Thứ 3, 15/04/2025, 20:29

Đâu là "đầu ra" cho chè búp tươi

03:02, 13/02/2014

 Những năm gần đây nhờ thực hiện việc chuyển đổi từ trồng chè hạt sang trồng chè cành, đưa nhiều giống chè ngoại vào canh tác và áp dụng các tiến bộ KHKT vào thâm canh chè trên diện tích lớn, năng suất và chất lượng chè búp tươi của tỉnh đã không ngừng tăng, và ngày càng đáp ứng yêu cầu của chế biến trà công nghiệp. 

Lâm Đồng hiện đang là địa phương có diện tích chè đứng đầu cả nước với 23.177 ha (chiếm 20% diện tích chè của cả nước), sản lượng chè búp tươi mỗi năm ước khoảng 210.493 tấn (chiếm 24% sản lượng chè búp tươi sản xuất hàng năm của cả nước). Những năm gần đây nhờ thực hiện việc chuyển đổi từ trồng chè hạt sang trồng chè cành, đưa nhiều giống chè ngoại vào canh tác và áp dụng các tiến bộ KHKT vào thâm canh chè trên diện tích lớn, năng suất và chất lượng chè búp tươi của tỉnh đã không ngừng tăng, và ngày càng đáp ứng yêu cầu của chế biến trà công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ chè búp tươi vẫn đang là khó khăn lớn nhất của người trồng chè, trong khi đây là loại nông sản nguyên liệu cần được tiêu thụ - chế biến ngay sau khi thu hoạch, không thể để lâu.
 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
 
Trên địa bàn tỉnh - theo thống kê của Sở NN-PTNT - hiện đã có 62 doanh nghiệp chế biến chè có quy mô công nghiệp hàng năm sử dụng khoảng 40.000 tấn chè búp tươi và trên dưới 200 cơ sở chế biến chè quy mô hộ mỗi năm sử dụng 170.000 tấn chè búp tươi nguyên liệu. Như vậy, về cơ bản các doanh nghiệp và cơ sở chế biến này đã có đủ năng lực chế biến hết sản lượng chè búp tươi sản xuất hàng năm của tỉnh. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT, thì tới nay do chưa gắn kết được vùng sản xuất chè búp tươi nguyên liệu với các cơ sở chế biến, hầu hết các hộ trồng chè đã phải tự đưa, hoặc thông qua các đại lý đưa chè búp tươi tới bán cho cơ sở chế biến không thông qua hợp đồng kinh tế; trong tổng số khoảng 262 cơ sở và doanh nghiệp chế biến chè chỉ mới có 108 cơ sở, doanh nghiệp (bao gồm 19 cơ sở chế biến trà đen, 32 cơ sở chế biến trà ô long, 47 cơ sở chế biến trà hương và 10 cơ sở chế biến trà xanh viên) có thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ chè búp tươi với nông dân hoặc vùng sản xuất chè nguyên liệu tập trung với sản lượng trên dưới 39.455 tấn/năm. UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, thành phố hiện có 210 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - chế biến chè đang hoạt động SX-KD thì cũng chỉ 17 doanh nghiệp có vùng nguyên liệu và 35 doanh nghiệp có nhà máy chế biến chè; hầu hết các cơ sở và doanh nghiệp còn lại đều thu mua chè búp tươi nguyên liệu từ các đại lý và hộ nông dân theo hình thức “tiền trao, cháo múc” là chính. Tình trạng này cũng xảy ra phổ biến ở các địa phương có diện tích chè đáng kể của tỉnh như Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà…
 
Có thể nói hiện nay hầu hết các hộ trồng chè trên địa bàn tỉnh chưa chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, ngoài việc nhiều cơ sở chế biến chè đang hoạt động với công nghệ và máy móc lạc hậu, tiềm lực kinh tế chưa đáp ứng còn do các địa phương chưa gắn được việc phát triển vùng chè nguyên liệu với cơ sở chế biến. Do chưa gắn được sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến nên chất lượng và sản lượng chè búp tươi nguyên liệu không đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của cơ sở chế biến và cũng vì thế người trồng chè khó tiêu thụ được sản phẩm. Chứng minh cho luận điểm này, Sở NN-PTNT cho biết, chỉ mới có 50% diện tích chè của tỉnh hiện đã được thay thế bằng chè cành, và cũng chỉ mới có 2,8% diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, 10% sản lượng trà (chè sau chế biến) được cấp chứng nhận HACCP và ISO, trong khi “như vậy diện tích và sản lượng chè được cấp VietGAP, HACCP, ISO (của tỉnh) còn rất thấp, mà VietGAP, HACCP và ISO là những hàng rào kỹ thuật mà các nước thường áp dụng để hạn chế nhập khẩu”. Như vậy để tiêu thụ chè búp tươi cho nông dân các cơ sở chế biến chè vừa phải đầu tư nâng cấp thiết bị công nghệ vừa phải có nguồn nguyên liệu chè búp tươi ổn định với chất lượng cao bảo đảm đẩy nhanh được lượng trà xuất khẩu. Việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu vì vậy cần được các cơ sở chế biến bắt tay cùng với người trồng chè đẩy mạnh hơn thông qua các hợp đồng kinh tế. Quan điểm của lãnh đạo Công ty Chè Lâm Đồng thì “nhà nước chỉ nên cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp chế biến chè khi doanh nghiệp đã có được vùng nguyên liệu”.
 
Đức Hưng