
Đặc biệt, tại Lâm Đồng, đây là lần hiếm hoi giá cà phê của địa phương cao ngang so với giá ở các tỉnh Tây Nguyên khác: Bằng giá cà phê Đắc Lắc và Đắc Nông - 39.900 đến 40.100 đồng/kg và cao hơn 200 đồng/kg so với cà phê Gia Lai.
Ngày 28/2, giá cà phê tại thị trường Lâm Đồng và các tỉnh khác của Tây Nguyên đã chạm hoặc vượt mức 40.000 đồng/kg. Cụ thể, chiều hôm trước - 27.2, giá 1kg cà phê tại Lâm Đồng là 39.900 đồng. Hôm sau - 28/2, giá này là 40.000 - 40.100 đồng. Đây là mức giá cao nhất trong vòng hai tháng qua. So với mức giá 35.500 đồng/kg so với tháng 1 thì đây là mức giá cao đáng kể.
Đặc biệt, tại Lâm Đồng, đây là lần hiếm hoi giá cà phê của địa phương cao ngang so với giá ở các tỉnh Tây Nguyên khác: Bằng giá cà phê Đắc Lắc và Đắc Nông - 39.900 đến 40.100 đồng/kg và cao hơn 200 đồng/kg so với cà phê Gia Lai.
![]() |
Nông dân Lâm Đồng không tỏ ra nao núng trước biến động của giá cà phê |
NHÀ NÔNG BÌNH TĨNH HƠN
Theo quan sát của các nhà chuyên môn, giá cả cà phê năm nay tăng giảm không đột biến (chỉ tăng từ từ và giảm cũng từ từ). Bởi vậy, người trồng cà phê ở Lâm Đồng phần nào vơi đi nỗi lo lỗ nặng khi giá giảm; đồng thời, họ cũng không tỏ ra nóng vội khi giá có dấu hiệu tăng lên. Mặt khác, nhu cầu về vốn để tái đầu tư cho vườn cà phê của dân hiện đã được giải quyết cơ bản bằng nguồn “tự thân” (cà phê nuôi cà phê) chứ không quá bức xúc như trước đây nên nhà nông đã tỏ ra điềm tĩnh trước những biến động của giá cả, cho dù không có đột biến.
“Mọi năm, nếu giá tăng như thế này, nhiều hộ nông dân đã phải bán tháo cà phê để lấy vốn đầu tư lại cho vườn cây, nhưng năm nay thì khác rồi” – ông Nguyễn Ngọc Phú, một hộ canh tác cà phê ở Lộc Nam (huyện Bảo Lâm), cho biết. Ông Phú có 4ha cà phê tại xã Lộc Nam (chủ yếu đã cho thu hoạch). Vụ rồi, ông thu được trên dưới 10 tấn cà phê nhân. Trước tết, do nhu cầu mua sắm tết và một phần đầu tư cho vườn cây nên ông đã bán khoảng 1/3 với giá chưa đến 40.000 đồng/kg. Sau đó, từ tết đến nay, giá cà phê cho dù có lúc chỉ còn 36.000 đồng/kg hoặc có khi nhích lên trên dưới 40.000 đồng như hiện nay thì cũng không có tác động nhiều đến ông Phú. “Với 1/3 sản lượng đã tiêu thụ, tôi có đủ tiền để mua sắm tết để vui tết và mua vật tư, phân bón… để tái đầu tư cho vườn cây. Không chỉ riêng tôi mà nhiều nhà nông trồng cà phê ở Lộc Nam này cũng vậy” – ông Phú nói.
Sở Công thương Lâm Đồng cũng đưa ra nhận định: Tính đến lúc này, lượng cà phê của tỉnh trong vụ vừa qua cũng chỉ mới tiêu thụ khoảng 45% - 50%. Nghĩa là trong dân vẫn còn khoảng trên dưới 350.000 tấn. Trong khi đó, như mọi năm thì đến thời điểm này, Lâm Đồng đã tung ra thị trường khoảng hơn 75% sản lượng cà phê nhân.
CHỜ GIÁ CAO
Không dừng lại ở con số trên dưới 40.000 đồng/kg mà rất có thể trong những ngày sắp đến, giá cà phê sẽ vượt mức 43.000 đồng/kg, có thể sẽ trở lại “đỉnh điểm” 45.000 đồng/kg, là nhận định mới nhất của giới chuyên môn. Việc nông dân Lâm Đồng (và cả Tây Nguyên – vùng cà phê trọng điểm của cả nước) không mở tung cửa kho để bán tống bán tháo cà phê như những năm trước đây đã giúp cho thị trường cà phê giữ được mức “khan hàng” với giá cao. Cũng theo quan sát của giới chuyên môn, trong mấy ngày qua, mặc dầu giá cà phê đã tăng lên khá cao sau một thời gian hơn hai tháng giảm sút nhưng người trồng cà phê vẫn tỏ ra bình tĩnh là điều hiếm thấy xưa nay ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Qua phân tích của cơ quan chức năng, ở phạm vi cả nước, từ đầu niên vụ đến nay, cả Tây Nguyên chỉ mới có không đến 50% sản lượng cà phê được tiêu thụ ở thị trường. Đây chưa hẳn là hiện tượng “găm hàng chờ giá” nhưng chắc chắn điều này là minh chứng cho việc nhà nông đã bình tĩnh hơn trước những biến động của giá cả cà phê thế giới. Các nhà phân tích còn cho biết: Năm nay, chỉ có Việt Nam là nước có sản lượng cà phê dồi dào; còn nhiều quốc gia cà phê trên thế giới, sẽ rất khan hiếm; nên giá cả cà phê trên thị trường thế giới phụ thuộc không nhỏ vào cà phê Việt Nam. Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, quốc gia có sản lượng cà phê lớn thứ hai châu Á là Indonesia mãi đến tháng 4 tới mới vào vụ thu hoạch nhưng dự báo sản lượng sẽ sụt giảm đến 30% so với vụ trước là dấu hiệu đáng quan tâm khi đưa ra nhận định giá cà phê trên thị trường thế giới. Đồng thời, cũng theo mùa vụ, hai “vương quốc” cà phê thế giới là Brazin và Ấn Độ mãi đến tháng 5 mới vào vụ thu hoạch (và sản lượng cũng không mấy tăng) nên trong thời gian từ cuối tháng 2 này đến giữa tháng 5 tới, giá cà phê thế giới sẽ phụ thuộc rất lớn vào giá cà phê Việt Nam. Trong tình hình ấy, việc bình tĩnh “điều khiển” giá như hiện nay của nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng và các tỉnh khác của Tây Nguyên – vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam – là điều vô cùng cần thiết.
Những phân tích trên đây cho thấy đó chính là dấu hiệu đáng mừng của người trồng cà phê ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
KHẮC DŨNG