Thứ 3, 29/04/2025, 03:46

Cần có quy hoạch ngành hoa

03:08, 30/08/2012

Ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho rằng ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần sớm phối hợp với các ngành hữu quan sớm xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch ngành hoa...

Ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho rằng ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần sớm phối hợp với các ngành hữu quan sớm xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch ngành hoa. Chỉ tới khi làm được việc này, câu hỏi (và cũng là băn khoăn) của những người tâm huyết với nghề trồng hoa tại địa phương là “... tại sao hoa nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt triển khai được hơn 10 năm mà chất lượng vẫn chưa cao, sản phẩm vẫn chưa xuất khẩu được nhiều” mới có câu trả lời xác đáng.

Nhiều năm gắn bó với cây hoa và nghề trồng hoa, ông Đường cho rằng, Đà Lạt - Lâm Đồng là địa phương có nhiều thuận lợi cho việc trở thành “thủ đô hoa” không chỉ của Việt Nam, tuy nhiên mỗi loại hoa chỉ có thể phát triển tốt ở những tiểu vùng nhất định. Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài khi tới Lâm Đồng đầu tư trồng hoa theo hướng công nghệ cao đã khá quan tâm tới vấn đề này khi Công ty Dalat Hasfam chỉ chuyên sản xuất hoa ôn đới tại Đà Lạt, Công ty Apolo đầu tư trồng hoa hồ điệp và hoa cát tường ở Đơn Dương, Công ty Lâm Thăng chuyên trồng hoa hồ điệp và denrobium ở Di Linh, Công ty Thành Công ở Bảo Lộc chuyên về các loại lá trang trí… Trong khi đó, nông dân cũng như một số doanh nghiệp địa phương lại chưa thực sự chú ý tới vấn đề này nên sản lượng và chất lượng hoa do họ sản xuất không cao so với của các doanh nghiệp ngoài nước. Hiện tại và lâu dài, người trồng hoa muốn có một định hướng của cả vùng, cả tỉnh bằng các căn cứ khoa học, bằng nhu cầu thị trường và cả bằng lợi thế cạnh tranh. Từ định hướng này, họ có thể biết được nhu cầu tiêu thụ từng loại hoa, màu sắc hoa được ưa chuộng ở từng thị trường, từng thời điểm… để có kế hoạch sản xuất phù hợp; chỉ tới khi người trồng hoa nắm chắc được vấn đề “Đà Lạt cần sản xuất hoa gì, mùa nào, bán ở đâu” thì ngành hoa và nghề trồng hoa của địa phương mới có thể phát triển bền vững. Nghề trồng hoa của Đà Lạt - Lâm Đồng hiện có hiệu quả kinh tế rất cao, tốc độ phát triển rất nhanh với mức gia tăng bình quân trong 5 năm gần đây là 20-30%/ năm, nhưng là “phát triển tự phát, phát triển theo phong trào” nên đã không tránh khỏi rủi ro. Ví dụ với cây hoa lyli: Trong vài năm gần đây, hoa lyli cho thu nhập khá cao do đây là loại hoa cao cấp, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cao nên trồng hoa lyli đã trở thành phong trào của cả nước. Do mở rộng diện tích ồ ạt, nếu năm 2008, Đà Lạt mới nhập khẩu khoảng 12 triệu củ giống lyli thì năm 2010 đã lên 20 triệu củ, tới năm 2011 là 30 triệu và tình trạng khan hiếm củ giống lyli đã xảy ra; nhưng tới Tết Nhâm Thìn năm 2012 đã xảy ra khủng hoảng thừa củ giống lyli khi giá hoa lyli thương phẩm xuống quá thấp. “Tình trạng khủng hoảng thừa hoa lyli thương phẩm chắc chắn cũng sẽ xảy ra nay mai bởi lẽ đây là loại hoa chỉ có thể tiêu thụ trong nước và gần như không có khả năng xuất khẩu” - ông Đường cảnh báo.

Có được quy hoạch chung của toàn ngành, người nông dân mới có thể yên tâm với nghề, gắn bó với nghề, và Nhà nước cũng mới có cơ sở và để tiến hành hỗ trợ cho nông dân trồng hoa về chính sách, về kỹ thuật, vốn cũng như tiêu thụ sản phẩm.

ĐỨC HƯNG