Thứ 2, 14/04/2025, 19:17

Sử dụng nguồn vốn ADB đúng mục tiêu phát triển

08:04, 12/04/2013

Nguồn vốn hỗ trợ từ ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) trong thời gian qua là một trong những nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp cận và sử dụng nguồn vốn này ngày càng đạt hiệu quả, đúng với các tiêu chí đưa ra là nội dung được UBND tỉnh và Ban chương trình ADB tại Việt Nam đang tăng cường thực hiện.

Nguồn vốn hỗ trợ từ ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) trong thời gian qua là một trong những nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp cận và sử dụng nguồn vốn này ngày càng đạt hiệu quả, đúng với các tiêu chí đưa ra là nội dung được UBND tỉnh và Ban chương trình ADB tại Việt Nam đang tăng cường thực hiện.

Nguồn vốn hỗ trợ từ ADB ưu tiên phát triển dự án giáo dục ở vùng dân cư nghèo
Nguồn vốn hỗ trợ từ ADB ưu tiên phát triển dự án giáo dục ở vùng dân cư nghèo


Theo số liệu tổng hợp chung, có 8 dự án sử dụng vốn ADB trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư trên 1.034,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp từ ADB là 774,8 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng là 259,5 tỷ đồng. Có thể kể đến các dự án đã triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực như: “Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học”, “Dự án Phát triển lâm nghiệp”, “Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân”, “Dự án Phát triển giáo dục trung học cơ sở II”, “Dự án Cấp nước thành phố Bảo Lộc và các đô thị phụ cận”… Hiệu quả bước đầu của các dự án này đã thể hiện qua thực tế. Dự án Phát triển chè và cây ăn quả đã kết thúc từ năm 2008 với kết quả tạo việc làm cho 3.240 lao động, số người hưởng lợi trên địa bàn tỉnh là 5.510 người, trồng mới được 692,2 ha, tập huấn kỹ thuật cho 10.750 người, sản lượng chè hàng năm đạt 2.537 tấn… Với “Dự án Chăm sóc sức khoẻ nhân dân” đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với nhiều cơ sở y tế được đầu tư xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, đào tạo cán bộ, tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo, cải thiện các dịch vụ y tế… Theo bà Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng thì trong quá trình triển khai, các dự án nhận vốn từ ADB diễn ra với trình tự bài bản và thực hiện kỹ lưỡng theo đúng yêu cầu đặt ra, công tác tư vấn và giám sát được tuân thủ chặt chẽ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn có một số vướng mắc khiến các dự án thực hiện chậm. Trong “Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học”, hợp phần khí sinh học triển khai chậm vì thủ tục vay vốn xây dựng hầm biogas tại các tổ chức tín dụng chưa thuận lợi, đồng thời có một số dự án khác cũng triển khai mô hình này với mức hỗ trợ cao. “Dự án Phát triển lâm nghiệp” trong năm 2012 gặp những khó khăn trong công tác chọn tư vấn theo đúng hướng dẫn của ADB. Ông Hồ Lê Phong, cán bộ Chương trình ADB tại Việt Nam cho biết, những điểm cần lưu tâm nhiều hơn với các dự án sử dụng vốn ADB đó là: Cán bộ tham gia quản lý dự án nắm vững quy trình để truyền đạt cho các đối tác liên quan, phải làm việc bằng tiếng Anh chuẩn, ban quản lý các dự án phải tuyển chọn được nhân sự thực sự phù hợp… Nhìn rộng trong toàn quốc, tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt các dự án từ vốn ADB do có nhân sự Ban quản lý dự án là cố định, nắm việc từ đầu nên dễ dàng triển khai các nội dung mới; riêng Dự án Thủy lợi Phước Hoà (khu vực TPHCM và các tỉnh phụ cận) đã bị cắt bớt 10 triệu USD do tiến độ triển khai quá chậm…

Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng đề nghị ADB hỗ trợ cho 3 lĩnh vực gồm: môi trường, chương trình phát triển Đà Lạt xanh và bền vững, giao thông vận tải (với 7 đường gồm: cao tốc, đường vành đai, đường tuyến tránh). Bà Yumiko Tamura, Trưởng Ban Chương trình ADB tại Việt Nam cho biết trong quá trình thực hiện, ADB gặp phải hai khó khăn chính là phải tập trung theo sát dự án và khi xây dựng đường tỉnh lộ, cần có một lượng vốn lớn để thực hiện công tác đền bù. Trong thời gian qua, ADB đã tập trung cho các dự án về môi trường, phát triển đô thị tại Lâm Đồng; sắp tới, ADB tập trung cho các dự án thuộc các nhóm lĩnh vực: biến đổi khí hậu, xử lý chất thải rắn ở khu vực dân cư và công nghiệp, xử lý nước thải, các dự án giáo dục hướng vào vùng dân cư nghèo… Trong điều kiện hiện nay, để nguồn vốn ADB đến với tỉnh thuận lợi thì các dự án của tỉnh cần được Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa vào danh mục các dự án ưu tiên. Nhằm thực hiện tốt nguồn hỗ trợ của ADB, công tác giám sát được thực hiện thường xuyên và đoàn cán bộ Ban quản lý chương trình vừa có một đợt khảo sát các công trình sử dụng nguồn vốn này trên địa bàn Lâm Đồng, từ đó có hướng bổ sung, điều tiết vốn phù hợp. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá rằng nguồn hỗ trợ của ADB là một nguồn vốn quan trọng cùng với vốn trong nước để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài giá trị kinh tế, sự hỗ trợ của ADB qua các dự án cụ thể còn giúp đội ngũ cán bộ học tập cách quản lý, điều hành.

HẢI YẾN