Thứ 2, 14/04/2025, 05:11

Chè TB14 - giống chè chủ lực của Lâm Đồng

03:10, 20/10/2012

Ngày 16/10/2012, Hội đồng Khoa học công nghệ cấp Quốc gia của Bộ NN-PTNT đã nhóm họp tại Đà Lạt để đánh giá và công nhận đặc cách giống chè TB14...

Ngày 16/10/2012, Hội đồng Khoa học công nghệ cấp Quốc gia của Bộ NN-PTNT đã nhóm họp tại Đà Lạt để đánh giá và công nhận đặc cách giống chè TB14 do tiến sỹ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT chủ trì cùng với cộng sự là tập thể cán bộ Trung tâm Nghiên cứu  và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp - cây ăn quả Lâm Đồng (Sở NN-PTNT) nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm trong thời gian 20 năm qua tại các địa bàn trọng điểm canh tác chè của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.

Thu hoạch chè TB14 tại Đạm Bri - Tp Bảo Lộc
Thu hoạch chè TB14 tại Đạm Bri - Tp Bảo Lộc


Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Kính - Viện trưởng Viện Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng và Phó Giáo sư, tiến sỹ Lê Quốc Doanh - Cục Trưởng Cục Trồng trọt, Phó Chủ tịch Hội đồng và 5 thành viên khác là các nhà khoa học chuyên ngành trồng trọt thuộc Bộ NN-PTNT đều đánh giá cao về năng suất, chất lượng, khả năng kháng sâu bệnh cũng như tiềm năng mở rộng diện tích của giống chè TB14 ở khu vực Tây Nguyên, đặc biệt TB14 là một trong ít giống chè có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất chè đen, chè xanh và chè hương thương phẩm - trong đó chè đen là một loại nông sản hiện có thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới và đang khan hàng. Tiến sỹ Phạm S cho biết, sau thời gian chọn tạo và nhân rộng, trên địa bàn tỉnh trong diện tích 23.529 ha chè đang canh tác chủ yếu tại Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh và Lâm Hà (ngành chè  của Lâm Đồng hiện chiếm khoảng 17% về diện tích và 22% về sản lượng chè búp tươi - đứng đầu cả nước) thì hiện tại trên 32% đã là chè cành với giống chủ lực là TB14. Từ năm 1994, tuy chưa được công nhận giống quốc gia, nhưng nhờ có năng suất cao và chất lượng tốt, có khả năng nhân vô tính (giâm cành) cao nên chè BT14 đã được nông dân trồng chè chấp nhận là giống chè cành cao sản. Qua kết quả khảo nghiệm và trồng đại trà, Phòng Kinh tế thị xã Bảo Lộc cho biết, Bảo Lộc hiện có 1.583 ha chè TB14 - chiếm 19,1% tổng diện tích chè đang canh tác của địa phương, đều sinh trưởng khỏe, phân cành thấp, khung tán đẹp, kháng chịu sâu bệnh, năng suất chè búp tươi trong điều kiện chăm sóc bình thường đạt bình quân từ 15 tới 16 tấn/ ha, còn thâm canh đúng kỹ thuật đạt từ 26-28 tấn/ha/năm; còn tại huyện Bảo Lâm - vùng chè lớn nhất tỉnh, theo Phòng NN-PTNT, năng suất của chè TB14 cao gấp 2 tới 2,1 lần so với các giống chè khác đang sản xuất và 21% diện tích chè của huyện hiện là chè giống TB14; huyện Di Linh hiện có 1.289 ha chè TB 14 đang được tập trung thâm canh và năng suất cũng cao gấp từ 2,2 tới 2,5 lần so với các giống chè khác - theo Phòng NN-PTNT huyện.  Ông Bùi Quang Kha - Giám đốc Công ty CP Chè Minh Rồng sau nhiều năm gắn bó với giống chè TB14 đã khẳng định rằng “Giống chè TB14 có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống chè truyền thống tại công ty như sinh trưởng khỏe, năng suất cao, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao… Giống chè này đang được nông dân ưa thích, lựa chọn để trồng mới và thay thế các diện tích chè truyền thống”.

TB14, giống chè chủ lực và đặc sản của ngành nông nghiệp Lâm Đồng hiện cũng đã được nông dân trồng chè và ngành nông nghiệp các tỉnh có trồng chè như Đắc Lắc, Gia Lai và Nghệ An quan tâm. Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám dốc Sở NN-PTNT Nghệ An, thì tuy mới trồng khoảng 10 ha, nhưng giống chè TB 14 của Lâm Đồng có chất lượng chè xanh ngon, có mùi thơm, vị ngọt, phù hợp với điều kiện sinh thái của Nghệ An nên có đủ khả năng mở rộng diện tích. Ông Lê Văn Lịch - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cũng có nhận xét tương tự.

Tóm lại, từ thực tế canh tác, giống chè TB 14 đã cho năng suất bình quân khoảng 18- 20 tấn/ha/năm, có hàm lượng chất đạm và chất hòa tan cao, hàm lượng cafein thấp, hàm lượng tamin ở mức trung bình, khả năng nhân giống bằng biện pháp giâm cành có tỷ lệ sống 96,2%, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, có thể thu hoạch búp dễ dàng bằng máy, doanh thu hàng năm đạt trên 140 triệu đồng/ha. Giống chè này đã được Hội đồng KH-CN cấp quốc gia của Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách và đặt tên là giống chè Shan TB14 để đưa vào “Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam”. Tiến sỹ Lê Văn Đức, Ủy viên Hội đồng còn cho biết thêm là hiện đang có nhiều doanh nghiệp chế biến chè trên thế giới tới Việt Nam đặt hàng mua chè búp tươi giống TB14 với khối lượng “không hạn chế” để chế biến chè đen cao cấp, và đây là thông tin vui đối với vùng chè nguyên liệu tỉnh Lâm Đồng.

Xuân Đức