Sở NN-PTNT tỉnh cho hay, toàn tỉnh hiện có trên 310 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 7 đơn vị nghiên cứu - chuyển giao kỹ thuật và chuyển giao cây giống. Là một trung tâm sản xuất cây giống bằng công nghệ cao - trong đó có công nghệ nhân cấy mô thực vật, về cơ bản Lâm Đồng đã chủ động được nguồn cây giống không chỉ cho địa phương mà còn cho các khu vực lân cận.
Sở NN-PTNT tỉnh cho hay, toàn tỉnh hiện có trên 310 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 7 đơn vị nghiên cứu - chuyển giao kỹ thuật và chuyển giao cây giống. Là một trung tâm sản xuất cây giống bằng công nghệ cao - trong đó có công nghệ nhân cấy mô thực vật, về cơ bản Lâm Đồng đã chủ động được nguồn cây giống không chỉ cho địa phương mà còn cho các khu vực lân cận. Vấn đề mà ngành nông nghiệp địa phương cần quan tâm hiện nay là nâng cao chất lượng cây giống.
Hiện nay lĩnh vực sản xuất kinh doanh cây giống tại Lâm Đồng tập trung vào 3 nhóm chính là nhóm sản xuất kinh doanh giống rau hoa, nhóm sản xuất kinh doanh giống cây công nghiệp - cây ăn quả và nhóm sản xuất kinh doanh giống cây lương thực - thực phẩm: Nhóm sản xuất kinh doanh giống hoa có tới 200 cơ sở với năng lực sản xuất 800 triệu cây giống/năm; điểm nhấn của nhóm này là đã có 50 cơ sở nhân cấy mô thực vật mỗi năm đã sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 20-25 triệu cây giống chất lượng cao và một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần CNSH Rừng Hoa, ĐàLạt Hasfarm, Bonne Farm đã và đang đầu tư sản xuất cây giống hướng tới thị trường ngoài nước. Nhóm sản xuất kinh doanh giống cây công nghiệp - cây ăn quả có 110 cơ sở (trong đó 80 cơ sở sản xuất cây cà phê và cây chè giống, 30 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn quả) với năng lực sản xuất 10,1 triệu cây/năm. Những năm gần đây, bằng các nguồn vốn ngân sách địa phương đã có khoảng 5.000 m2 vườn ươm cây giống được Sở NN-PTNT tỉnh và chính quyền cấp huyện đầu tư cho các doanh nghiệp và hộ nông dân có điều kiện tổ chức sản xuất và cung ứng chồi ghép cho nông dân tiến hành chương trình cải tạo giống cà phê và giống chè; thẩm định và công nhận 18 cây đầu dòng, 19 vườn cây đầu dòng phục vụ cho việc sản xuất và quản lý sản xuất chồi ghép các giống cây công nghiệp, cây ăn quả; kết quả là các giống cà phê vối cao sản chọn lọc như TR4, TR5, TR6… và các giống cà phê catimo, moka hay các giống chè TB14, LD97… cũng như nhiều giống cây ăn quả hiện đã được nông dân sử dụng là giống ghép… Nhóm sản xuất kinh doanh giống cây lương thực - thực phẩm hiện tại nguồn giống chủ yếu là do các doanh nghiệp cung ứng, một phần do nông dân tự để giống từ vụ thu hoạch trước để sản xuất vụ sau. Thời gian gần đây, nhận thức được vai trò của chất lượng hạt giống trong sản xuất lúa năng suất cao, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên đã xây dựng và triển khai các vùng lúa chất lượng cao, trong đó có quy hoạch vùng sản xuất lúa giống với diện tích khoảng 200 ha nhằm cung ứng lúa giống tại chỗ cho nông dân. Lĩnh vực sản xuất cây giống tương đối phát triển, tới nay chưa kể các giống cây lương thực, cây ăn quả ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã có 100 loại rau, 80 loại hoa, 2 giống chè cao sản, 4 giống chè chất lượng cao, 3 giống dâu tằm mới và 6 dòng cà phê vối (cà phê robusta)… đang được nông dân canh tác.
Qua khảo sát đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh thì bất cập trong công tác sản xuất cây (hạt) giống của tỉnh là phần lớn chỉ mới dừng lại ở công đoạn gieo ươm, chưa sản xuất được hạt giống rau hoa tại chỗ, các giống rau hoa cao cấp đang phải nhập khẩu 100%; cây giống cây công nghiệp và cây ăn quả sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu cải tạo và trồng mới dẫn tới tình trạng vẫn xảy ra tại nhiều địa phương là nông dân sử dụng giống trôi nổi và không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm; tuy đã bắt đầu sản xuất được thóc giống tại chỗ nhưng chất lượng giống cây lương thực đưa vào sản xuất chưa cao và chỉ mới có từ 40-50% diện tích lúa của tỉnh được canh tác bằng các giống lúa xác nhận.
Cũng theo Sở NN-PTNT thì để thực hiện mục tiêu từ nay tới năm 2015 duy trì tổng diện tích gieo trồng và nâng cao chất lượng cây trồng từ 300.000- 320.000 ha/năm, ngành nông nghiệp tỉnh cùng với việc bảo đảm số lượng cần tăng cường việc nâng cao chất lượng cây giống theo hướng 100% các giống cây công nghiệp và cây ăn quả được sử dụng giống ghép cao sản, 100% giống rau hoa được sản xuất bằng phương pháp nhân cấy mô, trên 80% diện tích lúa được canh tác bằng giống xác nhận, trên 90% diện tích ngô là ngô lai năng suất cao. Nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cây (hạt) giống đã được Sở NN-PTNT xác định và triển khai, như vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng và nông dân thực thi nghiêm túc Pháp lệnh Giống cây trồng, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất… của các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng hiện có, tập trung cho công tác nâng cao chất lượng sản xuất giống theo chỉ tiêu chất lượng… thì việc xây dựng và ban hành các quy trình sản xuất giống và tiêu chuẩn cây giống để qua đó nâng cao năng lực và mở rộng sản xuất giống của các cơ sở thông qua việc Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, chứng nhận và kiểm soát chất lượng giống được coi là giải pháp quan trọng…
XUÂN ĐỨC