
Lâm Đồng là vùng trọng điểm chè của cả nước, với diện tích khoảng 26 ngàn ha, chiếm trên 25% diện tích của cả nước và 90% diện tích của các tỉnh phía Nam.
Lâm Đồng là vùng trọng điểm chè của cả nước, với diện tích khoảng 26 ngàn ha, chiếm trên 25% diện tích của cả nước và 90% diện tích của các tỉnh phía Nam. Trong thời gian qua, nhờ chú trọng công tác chuyển đổi giống nên năng suất và chất lượng chè ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nguyên liệu an toàn và chất lượng cho ngành công nghiệp chế biến chè.
![]() |
Vùng chè chất lượng cao tại Bảo Lộc |
Tại Lâm Đồng, TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm là vùng chè tập trung lớn nhất tỉnh. Hiện, diện tích chè của TP Bảo Lộc gần 8.000 ha và huyện Bảo Lâm là 14.500 ha. Tuy nhiên, theo đánh giá thì giá trị thu nhập từ chè còn thấp, khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Diện tích chè giống cũ (trồng bằng hạt) còn nhiều, với thu nhập trên một đơn vị diện tích chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Trong những năm qua, cả TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã tích cực chuyển đổi giống chè, xây dựng vùng chè theo hướng chất lượng cao. Riêng tại Bảo Lâm, trong năm 2012, huyện đã chuyển đổi được 420 ha chè chất lượng cao. Việc chuyển đổi giống chè chất lượng cao đã góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho người nông dân. Ông Cù Tuấn Ngạn, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, cho biết: Lộc Tân là xã có diện tích chè lớn nhất của huyện Bảo Lâm. Toàn xã có khoảng 2.000 ha chè, chủ yếu là chè chất lượng cao do các công ty trồng. Hiện, trên địa bàn xã có 26 công ty trồng và chế biến chè. Các công ty này không chỉ giải quyết một lượng lớn lao động tại địa phương (khoảng 2.000 lao động làm việc thời vụ mỗi năm) mà còn thu mua chè nguyên liệu của nông dân trong vùng. Đây cũng là cơ sở để nông dân trong vùng phát triển trồng chè theo hướng chất lượng cao. Một số nông dân bắt đầu tiếp cận trồng các giống chè chất lượng cao để chế biến chè ô long.
Cùng với việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè thì các địa phương cũng chú trọng đến sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP hoặc GlobalGAP. Từ năm 2008, Bảo Lộc bắt đầu triển khai các mô hình trồng chè VietGAP tại các xã Đam Bri, Lộc Thanh, Đại Lào. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã liên kết với hộ nông dân để trồng chè VietGAP và GlobalGAP nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu chè an toàn, ổn định cho sản xuất. Ông Lê Hoàng Phụng, Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc, cho biết: Người dân B’Lao xem cây chè là điều kiện sinh kế hàng ngày. Do đó, mong muốn lớn nhất của chính quyền địa phương là làm sao để nâng cao giá trị từ cây chè; từ đó, mới có thể giữ gìn và phát triển được vùng nguyên liệu. Ngành chè muốn phát triển được thì cần tìm hướng đi “sâu” hơn. Ngoài các sản phẩm truyền thống, chè cần được đa dạng hoá sản phẩm trong các ngành dược, hoá.
Theo số liệu của Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện tại, 30% diện tích chè của Lâm Đồng đã được trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP; mỗi năm, sản lượng chè búp tươi là 193 ngàn tấn, chè khô là 40 ngàn tấn và xuất khẩu là 12 ngàn tấn; thị trường xuất khẩu chè chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Trung Đông với giá trị đạt 16 triệu USD (năm 2012). Theo ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Lâm Đồng, định hướng phát triển của ngành chè Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung là phát triển vùng nguyên liệu chất lượng theo chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Đến năm 2015, diện tích chè giữ ổn định ở mức 27 ngàn ha và năm 2020 là 28 ngàn ha. Trong đó, chè cao sản là 15 – 18 ngàn ha, chè chất lượng cao là 6 – 8 ngàn ha. Để đạt được mục tiêu này, giải pháp để phát triển là thành lập Uỷ ban chè Việt Nam để quản lý thống nhất và có hiệu quả ngành chè; thành lập liên hiệp các doanh nghiệp theo từng khu vực để tổ chức sản xuất, hướng dẫn khoa học kỹ thuật; quy hoạch vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Song song đó, việc quy hoạch các nhà máy chế biến và xây dựng sàn đấu giá chè cũng sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành chè Việt Nam.
Theo yêu cầu phát triển chung, năm 2013, chè Việt Nam phải đáp ứng được chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu. Điều này đòi hỏi ngành chè phải kiểm soát chặt chẽ tất cả các quy trình từ trồng, thu hoạch đến chế biến nhằm tạo ra sản phẩm tốt nhất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Với việc phát triển vùng nguyên liệu chất lượng và an toàn, đầu tư và nâng cấp công nghệ chế biến đi đôi với việc xây dựng thương hiệu “Trà B’Lao”, trong thời gian tới, chè Lâm Đồng sẽ từng bước khẳng định được vị thế của mình đối với thị trường trong nước và quốc tế.
ĐÔNG ANH