Thứ 2, 14/04/2025, 16:33

Lâm Đồng “thủ đô chè”

04:12, 06/12/2012

Lâm Đồng hiện có 50 cơ sở (doanh nghiệp) chế biến chè chất lượng cao với sản lượng chế biến khoảng 45.000 tấn thành phẩm và xuất khẩu 8.700 tấn mỗi năm.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tới tháng 6/2012, cây chè đã có mặt tại 37 tỉnh trong cả nước với tổng diện tích 136.000 ha, trong đó có 109.400 ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân 7 tấn/ ha, sản lượng 952.000 tấn/năm; cả nước hiện có 635 cơ sở (doanh nghiệp) chế biến chè với quy mô công nghiệp, trong đó 246 cơ sở (doanh nghiệp) có tham gia xuất khẩu chè thành phẩm thì Lâm Đồng đã chiếm 23.529 ha, năng suất bình quân 8,4 tạ/ ha, sản lượng 208.710 tấn/năm; Lâm Đồng hiện có 50 cơ sở (doanh nghiệp) chế biến chè chất lượng cao với sản lượng chế biến khoảng 45.000 tấn thành phẩm và xuất khẩu 8.700 tấn mỗi năm. Số liệu này cho thấy sản lượng chè chế biến cũng như chè thành phẩm xuất khẩu của Lâm Đồng giai đoạn từ 2005 tới nay đã tăng trưởng bình quân 25%/năm và “Lâm Đồng đang là địa phương có diện tích chè lớn nhất nước - chiếm khoảng 17% về diện tích và 22% về sản lượng chè búp tươi của cả nước” như khẳng định của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)…

Trên đồi chè Đạm B’ri - thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Ngọc Minh
Trên đồi chè Đạm B’ri - thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Ngọc Minh


Không chỉ có diện tích và sản lượng lớn so với 36 tỉnh đang trồng chè của cả nước, Lâm Đồng còn là địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng chè búp tươi để chế biến xuất khẩu. Tiến sỹ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, trong tổng diện tích chè của tỉnh hiện nay, các giống chè có năng suất cao và chất lượng tốt được nhân giống bằng phương pháp vô tính (chè cành) hiện đã chiếm khoảng 32%; 68% còn lại là chè hạt. Tuy đã đạt năng suất bình quân cao hơn bình quân của cả nước nhưng ngành chè Lâm Đồng vẫn “chưa phát huy được tiềm năng về giống và điều kiện tự nhiên của địa phương”, mặc dù đã có 80 cơ sở sản xuất kinh doanh cây chè và cây cà phê giống với năng lực sản xuất 10,1 triệu cây/năm (trong đó có 4,5 triệu cây chè giống) và đã có 2 giống chè cao sản là TB14 và LĐ7 và 4 giống chè chất lượng cao là Olong, Kim Tuyên, Thuý Ngọc, Tứ Quý được đưa vào sản xuất thâm canh trên diện tích 6.500 ha (4.500 ha chè cao sản, 2.000 ha chè chất lượng cao).

Để phát huy tối đa tiềm năng về giống chè và điều kiện tự nhiên của địa phương cũng như thực sự là “thủ đô chè” của cả nước, định hướng của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh thì từ nay tới năm 2020, Lâm Đồng sẽ phấn đấu ổn định diện tích chè từ 24.000 tới 25.000 ha, trong đó có 4.200 ha chè chất lượng cao giống ngoại nhập và 8.000 ha chè cành cao sản giống TB14 hoặc LĐ7. Để đạt mục tiêu này, các địa phương trồng chè trong tỉnh cần chuyển đổi khoảng 3.500 tới 4.000 ha chè hạt đã già cỗi sang trồng chè cành cao sản và 2.000 ha chè hạt giống cũ khác sang trồng chè chất lượng cao. Đây là mục tiêu rất cao nhưng lại hoàn toàn có tính khả thi khi hiệu quả kinh tế của cây chè cành cao sản và chè chất lượng cao đã được khẳng định, nhà nông có kinh nghiệm thâm canh chè và các doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ chè đã đầu tư công nghệ khá hiện đại (so với các tỉnh có trồng chè trong nước) cũng như bước đầu đã liên kết được với nông dân trong sản xuất - tiêu thụ - chế biến - xuất khẩu chè.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất - chế biến chè thì để nâng cao sản lượng và chất lượng chè, các địa phương cần tập trung đầu tư cho 3 khâu chính (hoặc điều kiện chính) là trồng trọt cần có giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chế biến cần có công nghệ tiên tiến, thương mại cần có thương hiệu. Nhìn lại ngành chè Lâm Đồng, cơ bản chúng ta đã bước đầu có được những điều kiện này.

Đức Hưng