
Hiếm hoi mới có một dự án, như Dự án Thủy điện Đồng Nai 3, thực hiện việc tái định canh quá chậm chạp! Đã tròn 3 năm, kể từ ngày chặn dòng sông Đồng Nai (17/9/2010), vùng đất canh tác đã nằm gọn trong lòng hồ, nhưng chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 (QLDATĐ 6) vẫn "đủng đỉnh", chưa giải quyết xong đất tái định canh cho người dân ở Di Linh trong khu vực bị ảnh hưởng của Dự án. Nguyên nhân do đâu?
Hiếm hoi mới có một dự án, như Dự án Thủy điện Đồng Nai 3, thực hiện việc tái định canh quá chậm chạp! Đã tròn 3 năm, kể từ ngày chặn dòng sông Đồng Nai (17/9/2010), vùng đất canh tác đã nằm gọn trong lòng hồ, nhưng chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 (QLDATĐ 6) vẫn “đủng đỉnh”, chưa giải quyết xong đất tái định canh cho người dân ở Di Linh trong khu vực bị ảnh hưởng của Dự án. Nguyên nhân do đâu?
![]() |
Đập Thủy điện Đồng Nai 3. Nguồn Internet |
Trở lại chuyện quá khứ
Thực hiện Quyết định số 2396/QĐ - UBND ngày 22/9/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng, vào ngày 29/10 và 9/11/2010, Ban Quản lý rừng Tân Thượng cùng với các đơn vị liên quan đã 2 lần tiến hành bàn giao toàn bộ diện tích đất tái định canh (tại Tiểu khu 611 và Tiểu khu 615) cho Ban QLDATĐ 6 để “quản lý và sử dụng vào mục đích xây dựng công trình khu tái định canh của Dự án Thủy điện Đồng Nai 3” (theo QĐ số 2396). Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận khu đất tái định canh, Ban QLDATĐ 6 không kịp thời triển khai việc giải quyết đất tái định canh, nên đã bị nhiều người lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là trồng cà phê) và làm chòi canh, làm nhà ở. Trước thực trạng đó, ngày 10/11/2010, UBND huyện Di Linh đã ra Quyết định 3457/QĐ - UBND thành lập Đoàn công tác để tiến hành giải tỏa đất bị lấn chiếm và đã giao lại mặt bằng cho Ban QLDATĐ 6. Nhưng do thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, không thi công các tuyến đường vào khu tái định canh và không tổ chức khai hoang, nên Ban QLDATĐ 6 không thể giao đất tái định canh cho người dân trong vùng ảnh hưởng của Dự án. UBND huyện Di Linh và UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp và đã nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu, nhưng Ban QLDATĐ 6 vẫn không triển khai. Do đó, khu đất tái định canh đã bị tái lấn chiếm nhiều lần và diện tích bị lấn chiếm ngày càng nhiều hơn. Do không có đất sản xuất để ổn định cuộc sống, rất nhiều bà con đã bức xúc làm đơn khiếu nại.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Di Linh cho biết: Tổng diện tích khu vực quy hoạch đất tái định canh của Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 có 111 thửa, rộng 94,2 ha, thuộc địa bàn 2 xã Đinh Trang Thượng và Tân Lâm, đã có trên 70 hộ lấn chiếm hơn 80 ha đất. Trong thời gian vừa qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, thuyết phục và đã nhiều lần giải tỏa. Chính quyền địa phương cũng đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 33 người lấn chiếm đất tái định canh thuộc xã Đinh Trang Thượng và 18 người khác thuộc xã Tân Lâm (hiện chỉ còn 20 người thuộc xã Tân Lâm có quyết định xử phạt). Nhưng do sự phối hợp chưa đồng bộ và thiếu cương quyết, một số hộ đã được giao đất nhưng không thể làm được vì bị những người lấn chiếm phá hoại cây trồng và hù dọa. Rốt cuộc, “đâu lại vào đó”, người dân trong vùng bị ảnh hưởng dự án không có đất sản xuất, khu quy hoạch đất tái định canh bị… “treo” mãi!
Một cuộc huy động “Tổng lực” để cưỡng chế!
Rút kinh nghiệm những lần giải tỏa trước, lần này UBND huyện Di Linh chỉ đạo và triển khai kế hoạch cưỡng chế hết sức chặt chẽ và quyết liệt. Cuối tháng 7/2013, UBND huyện đã ra quyết định cưỡng chế và thành lập đoàn cưỡng chế, buộc di dời để giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân lấn chiếm đất khu tái định canh thuộc Dự án Thủy điện Đồng Nai 3.
Trong thời gian 4 ngày đồng loạt ra quân, đoàn cưỡng chế đã cơ bản hoàn thành việc giải tỏa cây trồng, vật kiến trúc xây dựng trái phép; đồng thời, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Ban QLDATĐ 6 và các ngành chức năng để tiến hành bốc thăm, giao đất cho 100 hộ (trong tổng số 109 hộ) được giao đất tái định canh. Trong tổng số 15 căn nhà tạm xây cất trái phép trên khu tái định canh, đoàn đã cưỡng chế tháo dỡ 8 căn, còn lại 7 căn (trong đó có 3 căn, chủ hộ cam đoan tự tháo dỡ trong vòng 15 ngày sau; 4 căn, đoàn yêu cầu chủ hộ tự tháo dỡ).
Cùng với việc cưỡng chế, UBND huyện Di Linh đã yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của huyện phải hoàn chỉnh gấp hồ sơ để cấp và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã nhận ngoài thực địa. Mặt khác, để bảo vệ an toàn cho những hộ dân nhận đất yên tâm sản xuất và tránh việc hù dọa, phá hoại cây trồng, UBND huyện đã giao cho Ban Quản lý rừng Tân Thượng và Ban QLDATĐ 6 xây dựng nhà điều hành (chốt canh giữ tại chỗ) và giao cho UBND 2 xã Tân Lâm, Đinh Trang Thượng có trách nhiệm phân công công an viên tham gia bảo vệ, gìn giữ trật tự tại khu tái định canh.
XUÂN LONG