Tay trắng làm nên cơ nghiệp

03:09, 24/09/2013

Câu chuyện của chị Cấn Thị Thơ - 1 trong 6 gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi được Hội Phụ nữ tỉnh biểu dương là bước chuyển ngoạn mục của đôi vợ chồng trẻ khởi đầu bằng tay trắng...

Câu chuyện của chị Cấn Thị Thơ - 1 trong 6 gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi được Hội Phụ nữ tỉnh biểu dương là bước chuyển ngoạn mục của đôi vợ chồng trẻ khởi đầu bằng tay trắng, nhờ ý chí nghị lực chăm chỉ chuyên cần đã vượt qua khó khăn, thoát nghèo vươn lên làm giàu trên vùng quê mới.

Chị Thơ giới thiệu với cán bộ phụ nữ vườn tiêu hơn 10 năm giúp xóa đói giảm nghèo cho gia đình
Chị Thơ giới thiệu với cán bộ phụ nữ vườn tiêu hơn 10 năm giúp xóa đói giảm nghèo cho gia đình


Năm 2000 gia đình chị Thơ (sinh năm 1973) từ Hà Nội đi kinh tế mới vào thôn 4, xã Quốc Oai (Đạ Tẻh). Trên quê mới, vốn liếng không có, không có đất sản xuất, không có nhà phải ở nhờ nhà người khác, hàng ngày hai vợ chồng chị Thơ đi rừng lấy tre nứa về làm tăm nhang bán đắp đổi qua ngày nuôi hai con nhỏ. Nhờ siêng năng chịu khó lao động, tiết kiệm, vợ chồng chị Thơ đã dành dụm mua một mảnh đất làm nhà và 2 sào đất trồng tiêu.

Năm 2006 gia đình chị Thơ thuộc hộ nghèo được Hội Phụ nữ cho vay tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội 9 triệu đồng đầu tư sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Qua nhiều năm lao động vất vả, có nguồn thu từ tiêu và điều, chị Thơ mua thêm đất mở rộng trồng điều và xây hồ nuôi ba ba lấy thịt, nuôi heo nái và heo thịt.

Qua thời gian, vợ chồng chị Thơ đã mua được 4 ha đất và áp dụng mô hình đa cây, đa con. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn trồng nhiều loại cây: Ban đầu trồng tiêu, tính ra vườn tiêu trồng đã 10 năm, chết dần hiện còn 350 gốc năm 2012 cho thu hoạch được 100 triệu đồng. Khi tiêu có nguy cơ chết nhiều, thì được trồng thay vào cây cà phê đã có 250 gốc và 200 cây măng cụt vào năm thứ 5 còn 2 năm nữa là cho trái. Vườn điều ghép rộng 3 ha cứ mỗi năm thu hoạch xong thì bón phân, tỉa cành 1 lần. Chị Thơ nuôi ba ba được 5 năm với 200 con. Xả nước hồ cho chúng tôi xem ba ba, chị Thơ cho biết, nuôi ba ba không khó, quan trọng là biết cách xử lý bể sạch, 1 tuần thay nước 1 lần. Hiện giá bán 270 ngàn đồng/kg ba ba, mỗi năm thu nhập từ ba ba khoảng 50 triệu đồng. Bên cạnh 2 bể nuôi ba ba, là chuồng lúc nào cũng có heo nái bán con giống và heo thịt.

Điều kiện kinh tế phát triển ổn định, vợ chồng chị Thơ tham gia công tác xã hội: chồng thì làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Quốc Oai, vợ làm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 4 và kiêm cán bộ công tác Dân vận của xã. Hai con đều học giỏi, một cháu đang học Đại học Tài chính ở Tp.HCM và một cháu đang học lớp 8.

Vẫn ở ngôi nhà gỗ mang kỷ niệm của một thời gian khó, chị Thơ chia sẻ với chị em phụ nữ rằng mình còn phải đầu tư nuôi con ăn học, chuyện xây nhà cửa để tính sau. Hỏi về kinh nghiệm thoát nghèo, chị Thơ chỉ cười vui vẻ rằng: Mình có sức khỏe, chịu khó lao động, kinh nghiệm ít nên tham gia học hỏi từ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhà nông nuôi trồng mỗi thứ một ít rồi phát triển lên. Trong các loại cây trong vườn khó nhất là trồng tiêu. Vì vậy, khi tiêu chết mình thay thế dần cà phê, măng cụt, nhưng nguồn thu từ điều ghép vẫn cơ bản ổn định nhất. Là cán bộ phụ nữ mình vận động chị em phát triển kinh tế, có giúp tiền không lấy lời, nhưng ít thôi, cái chính là vận động chị em làm theo mình.

AN NHIÊN