Huyện Đạ Tẻh, bình quân mỗi năm sản xuất tới 38 ngàn tấn lúa thương phẩm và đã hình thành vùng sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao. Chủ động về giống lúa xác nhận phục vụ nội huyện và vùng lân cận đang là hướng đi của huyện.
Huyện Đạ Tẻh, bình quân mỗi năm sản xuất tới 38 ngàn tấn lúa thương phẩm và đã hình thành vùng sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao. Chủ động về giống lúa xác nhận phục vụ nội huyện và vùng lân cận đang là hướng đi của huyện.
Sản xuất nông nghiệp của Đạ Tẻh chủ yếu là lúa nước với diện tích sản xuất lúa hàng năm bình quân đạt 7.850 ha, năng xuất bình quân hiện nay đạt 43 tạ/ha. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, sản lượng lương thực quy ra thóc bình quân hàng năm đạt từ 37-38 ngàn tấn và có tới trên 80% diện tích sản xuất lúa hiện đã sử dụng lúa giống xác nhận. Theo Dự án Sản xuất lúa chất lượng cao ở Đạ Tẻh đã được UBND tỉnh phê duyệt cách đây hơn 5 năm đã được huyện triển khai thực hiện, thì đến nay Đạ Tẻh đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô diện tích trên 1.600 ha, thu hút gần 3.000 nông hộ tham gia. Qua thực tế cho thấy việc sản xuất lúa chất lượng cao không những góp phần cho nông dân ứng dụng quy trình, khoa học kỹ thuật, đưa lúa giống xác nhận vào sản xuất để tạo nên thương hiệu lúa Đạ Tẻh mà còn nâng cao thu nhập trên cùng diện tích gieo trồng. Và hiện tại diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của Đạ Tẻh cho doanh thu bình quân 50 triệu đồng/ha, góp phần thiết thực vào công cuộc giảm nghèo của huyện.
Để có năng xuất, doanh thu cao, một phần người dân đã ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ chăm sóc, thu hoạch, nhất là sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm, đặc biệt huyện đã xây dựng các điểm sản xuất lúa giống tại chỗ phục vụ vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Cụ thể huyện đã xây dựng được điểm sản xuất lúa giống xác nhận để cung ứng lúa giống cho vùng sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô từ 10 đến 20 ha, mỗi năm cung ứng cho nông dân trong vùng từ 60-100 tấn lúa giống cấp xác nhận. Đồng thời lồng ghép các chương trình khuyến nông hỗ trợ giống, kỹ thuật cho các tổ hợp tác sản xuất lúa giống phục vụ nên nông nghiệp lúa nước của huyện. Theo Phòng NN-PTNT Đạ Tẻh, với nhu cầu hơn 80% diện tích sản xuất lúa sử dụng lúa giống cấp xác nhận thì diện tích sản xuất lúa của huyện còn có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu về giống lúa xác nhận trên địa bàn huyện chưa kể cung ứng cho các vùng lân cận. Trong đó có nguyên nhân công tác quản lý sản xuất, kinh doanh lúa xác nhận còn gặp nhiều khó khăn như nguồn kinh phí hàng năm dành cho công tác sản xuất lúa giống rất hạn chế, đa phần phải lồng ghép nên quy mô diện tích sản xuất lúa giống còn nhỏ nên sản lượng lúa giống chưa nhiều. Đặc biệt, chưa xây dựng được thương hiệu lúa giống của huyện, kinh phí kiểm định,kiểm nghiệm giống theo quy trình còn thiếu và giống lúa sản xuất đa phần tự trao đổi trong vùng nên chưa kích thích được các hộ dân tham gia sản xuất lúa giống. Vì vậy, hướng đi tới của huyện là tổ chức sản xuất dưới mô hình tổ hợp tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh giống trong và ngoài huyện. Qua đó xây dựng kế hoạch sản xuất lúa giống phù hợp với khung thời vụ để kịp thời cung ứng cho sản xuất, nhất là quy hoạch vùng có các điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, thủy lợi và con người để mở rộng quy mô sản xuất lúa giống từ 50-100 ha, đồng thời nâng cao năng xuất lúa giống đạt bình quân 60 ta/ha.
KHẢI NHIÊN