phố là 29.107 triệu đồng). Không tham mưu cho cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh và thực hiện theo các chế độ chính sách của nhà nước. Tạm dừng việc tham mưu mua sắm tài sản như: trang bị mới xe ôtô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng ngoại trừ các trường hợp đã ký hợp đồng với nhà cung cấp theo đúng trình tự, thủ tục quy định trước ngày 24/02/2011. Đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí trong kế hoạch năm 2011 thì sẽ không thực hiện thanh toán vốn cho các dự án, công trình đã được UBND tỉnh, huyện quyết định tạm dừng (theo phân cấp quản lý vốn đầu tư XDCB hiện hành) để thực hiện điều chuyển, bổ sung vốn cho các công trình, dự án khác. Đồng thời, tiếp tục thanh toán, tạm ứng đối với công tác chuẩn bị đầu tư, các dự án quy hoạch, các dự án thuộc đề án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, các dự án xây dựng nông thôn mới đã được ghi kế hoạch vốn năm 2011, các dự án đã triển khai thực hiện từ năm 2010 và đã ghi kế hoạch vốn năm 2011.

PV: Để chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế, hiện các cơ quan, địa phương đang có những phương án để “tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại  trong dự toán năm 2011” như tinh thần Nghị quyết nêu ra. Từ góc độ của cơ quan tài chính, bà có thể gợi mở một số phương pháp thực hiện để các cơ quan, địa phương triển khai hiệu quả?

Bà Phùng Thị Hiền: Để tiết kiệm chi, từ góc độ ngành tài chính, tôi nghĩ rằng các cơ quan đơn vị có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp thiết thực. Chúng ta có thể thực hiện tốt các biện pháp khoán chi và đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, điện thoại, điện, nước, chi phí đi lại, chi phí xăng dầu… để giảm thiểu các khoản chi phí có thể tiết kiệm được nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ theo kế hoạch được giao. Đồng thời, cắt giảm một số dự án mua sắm tài sản, dự án sửa chữa, xây dựng nhỏ do các cơ quan, đơn vị dự kiến thực hiện năm 2011 nhưng chưa thực sự cần thiết. Các cơ quan, đơn vị nên rà soát kỹ việc tổ chức hội nghị trước khi thực hiện như: Thành phần tham dự, địa điểm tổ chức, quy mô tổ chức, tài liệu cho đại biểu, hình thức đưa đón đại biểu và định mức chi tiêu. Hạn chế tối đa các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, đón nhận danh hiệu thi đua và các cuộc họp không cần thiết. Xác định đúng đối tượng, nhu cầu công việc của cơ quan, đơn vị để cử cán bộ đi công tác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị như: rút ngắn thời gian giải quyết công việc nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hạn chế phô tô tài liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiên cứu và giải quyết công việc, đặc biệt ứng dụng phần mềm Eoffice (văn phòng điện tử) trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị nhằm góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí văn phòng phẩm…

Bà Phan Thị Vịnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng: “NGÀNH THUẾ NỖ LỰC ĐỂ VƯỢT DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH”

PV: Thưa bà, với nhiệm vụ là cơ quan chức năng đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong việc thu ngân sách nhà nước, ngành thuế triển khai những nhiệm vụ gì để tăng thu ngân sách trong năm 2011 theo chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách của Nghị quyết 11?

 
Bà Phan Thị Vịnh:
Triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính Phủ, Cục Thuế Lâm Đồng đã có chương trình hành động cụ thể. Trong đó, toàn ngành phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước từ 8-10% so với dự toán trên địa bàn tỉnh được Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao là 3.800 tỷ đồng.

Để hoàn thành nhiệm vụ đó, ngành thuế tập trung thực hiện 8 giải pháp cơ bản: Phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế như định kỳ hàng tháng các chi cục đối thoại với người nộp thuế 1 lần, riêng tại Cục thuế 6 tháng tổ chức 1 lần. Các đơn vị thường xuyên rà soát, đánh giá nguồn thu, phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng đến nguồn thu trên địa bàn; làm rõ những khoản còn thất thu, các nguồn thu không ổn định, khai thác nguồn thu có tiềm năng để bù đắp các khoản hụt thu. Công tác quản lý thu thuế đang và sẽ tiếp tục được tăng cường, giám sát kê khai thuế, đôn đốc hồ sơ kê khai đúng hạn, tổ chức kiểm tra tại cơ quan thuế phải đạt tỷ lệ từ 95-100% hồ sơ kê khai thuế. Đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra việc kê khai giá của các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất hàng xuất khẩu để hướng dẫn doanh nghiệp kê khai hạch toán doanh thu, tính đúng, tính đủ số thuế phải nộp. Chúng tôi sẽ giải quyết hoàn thuế, miễn giảm thuế kịp thời, đúng quy định để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Trong năm 2011, ngành thuế thanh tra đạt tối thiểu 3% số doanh nghiệp đang quản lý thuế và kiểm tra tại doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% số doanh nghiệp đang quản lý thuế, công tác kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng tối thiểu phải đạt 70% hồ sơ hoàn thuế. Các doanh nghiệp âm thuế lớn mà không đề nghị hoàn, phát sinh lỗ nhiều năm..sẽ được tập trung thanh tra. Năm 2011 là năm thực hiện các đề án quản lý thuế trên một số lĩnh vực như: Đề án đổi mới công tác quản lý thu ngân sách giai đoạn 2011-2015; đề án phân cấp quản lý thu ngân sách trên địa bàn Đức Trọng và Bảo Lộc, đề án quản lý thu thuế tài nguyên… Ngành thuế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế, triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng. Để tạo điều kiện cho các đối tượng nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, công tác đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế là yêu cầu cấp thiết. Trong năm nay, việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2008 được triển khai tại tất cả các chi cục thuế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

PV: Nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2011 đã được ngành triển khai trên diện rộng và bà có thể nêu lên một số vướng mắc hiện nay cần giải quyết để ngành hoàn thành chỉ tiêu đề ra?

Bà Phan Thị Vịnh: Hiện nay trong công tác quản lý thu thuế, trên một số ngành và lĩnh vực, việc giám sát của cơ quan thuế vẫn chưa thường xuyên do lực lượng còn mỏng. Luật Quản lý thuế trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc tự tính, tự khai, tự nộp. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng đồng thời một số doanh nghiệp đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Để giảm thiểu tình trạng đó, ngành đã tăng cường thanh tra, kiểm tra những do nhân lực còn thiếu nên chỉ đạt khối lượng khoảng 10-15%, trong khi đó yêu cầu  đặt ra là từ 25-30%. Trong lĩnh vực khoáng sản, việc khai thác và vận chuyển chưa chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế. Một số lĩnh vực khác như nhà hàng - khách sạn…, tính tự giác của người nộp thuế chưa cao… Để khắc phục một số vấn đề nêu trên, cần sự nỗ lực của cả ngành thuế lẫn ý thức của đối tượng nộp thuế để nhiệm vụ thu ngân sách đảm bảo đạt được kế hoạch đề ra.

Hải Yến (Thực hiện)