Tiếp tục chương trình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nào?

02:09, 11/09/2011

Chương trình nông nghiệp công nghệ cao được triển khai ở Lâm Đồng từ năm 2004 đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Chương trình nông nghiệp công nghệ cao được triển khai ở Lâm Đồng từ năm 2004 đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển nhanh và bền vững.
 
Vườn ươm cây giống tại Đà Lạt
Vườn ươm cây giống tại Đà Lạt

Sau 6 năm triển khai, theo đánh giá của Sở NN-PTNT và UBND tỉnh, thì chương trình nông nghiệp trọng tâm này đã có những tác động tới sản xuất nông nghiệp và nông dân như: Về nhận thức và tổ chức sản xuất: đã khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của địa phương, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất; tạo điều kiện để ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tổ chức lại sản xuất và thành lập các liên minh sản xuất nông sản an toàn với hiệu quả kinh tế cao.

…doanh thu của các mô hình sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 400 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 2 lần bình quân chung), đối với cây hoa đạt 800 - 1.000 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 1,6 lần bình quân chung)
Tác động về mặt kỹ thuật của chương trình đã góp phần đa dạng hóa chủng loại giống cây trồng vật nuôi, đặc biệt là địa phương đã có thêm 100 giống rau, hoa và chè mới được đưa vào sản xuất, nâng tỷ lệ giống mới trong sản xuất cây ngắn ngày (rau, hoa, lúa, ngô) lên 90%, trên cây dâu lên 27%, chè 36% và trên cây cà phê là 27%; Toàn tỉnh đã có 48 cơ sở nhân cấy mô sản xuất mỗi năm 18-20 triệu cây giống đầu dòng sạch bệnh và khoảng 200 cơ sở gieo ươm sản xuất trên 1,5 tỷ cây giống/năm.

Nhờ có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, sức lan tỏa của Chương trình nông nghiệp công nghệ cao đã được khẳng định ở các địa phương (mà rõ nhất là ở Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương) khi năm 2005 cả tỉnh chỉ mới có 6 mô hình nhà lưới nhà kính thì tới năm 2007 đã nâng lên 84 mô hình và năm 2010 đã có 6.400 ha rau hoa và chè được sản xuất theo hướng công nghệ cao; đã có 22 doanh nghiệp (dự án) có vốn đầu tư nước ngoài tới địa bàn đầu tư sản xuất - chế biến chè chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất rau hoa xuất khẩu.

Về hiệu quả sản xuất: doanh thu của các mô hình sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 400 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 2 lần bình quân chung), đối với cây hoa đạt 800 - 1.000 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 1,6 lần bình quân chung), chè chất lượng cao đạt từ 200- 250 triệu đồng/ha/năm cho lợi nhuận 70-90 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 10 lần so với chè hạt); giá trị sản xuất bình quân trên một ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2010 theo giá cố định tăng 3,8 lần so với năm 2004 và 80% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh hiện là nông sản được sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Với những hiệu quả này, Lâm Đồng đang được Bộ NN-PTNT nhìn nhận là địa phương thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên và thành công nhất so với cả nước.

Từ những kết quả này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng như Sở NN-PTNT đã xác định tiếp tục triển khai Chương trình nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn từ nay tới năm 2015 và những năm tiếp theo theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản, tiếp tục tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, xây dựng thương hiệu và tạo thế cạnh tranh cao cho nông sản đặc thù, từng bước nâng cao sản lượng nông sản hàng hóa và quy mô phát triển theo hướng sản xuất khép kín.

Cụ thể, tới 2015 Lâm Đồng phải có trên 8% diện tích cây trồng các loại được ứng dụng công nghệ cao, 10% tổng đàn bò là bò thịt chất lượng cao, tăng đàn bò sữa lên 7.000 con, đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao chiếm 25% cơ cấu giống thủy sản, giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm (trong đó có 45.000-50.000 ha đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm) và tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh.

…Phần lớn hộ nông đang gặp phải khó khăn về vốn đầu tư, về trình độ tiếp thu - ứng dụng các tiến bộ KHKT vào thực tế sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm quá phụ thuộc vào thị trường tự do.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh sẽ phải đẩy nhanh việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây trồng vật nuôi ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm có tính cạnh tranh cao; chọn, tạo và nhân giống cây trồng cho năng suất và chất lượng cao; lựa chọn công nghệ, xây dựng và hoàn thiện các quy trình canh tác, tiêu chuẩn và quy chuẩn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình thuộc các lĩnh vực chính là tạo giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch, xúc tiến thương mại và mở rộng các mối liên kết trong sản xuất- tiêu thụ- chế biến - xuất khẩu nông sản.

Hiện tại sau 6 năm triển khai, để nhân rộng Chương trình nông nghiệp công nghệ cao, phần lớn hộ nông đang gặp phải khó khăn về vốn đầu tư, về trình độ tiếp thu - ứng dụng các tiến bộ KHKT vào thực tế sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm còn rất bấp bênh và quá phụ thuộc vào thị trường tự do. Đây là những vấn đề cần được ngành nông nghiệp và các ngành liên quan quan tâm tháo gỡ bằng việc đẩy mạnh thực hiện “Liên kết 4 nhà” và Quyết định 80/TTg ngày 24/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ…
 
Đức Hưng