Thứ 3, 15/04/2025, 20:14

Sản lượng chè xuất khẩu tăng, nhưng giá giảm

09:12, 24/12/2014

Lâm Đồng có vùng nguyên liệu chè lớn nhất nước với diện tích sản xuất ổn định gần 22 ngàn ha. Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, lợi thế của vùng sản xuất chè từ độ cao 600 - 1.800m nên chè Lâm Đồng có năng suất cao, chất lượng tốt so với các vùng trồng chè khác. 

Lâm Đồng có vùng nguyên liệu chè lớn nhất nước với diện tích sản xuất ổn định gần 22 ngàn ha. Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, lợi thế của vùng sản xuất chè từ độ cao 600 - 1.800m nên chè Lâm Đồng có năng suất cao, chất lượng tốt so với các vùng trồng chè khác. 
 
Chuẩn bị chè nguyên liệu đưa vào chế biến tại Công ty trà Long Đỉnh (Lâm Hà)
Chuẩn bị chè nguyên liệu đưa vào chế biến tại Công ty trà Long Đỉnh (Lâm Hà)
 
Theo thống kê, hiện tại, Lâm Đồng có 21.961ha chè, trong đó diện tích chè chất lượng cao 5.635ha, phân bổ tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở Bảo Lâm, Bảo Lộc và cao nguyên Di Linh. Diện tích cho thu hoạch là 20.524ha, sản lượng chè búp tươi năm 2014 ước đạt 230 ngàn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ. Thành phố Bảo Lộc được mệnh danh là “thủ đô” chè - nơi tập trung 219 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh chè (hay còn gọi trà) với công suất của các nhà máy đạt gần 52 ngàn tấn. Cùng với rau, hoa và cà phê, chè là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Lâm Đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Trong số các đơn vị sản xuất, chế biến chè tại thành phố Bảo Lộc, có tới 22 doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp đi nước ngoài. Các sản phẩm xuất khẩu gồm: chè olong, chè xanh, chè xanh ướp hương và chè đen. Thị trường tiêu thụ trải dài từ các nước Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Singapor), khu vực  Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan) đến các nước Trung Á (Apganistan, Pakistan, Ả Rập) và Mỹ… Chỉ tính riêng sản lượng xuất khẩu chè của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại Bảo Lộc, giá trị xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 20,3 triệu USD.       
 
Nhìn vào biểu đồ xuất khẩu chè của Lâm Đồng những năm qua cho thấy, năm 2010 xuất khẩu 13.691 tấn, thu về lượng ngoại tệ 29,632 triệu USD, năm 2012 xuất khẩu 15.310 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 27,354 triệu USD. Tương tự năm 2013 vừa qua, Lâm Đồng xuất bán 15.590 tấn thu về lượng ngoại tệ 28,789 triệu USD. Theo Cục Thống kê Lâm Đồng, nội trong tháng 11 năm 2014, lượng chè xuất khẩu của tỉnh đạt trên 1.173 tấn với giá trị xuất khẩu hơn 2,660 triệu USD - giảm 18,1% về lượng và giảm 11,6% về giá chủ yếu là mặt hàng chè xanh, chè đen. Còn trong 11 tháng năm 2014, chè chế biến xuất khẩu đạt 12.362 tấn, giá trị 27,67 triệu USD và ước cả năm sẽ xuất khẩu 14.500 tấn, bằng 85,3% kế hoạch, bằng 93% so với cùng kỳ. Điều đáng nói ở đây, trong nhiều năm qua, Lâm Đồng đã tích cực quảng bá rộng rãi các thương hiệu chè ra thị trường trong, ngoài nước mà điểm nhấn đó là các lần tổ chức lễ hội trà và nay là Tuần Văn hóa Trà Lâm Đồng lần thứ V đang diễn ra tại Bảo Lộc nhằm tôn vinh nghiệp chè, giới thiệu các sản phẩm, các danh trà của tỉnh. Tuy nhiên, trong khi sản lượng chè xuất khẩu có tăng hàng năm nhưng giá trị xuất khẩu lại có chiều hướng giảm giá. Đơn cử, nếu như năm 2010 toàn tỉnh xuất khẩu ra thị trường các nước 13.691 tấn với giá trị xuất khẩu đạt 29,632 triệu USD, trong khi năm 2012 và 2013 sản lượng xuất khẩu tăng tương ứng 1.619 tấn và gần 2.000 tấn so với năm 2010 nhưng giá trị lại giảm theo chiều ngược lại là gần 2,3 triệu USD năm 2012 và 843 ngàn USD vào năm 2013. Trong khi đó, việc chuyển đổi các loại giống mới chất lượng cao đã tạo ra sản lượng và chất lượng chè búp tươi cao hơn trước.
 
Đặt ra vấn đề vì sao sản lượng chè xuất khẩu tăng, nhưng giá bán trên thị trường thế giới lại giảm? Theo ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho hay: Thị trường chè thế giới những năm qua có nhiều biến động, một mặt Trung Quốc tăng diện tích sản lượng và đẩy mạnh xuất khẩu, mặt khác thị trường truyền thống của ngành chè ở Trung Đông luôn có biến cố thiếu ổn định và thị trường Đông Âu cũng bị ảnh hưởng nên giá bán có phần sụt giảm. Song, nhìn tổng thể ngành Chè Lâm Đồng, từ người trồng chè đến doanh nghiệp và cơ sở chế biến vẫn làm ăn có lãi do giá thu mua chè búp tươi luôn tăng và giá thành phẩm cũng tăng. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho rằng: Do nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, một số đồng ngoại tệ mất giá nên đã ảnh hưởng đến giá xuất khẩu một số mặt hàng mà trong đó sản phẩm chè bị tác động. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên, để giữ được sản lượng xuất khẩu này, đó là nỗ lực rất lớn của tỉnh cũng như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến chè xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh không ít doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn về vốn và thị trường. Điều đáng ghi nhận là, đối với chè nguyên liệu nông sản xuất ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết với giá bán năm sau cao hơn năm trước. Qua đó, hàng ngàn hộ dân trồng, sản xuất chế biến chè được hưởng lợi từ việc xuất khẩu chè ổn định những năm qua mà một phần do tỉnh tăng cường quảng bá cho ngành chè, như Tuần Văn hóa Trà Lâm Đồng đang được tổ chức tại Bảo Lộc.
   
XUÂN TRUNG