Thứ 3, 15/04/2025, 14:27

Cơ giới hóa trong sản xuất chè an toàn

02:07, 31/07/2011

Trong thời gian tới, cần được mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn gắn với cơ giới hóa trong khâu thu hoạch.

Sáng 29/7/2011, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã đánh giá kết quả “Dự án xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn tại huyện Bảo Lâm” do Công ty Cổ phần (CP) Chè Minh Rồng thực hiện. TS Phạm S – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng (cơ quan quản lý Dự án) nhận định: “Mô hình sản xuất chè an toàn áp dụng cơ giới hóa tại Công ty CP Chè Minh Rồng là đề tài rất tốt, có thể nhân rộng tại địa phương và trên địa bàn toàn tỉnh”.
 
Thu hái chè bằng cơ giới tại Công ty Cổ phần Chè Minh Rồng
Thu hái chè bằng cơ giới tại Công ty Cổ phần Chè Minh Rồng

Dự án xây dựng  mô hình sản xuất chè an toàn tại huyện Bảo Lâm do Công ty CP Chè Minh Rồng thực hiện từ tháng 7/2010. Sau một năm triển khai, Dự án đã mang lại kết quả rất khả quan và được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra, thẩm định đủ điều kiện sản xuất chè an toàn. Ông Nguyễn Hữu Giảng – cán bộ kỹ thuật Công ty CP Chè Minh Rồng, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: “Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hái đã giảm hơn 50% chi phí nhân công. Từ đó, giúp người trồng chè lãi gần 41 triệu đồng/ha/năm”.

Để triển khai Dự án này, Công ty CP Chè Minh Rồng đã chọn 7 hộ nông dân để giao khoán thử nghiệm 5 ha chè. Các nông hộ nhận khoán phải thiết kế lại vườn chè, như sửa đốn mặt tán, cành biên… để áp dụng thu hái chè bằng máy. Trong suốt quá trình canh tác, người nông dân phải tiến hành cày hoặc cuốc ải, kết hợp bón phân lân, phân hữu cơ sinh học và phân vô cơ (theo đúng tỷ lệ và liều lượng cho phép). Công tác bảo vệ thực vật được áp dụng bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết và đảm bảo đúng thời gian cách ly trước khi thu hái. Ngoài việc áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP, điểm nổi bật nhất khi thực hiện Dự án này chính là sử dụng cơ giới trong khâu thu hái chè búp tươi. “Máy hái chè có thể dùng máy hái đôi hoặc máy hái đơn. Khi thu hái chè bằng máy cần lưu ý ở lứa hái đầu tiên nên nâng độ cao trên vết đốn sửa mặt tán từ 4 – 5 cm để nuôi tầng lá dưỡng. Trước khi hái bằng máy từ 7 – 10 ngày, cần hái những búp vượt trước để đảm bảo búp chè thu hái được đồng đều. Sau khi hái bằng máy, nên hái lại bằng thủ công ở những cành biên còn sót. Nhược điểm của việc thu hái chè bằng máy là tỷ lệ lẫn lá già, lá vụn, cỏ dại… luôn cao hơn so với thu hái thông thường. Do đó, để nâng cao chất lượng nguyên liệu chè khi thu hái, nên thiết kế chiều dài hàng chè không quá 50m và thường xuyên làm sạch cỏ, không để cỏ cao hơn mặt tán chè.” – ông Giảng cho biết thêm.

Từ 5 ha chè thử nghiệm thành công, đến nay Công ty đã nhân rộng mô hình lên 95 ha; trong đó, có 40 ha chè Oolong. Trong năm 2012, Công ty sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên 50 ha chè cao sản. Hiện tại, Công ty CP Chè Minh Rồng đã đầu tư 18 máy hái chè với chi phí 380 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn khoa học công nghệ hỗ trợ 100 triệu đồng. Ngoài việc nhân rộng tại Công ty, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục đánh giá, nghiệm thu đề tài để có thể chuyển giao cho ngành nông nghiệp nhân rộng. Ông Hồ Đình Quảng – Phó giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, cho biết: “Bảo Lâm là vùng chè lớn của cả nước. Hiện người dân trồng chè trên địa bàn huyện đang có nhu cầu sử dụng máy hái chè để áp dụng cho vườn nhà. Do đó, huyện mong muốn Công ty hướng dẫn cụ thể hơn cách sử dụng máy thu hái để bà con nắm rõ và áp dụng đại trà. Nếu áp dụng được mô hình này thì chắc chắn hiệu quả kinh tế từ trồng chè sẽ rất lớn”.

Theo ông Nguyễn Hữu Giảng, trong thời gian tới, cần được mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn gắn với cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Các nông hộ có diện tích trồng chè liền kề nhau nên liên kết lại thành khu sản xuất chè an toàn để nâng cao hiệu quả sản xuất và liên minh với các cơ sở chế biến để sản xuất ra sản phẩm tốt. Các cơ quan hữu quan cần hỗ trợ bước đầu cho các nhóm nông hộ liên minh, liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn kết hợp áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

HỮU SANG