Không triển khai, triển khai rất chậm hoặc có dấu hiệu sang nhượng lại dự án là tình trạng chung của hầu hết các dự án do tư nhân đầu tư liên quan đến rừng và đất rừng trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Sau khi khai thác tận thu lâm sản, các chủ đầu tư hầu như "đắp chiếu" dự án...
[links(right)]
Không triển khai, triển khai rất chậm hoặc có dấu hiệu sang nhượng lại dự án là tình trạng chung của hầu hết các dự án do tư nhân đầu tư liên quan đến rừng và đất rừng trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Sau khi khai thác tận thu lâm sản, các chủ đầu tư hầu như “đắp chiếu” dự án. Chính điều này đã khiến cho một lượng lớn diện tích rừng bị xâm hại, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài 1: Những dự án “tận thu lâm sản”
Trong 5 năm trở lại đây, tại huyện Đạ Tẻh có 22 doanh nghiệp (DN) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đầu tư các dự án nông lâm nghiệp. Tổng diện tích đất giao cho các DN là 8.790ha. Trong tổng diện tích này, diện tích khoanh nuôi bảo vệ là 2.196ha; diện tích cải tạo để trồng cao su là 4.957ha và trồng rừng kinh tế là 1.120ha. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 6.000ha rừng được cho là nghèo kiệt đã được cấp phép để “khai thác tận dụng lâm sản”. Trên thực tế, hầu hết các DN chỉ tập trung khai thác tận dụng lâm sản ngay sau khi được cấp phép và hoàn toàn “phớt lờ” mục tiêu chính là trồng lại rừng kinh tế hoặc trồng cao su để triển khai dự án.
|
Sau khi khai thác tận thu lâm sản, nhiều DN đã không triển khai dự án theo đúng tiến độ |
Rất nhiều DN thuê đất rừng tại huyện Đạ Tẻh hiện tại hầu như không triển khai dự án hoặc triển khai với mức độ cầm chừng và đa phần đã quá hạn theo giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, diện tích được phê duyệt để khai thác tận thu lâm sản lại được nhiều DN xin gia hạn hoặc bổ sung thêm. Không chỉ khai thác ở diện tích đã được cấp phép, một số DN còn khai thác lấn sang diện tích khác. Từ tháng 5 năm 2008, Công ty TNHH Hương Vĩnh Phát đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai Dự án bảo vệ rừng, trồng rừng và trồng cao su tại xã Quốc Oai, với tổng diện tích là 488ha. Theo kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án là từ năm 2008 đến hết năm 2011 sẽ hoàn thành các hạng mục đầu tư. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, Công ty Hương Vĩnh Phát mới trồng được 50ha cao su, chỉ đạt 14,5% so với kế hoạch trồng 345ha. Đối với việc trồng rừng kinh tế (keo lai), Công ty hoàn toàn chưa triển khai. Mặc dù vậy, hiện tại Công ty vẫn đang làm đơn xin gia hạn tiến độ đến hết năm 2014 sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục trong giấy chứng nhận đầu tư (!?). Điều đáng nói là từ tháng 3/2009, Công ty Hương Vĩnh Phát đã được cấp phép cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt (khai thác tận dụng lâm sản) với diện tích 107ha. Không chỉ khai thác trên diện tích đã được cấp phép, Công ty này còn khai thác lấn thêm 8,8ha chưa được cấp phép.
Tương tự, mặc dù được cấp phép từ tháng 8/2008 và thời gian cam kết thực hiện dự án là đến hết năm 2010, thế nhưng đến nay, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đỉnh Thuận triển khai dự án rất chậm và đang tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thành dự án. Với Dự án bảo vệ rừng, trồng rừng và trồng cao su, Công ty Đỉnh Thuận đã được cho thuê 416ha đất tại xã Quốc Oai. Ngay sau đó, Công ty này đã 2 lần được cấp phép khai thác tận dụng lâm sản với tổng diện tích gần 160ha. Đến nay, Công ty đã trồng 110/206ha cao su. Diện tích rừng trồng do bị sâu bệnh nên đã xin chuyển đổi sang trồng cao su. Đây chỉ là 2 trong số nhiều DN trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có tiến độ triển khai dự án chậm và chủ yếu chỉ khai thác tận thu lâm sản.
Đi dọc tuyến tỉnh lộ 725 nối huyện Đạ Tẻh với Bảo Lâm, có thể dễ dàng nhận thấy những khu đồi trọc rộng lớn của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh vàng bạc, đá quý Kim Minh Đạt sau khi khai thác tận dụng lâm sản đã không triển khai trồng rừng, trồng cao su. Cách đó không xa, diện tích đất giao cho Công ty TNHH SX TM XNK Hoàng Thịnh cũng chỉ được trồng vài trăm hàng cao su phía mặt đường. Sâu vào trong, một lượng lớn cao su đã trồng khoảng 2 – 3 năm tuổi cũng bị bỏ hoang, mọc lẫn với cây bụi um tùm. Và, một diện tích lớn rừng đã được khai thác tận thu nhưng hoàn toàn không trồng cao su. Diện tích này chủ yếu còn lại cây bụi và không khó để phát hiện những gốc cây lớn đã được đốn hạ nằm lẫn trong đám cây bụi. Anh L (một người chuyên “đấu thầu” khai thác tận thu lâm sản) cho biết: Hầu hết các DN sau khi được cấp phép tận thu lâm sản đều “bán” diện tích được cấp phép khai thác lại cho một cá nhân hay công ty khác. Trước khi mua, các đơn vị này sẽ đi “đạp rừng” để kiểm tra trữ lượng gỗ và ra giá. Mặc dù vậy, thường thì sau khi khai thác xong hoặc ngay trong quá trình khai thác, các đơn vị này đều “kêu” khai thác không đủ sản lượng và tìm cách khai thác lấn sang diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ.
Có thể khẳng định, hầu hết các DN sau khi thuê rừng chỉ chú tâm khai thác tận thu lâm sản mà ít quan tâm đến việc bảo vệ rừng và triển khai dự án. Tiến độ triển khai chậm và công tác quản lý, bảo vệ rừng lỏng lẻo là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng và xâm chiếm đất rừng. Theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng (năm 2013) đối với các dự án trồng cao su của các DN tại huyện Đạ Tẻh, công tác quản lý, bảo vệ rừng của các DN còn để xảy ra nhiều vi phạm về lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Tại huyện Đạ Tẻh có 51ha rừng bị xâm hại với khối lượng gỗ thiệt hại là 825 m3. Công tác lập, thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích rừng được chuyển đổi sang trồng cao su của các DN còn có một số sai phạm như: Việc xác định trữ lượng gỗ, nhóm gỗ không chính xác, từ khâu thiết kế đến thẩm định. Tại một số dự án, khối lượng gỗ thực tế khai thác lớn hơn giấy phép là trên 2.000 m
3. Các công ty xảy ra tình trạng này, gồm: Công ty TNHH Hoàng Minh Hồng, Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Ánh Quang, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Hoàng Thịnh, Công ty TNHH Đỉnh Thuận, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hương Vĩnh Phát, Công ty TNHH Toàn Xá. Đặc biệt, trong công tác khai thác tận dụng lâm sản, các DN chỉ chú trọng đến việc khai thác gỗ lớn, không chú trọng đến việc khai thác các loại gỗ tận dụng, gỗ nguyên liệu, củi. Mặc dù các DN đã nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng, thế nhưng việc không tận dụng hết gỗ tận dụng, gỗ nguyên liệu, củi… là rất lãng phí.
Bài 2: Tiến độ “rùa bò”
ĐÔNG ANH