Với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Lâm Đồng đã thực hiện quyết liệt, bước đầu đạt kết quả khá tích cực.
Tinh thần của Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội được Lâm Đồng thực hiện quyết liệt, bước đầu đạt kết quả khá tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, ngăn chặn lạm phát.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Theo báo cáo của Tỉnh uỷ tại buổi làm việc với đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư mới đây, mặc dù bị tác động bởi giá cả thị trường tăng trong bối cảnh chung của cả nước và thế giới, nhưng kinh tế Lâm Đồng vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, việc quán triệt Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ qua đó xác định rõ các nội dung, giải pháp thực hiện nên kết quả đạt được trên các lĩnh vực tương đối toàn diện. Một trong những giải pháp đó là áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, điều chỉnh cơ cấu tín dụng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng trên địa bàn ở mức 18 - 20% nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương và kiềm chế lạm phát. Theo đó quản lý lãi suất, lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn của hệ thống ngân hàng là 14%; hệ thống quỹ tín dụng 14,4 đến 14,5%/năm. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại công bố giao động từ 19,5 đến 21,6%/năm, đối với hệ thống quỹ tín dụng từ 19,2 đến 21,6%/năm.
Điểm đáng chú ý đó là tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng hơn 14 ngàn tỷ đồng, tăng 55,2% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng mức huy động trong quý 1 năm nay là 1.742 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần mức huy động quý 1 năm 2010. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 17.772 tỷ đồng, giảm 2,6% so với đầu năm và tăng 19,2% so với cùng kỳ. Trong đó dư nợ ngắn hạn 9.999 tỷ đồng, giảm 3,8% so với đầu năm và tăng 21,9% so với cùng kỳ; tương tự dư nợ trung, dài hạn 7.773 tỷ giảm 1% so với đầu năm và tăng 16% cùng kỳ. Một trong các các các chính sách ưu tiên các khoản vay tín dụng đối với 4 nhóm đối tượng được ưu tiên vay vốn bao gồm: sản xuất hàng hoá, phát triển nông nghiệp, xuất khẩu và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đối với Lâm Đồng là tỉnh có tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản trong cơ cấu nền kinh tế chiếm 48,3% (tính đến cuối năm 2010) nhưng mức giải ngân vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ đạt 7.740 tỷ đồng, giảm 2,36% so với đầu năm. Trong đó vay sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm 44,3%; vay kinh doanh sản phẩm, dịch vụ nông - lâm nghiệp 17,36% và vay chế biến, tiêu thụ nông lâm sản 15,6%... Nợ xấu chiếm 1,23% trong tổng số dư nợ vay phát triển nông nghiệp nông thôn.
Qua số liệu về mức huy động vốn và dư nợ tín dụng nêu trên có thể thấy mức huy động tín dụng trong quý 1 năm 2011 tăng 3,6% so với cùng kỳ, trong khi đó cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn thuộc đối tượng ưu tiên lại giảm 2,36% và dư nợ cũng giảm.
Theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từ việc tổ chức sản xuất nông nghiệp năm 2010 tương đối tốt, năng suất sản phẩm thu khá, giá cả tăng cao trên các mặt hàng nông sản, nhất là 5 mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: Cà phê, chè, kén tằm, rau hoa… nên mức huy động vốn đạt kết quả tốt trong quí I này.
Cùng từ giá trị nông sản tăng, thu nhập của người dân được cải thiện, trong khi đó Nhà nước không cho kinh doanh vàng miếng, kiểm soát giá USD nên người dân có tiền gửi ngân hàng do đó tín dụng tăng trưởng khá cao. Đồng thời giảm dư nợ một phần do người dân không vay vì lại suất cao mà còn sớm đáo hạn. Còn mức đầu tư chung toàn xã hội trên địa bàn không lớn nên không ảnh hưởng. Song do việc điều chỉnh tỷ giá USD và tăng giá xăng, dầu, giá điện đã tác động mạnh đến giá cả một số loại sản phẩm, mặt hàng chủ yếu như lương thực, thực phẩm, nhà ở, điện, nước, chất đốt… và vật liệu xây dựng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 6,74% và tháng 4 năm nay tăng 10,22% so với tháng 12/2010 và tăng 13,88% so với cùng kỳ. “Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là cán bộ, công chức nhà nước, người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp và hộ nghèo bởi các đối tượng này chịu tác động một chiều. Riêng nông dân tuy có bị ảnh hưởng nhưng bù lại giá nông sản tăng nên đỡ khó khăn hơn” - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên cho hay.
Bên cạnh chính sách thắt chặt tiền tệ, tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị tốt lượng hàng hoá, triển khai việc trợ giá cho người dân vùng sâu, vùng xa, đồng thời tăng cường quản lý thị trường, thường xuyên kiểm tra việc niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết… không để xảy ra tình trạng gian lận thương mại, đầu cơ, nâng giá các mặt hàng ảnh hưởng đến đời sống người dân.
XUÂN TRUNG