
Cây chè có mặt tại vùng đất Lâm Hà hôm nay khá sớm so với một số địa phương trọng điểm sản xuất chè của tỉnh hiện nay. Đã có thời chè Phú Sơn trở thành “thương hiệu” có tiếng trong nước, nhưng sau đó, do không được thực sự quan tâm, cây chè ở Lâm Hà - nhất là ở vùng chè Phú Sơn - đã bị cây cà phê “vượt mặt” đẩy xuống hàng thứ yếu.
Cây chè có mặt tại vùng đất Lâm Hà hôm nay khá sớm so với một số địa phương trọng điểm sản xuất chè của tỉnh hiện nay. Đã có thời chè Phú Sơn trở thành “thương hiệu” có tiếng trong nước, nhưng sau đó, do không được thực sự quan tâm, cây chè ở Lâm Hà - nhất là ở vùng chè Phú Sơn - đã bị cây cà phê “vượt mặt” đẩy xuống hàng thứ yếu. Để khôi phục lại vùng chè đã mai một, từ năm 2008, UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng Đề án khôi phục lại vùng nguyên liệu chè phục vụ phát triển công nghiệp chế biến nông sản tại địa bàn.
![]() |
Thu hái chè búp. Ảnh: Ngọc Minh |
Qua số liệu của Phòng NN-PTNT huyện thì năm 2006 Lâm Hà đã có tới 706 ha chè với sản lượng chè búp tươi thu hoạch 4.728 tấn và là năm huyện có diện tích và sản lượng chè cao nhất từ trước tới nay. Hầu hết diện tích chè này được trồng tại Phú Sơn, Đại Đờn và một số thôn vùng Tân Hà. Năm 2008, thời điểm triển khai Đề án khôi phục vùng nguyên liệu chè của UBND huyện thì thực tế Lâm Hà chỉ còn lại xấp xỉ 350 ha chè với sản lượng thu hoạch khoảng 2.578 tấn chè búp tươi, phần lớn sản lượng chè búp tươi này được sơ chế tại 18 cơ sở chế biến và tiêu thụ ngay tại chỗ. Điều đáng quan tâm là trong 350 ha chè còn lại của huyện có tới 176 ha chè thực sinh (chè trồng bằng hạt) giống cũ nên năng suất và chất lượng rất thấp. Từ thực tế này, để khôi phục lại cây chè và ngành chè, chủ trương của UBND và ngành nông nghiệp Lâm Hà là tạo môi trường điều kiện để khuyến khích cho nông dân và các doanh nghiệp mở rộng diện tích chè chất lượng cao, nâng cao năng lực chế biến trà; tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân chuyển đổi giống chè cũ sang trồng các giống chè năng suất, chất lượng cao… nhằm mục tiêu đưa diện tích chè tới cuối năm 2010 lên trên 580 ha, trong đó có 400 ha chè giống mới với năng suất bình quân 85 tạ chè búp tươi/ha/năm. Có thể nói, mục tiêu này của ngành nông nghiệp Lâm Hà đã không đạt khi vào thời điểm hiện nay, thời điểm cuối năm 2012, huyện mới có được 410 ha chè, thấp hơn mục tiêu kế hoạch năm 2010 trên 170 ha, trong đó 387/410 ha đang cho thu hoạch với năng suất 95 tạ/ha, sản lượng khoảng 3.676 tấn chè búp tươi. Điều đáng mừng là tuy không đạt mục tiêu nâng cao diện tích chè như đã định cho thời gian trước năm 2010, nhưng hiện tại địa bàn huyện cũng đã có 4 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là Long Đỉnh, Hưng Nông, Jun Hông và Wanchen tới địa bàn các xã Phúc Thọ, Mê Linh và Liên Hà đầu tư và hỗ trợ nông dân trồng các loại chè chất lượng cao như O long, Kim tuyên, Thuý ngọc với diện tích 196 ha (riêng tại xã Phúc Thọ có 150 ha) sau đó thu mua chè búp tươi nguyên liệu với giá khá cao (hiện nay là 20.000 đồng/kg, cao gấp 4 tới 5 lần so với chè búp tươi giống nội) và ổn định trong năm để chế biến xuất khẩu. Qua khảo sát của ngành nông nghiệp huyện thì hiện tại thu nhập từ cây chè ở Lâm Hà nhìn chung vẫn thấp hơn so với cây cà phê, nhưng nếu tổ chức trồng và thâm canh chè chất lượng cao theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân cũng có thu nhập khoảng 270-300 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí đầu tư (trong khi trồng cà phê catimo cũng chỉ đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm).
Theo nhận định của Phòng NN-PTNT và Hội Nông dân huyện Lâm Hà, trong một vài năm gần đây, cây chè ở huyện đang dần dần lấy lại vị thế đã mất trong cơ cấu giống cây trồng của địa phương. Tại một số vùng có truyền thống và kinh nghiệm trồng chè như Phú Sơn và các xã vùng Tân Hà, nhiều hộ nông dân đã bắt đầu đầu tư vốn liếng, đất đai để phát triển chè chất lượng cao (giống chè ngoại nhập) và chè năng suất cao (giống chè cành). Cái khó của người trồng chè chất lượng cao tại Lâm Hà hiện tại chưa phải ở khâu tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi mà là khó khăn về vốn đầu tư và khả năng tiếp thu, áp dụng tiến bộ KHKT. Cùng với quan điểm này, ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà cho rằng để sớm trở thành vùng chè nguyên liệu ổn định và bền vững ngành nông nghiệp huyện cần sớm có chính sách ổn định giá cả chè búp tươi, nhất là với các giống chè cành, và nâng cao “tính chuyên nghiệp” cho người trồng chè.
Xuân Đức