Thứ 3, 08/04/2025, 15:49

Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho hoa địa lan

03:05, 03/05/2012

Hoa địa lan đã được cơ quan quản lý là UBND Tp. Đà Lạt xây dựng điểm để phát triển nhãn hiệu.

Sau khi nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” đã được cấp chứng nhận độc quyền trong nước và quốc tế vào năm 2011, tiến trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận này đã được triển khai theo lộ trình. Trong đó, hoa địa lan đã được cơ quan quản lý là UBND Tp. Đà Lạt xây dựng điểm để phát triển nhãn hiệu.

Hoa địa lan - loại hoa đặc trưng của Đà Lạt. Ảnh Văn Báu
Hoa địa lan - loại hoa đặc trưng của Đà Lạt. Ảnh Văn Báu


Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Hiệp Hội hoa Đà Lạt, thành phố Đà Lạt có khoảng 500.000 chậu địa lan, sản lượng thu hoạch khoảng 700.000 đến 800.000 cành/năm. Ngoài những giống lan truyền thống như: Tím Hột, Vàng Ba Râu, Xanh Thơm, Vàng Hải, Vàng Lục…, trong 2 năm trở lại đây, có khoảng 15 giống lan mới đã được nhập khẩu về Đà Lạt, làm phong phú thêm tên địa lan Đà Lạt.

Sau nhiều năm chờ đợi, hoa Đà Lạt được cấp nhãn hiệu chứng nhận là “bảo chứng” cho các loại hoa trên thị trường. Với thế mạnh đặc thù của hoa địa lan, đây là loại hoa đang được tập trung lựa chọn để quản lý, kiểm soát việc sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này. Ủy ban nhân dân tỉnh là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” và giao cho UBND thành phố Đà Lạt là cơ quan quản lý nhãn hiệu. Thực hiện quy trình chặt chẽ, UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng, bản đồ vùng sản xuất và kinh doanh hoa địa lan sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” vào tháng 11/2011.

Tiêu chuẩn về xuất xứ và chất lượng hoa đã được quy định rất cụ thể đối với cả hoa chậu và hoa cắt cành theo chiều cao, kích cỡ, kết cấu phân bố, màu sắc, hương thơm, chất lượng hoa… Từ những tiêu chí đó, cơ quan chuyên môn là Phòng Kinh tế T.p Đà Lạt đã phối hợp cùng Hiệp hội hoa Đà Lạt thẩm định, kiểm tra thực tế tại các tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh hoa địa lan. Đến tháng 4 vừa qua, UBND thành phố đã đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” và “Hoa địa lan Đà Lạt” cho 14 đơn vị, tổ chức, cá nhân đáp ứng những tiêu chuẩn đề ra. Những đơn vị, cá nhân này đã có những thành quả trong sản xuất, kinh doanh hoa địa lan. Và sắp tới sẽ tổ chức trao chứng nhận cho các đơn vị, cá nhân đủ tiêu chuẩn khác.

Trong chuỗi hoạt động phát triển nhãn hiệu chứng nhận hoa địa lan, anh Nguyễn Đình Thiện - Phó phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết đơn vị đã tổ chức lớp tập huấn triển khai nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” cho các đơn vị trồng, sản xuất, kinh doanh hoa địa lan. Phòng kinh tế tiếp nhận hồ sơ thủ tục đề nghị cấp nhãn hiệu chứng nhận và phối hợp thẩm định, kiểm tra thực tế tại địa điểm sản xuất để làm cơ sở cho quy trình cấp chứng nhận. Sắp tới, việc phối hợp quảng bá cho nhãn hiệu chứng nhận này đang được lên kế hoạch như: thông qua những sự kiện lễ hội, phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng… Thúc đẩy phát triển nhãn hiệu cũng như tạo sức mạnh cho nhãn hiệu, vừa qua, UBND T.p Đà Lạt cũng đã ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt”. Nội dung quy chế thể hiện các bước phối hợp với UBND các huyện phụ cận gồm: Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh để phát triển có trọng tâm và đạt yêu cầu. UBND TP Đà Lạt chịu trách nhiệm chính và họp bàn với UBND các huyện để phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Tại các huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chuyên môn để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cũng như hậu kiểm sản phẩm mang nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”.

Địa lan được trồng tại Đà Lạt từ năm 1960, được đánh giá có thế mạnh độc quyền về địa lan từ yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu. Nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” đang thúc đẩy việc đầu tư sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân để khẳng định thương hiệu đặc thù này.

HẢI YẾN