
Trong căn nhà gỗ chỉ được che chắn tạm bợ, cái nghèo, cái khó, nợ nần và cả ốm đau bệnh tật luôn đeo bám. Vậy mà, ở nơi ấy, ước mơ con chữ của các con và mơ ước thoát khỏi cảnh túng bần của người cha vẫn cứ khát khao!
Trong căn nhà gỗ chỉ được che chắn tạm bợ, cái nghèo, cái khó, nợ nần và cả ốm đau bệnh tật luôn đeo bám. Vậy mà, ở nơi ấy, ước mơ con chữ của các con và mơ ước thoát khỏi cảnh túng bần của người cha vẫn cứ khát khao!
![]() |
Ông Tuyên cùng con gái út đang gia cố lại chuồng nuôi bò. |
Ngay từ khi mới gặp, anh Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lâm, cứ nằng nặc: “Phải đến nhà ông Bùi Văn Tuyên, mấy chú mới thấy được tận cùng của sự nghèo khổ!”. Ngoài cái nghèo của một nông dân, ông Long cứ tấm tắc mãi: “Xã này không có con ai học giỏi như con ông Tuyên!”.
Gần 25 năm từ Nam Định vào vùng kinh tế mới Mỹ Thủy (xã Mỹ Lâm, huyện Cát Tiên), tay trắng nay ông Tuyên vẫn hoàn trắng tay. Căn nhà của ông rộng chưa đầy 20 m2, không cửa sổ, không cửa chính, xung quanh được che chắn tạm bợ bằng vật liệu có thể tìm kiếm và xin được. Để dựng căn nhà này, ông phải lên rừng kiếm cây gỗ và tích góp trong vòng 5 năm. Nhà ọp ẹp, mọi thứ trong nhà lại ọp ẹp hơn. Chỉ duy nhất 1 chiếc bàn gỗ trơ trọi giữa nhà và 3 chiếc giường đặt ở 3 góc nhà, cả gia đình ông Tuyên 6 người ngày ngày vẫn quây quần. Những hôm trời ráo tạnh, thì cả nhà được bữa yên giấc. Còn những đêm mưa bão, cả nhà không thể ngủ được. Nhà tuềnh toàng, lắm hôm mưa hắt ướt sách vở, các con phải gián đoạn việc học. Lo cho con, ông bàn với vợ vay tiền để mua gạch và xi măng về xây một gian phòng tách biệt rộng chừng 6 m2 làm nơi học tập cho các con. Từ gian phòng này, con gái lớn Bùi Thị Kim Tuyến năm nay bước vào năm thứ 2 Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương, tiếp bước là Bùi Ngọc Tuyền vừa thi Đại học An Ninh và Bùi Văn Tuyển, Bùi Thị Loan vẫn đang học phổ thông với kết quả học tập năm nào cũng đạt khá. Bé Loan (năm nay lên lớp 9) nói: “Bố lúc nào cũng dặn nhà mình nghèo nên các con càng phải ráng học. Hồi nhỏ, chưa biết chạy xe đạp nên ngày nào cũng đi bộ đến trường, gặp ai dọc đường thì cháu xin đi quá giang. Trường cách nhà gần 10 cây số, giờ biết chạy xe đạp rồi nên cũng đỡ. Ngày nắng thì đạp xe hết một tiếng, trời mưa thì phải đi sớm hơn mới kịp giờ vào lớp”. Càng khó, ông Tuyên càng muốn các con được học hành đến nơi đến chốn. Dẫu có gian nan, vất vả nhưng chưa bao giờ ông có ý định cho con nghỉ học. “Nếu không học, rồi đây các con cũng như bố mẹ chúng bây giờ!” - ông Tuyên ngậm ngùi.
Ở tuổi 44, nhưng trông ông Tuyên có nét khắc khổ và già trước tuổi. Trong câu chuyện của mình, đôi lần ông Tuyên phải dừng lại để cố nén nỗi nghẹn ngào. Ông kể: “Khi mới vào đây, cả vợ chồng, con cái lẫn ông bà nội thay nhau bệnh sốt rét triền miên trong suốt 10 năm trời. Vậy mà chưa đáng sợ bằng lúc con Loan bị viêm phổi cấp khi mới 3 tháng tuổi. Hồi đó, nhà này cách nhà kia xa lắm, tôi phải chạy bộ băng rừng rất xa mới mượn chiếc xe đạp để chở con đi khám bệnh. Đường lầy lội không đi xe được, nên tôi ôm con chạy trước, vợ tôi đẩy xe đạp theo sau”. Vài năm trở lại đây, vợ ông Tuyên, bà Nguyễn Thị Dung (38 tuổi), thường xuyên đau ốm nhưng không có tiền để đi khám bệnh. Cảnh nhà khó khăn, bố mẹ lại hay đau ốm, có lẽ là động lực lớn nhất hun đúc cho Tuyến phải thi bằng được vào trường y.
Quanh năm suốt tháng, tiền ăn cho cả nhà, tiền học cho các con, rồi tiền thuốc chữa bệnh… nhưng chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng lúa nước. Trước nhà, tấm bạt phơi lúa xanh, hạt chắc hạt lép vì phải thu chạy lụt. Ông Tuyên trầm ngâm: Ruộng trũng nên năm nào cũng ngập lụt. Mùa này, lúa gieo xuống lại thu chẳng được bao nhiêu, mong sao chỉ đủ gạo ăn. Và, nỗi lo khác lại ùa về, ông vừa phải vay 3 triệu đồng để đưa Tuyền đi thi đại học. Tới đây, nếu đậu thì không biết vay chỗ nào nữa đây, trong khi số nợ mà ông đã vay để cho con đi học đã lên đến 70 triệu đồng. Từ ngày Tuyền đi thi về, hai cha con ngày ngày lại lặn lội vào rừng bẻ măng, mót củi để bán. Đây là khoản tiền dành dụm chuẩn bị cho Tuyền vào đại học.
Trời nhá nhem tối, rời căn nhà tù mù chỉ một bóng đèn điện duy nhất, chị Dung dặn với theo: “Hai chú chạy xe cẩn thận. Cả tuần nay mưa riết, đường trơn khó đi lắm!”. Lời nói rơi vào ruộng trũng tĩnh mịch, như muốn gởi gắm, nhắn nhủ điều gì. Gió ùa về, thổi thốc vào tấm phên hông nhà nghe xào xạc, chợt thấy buốt lạnh suốt quãng đường về.
HỮU SANG