Từ ngày giải phóng (28/3/1975) đến nay, Bảo Lộc đã trải qua chặng đường 40 năm. Sau ngày giải phóng, Bảo lộc là một huyện, rồi nâng lên thị xã và đến năm 2010, trở thành thành phố (TP) trực thuộc tỉnh. Trong 40 năm qua là cả một chặng đường phát triển.
Từ ngày giải phóng (28/3/1975) đến nay, Bảo Lộc đã trải qua chặng đường 40 năm. Sau ngày giải phóng, Bảo lộc là một huyện, rồi nâng lên thị xã và đến năm 2010, trở thành thành phố (TP) trực thuộc tỉnh. Trong 40 năm qua là cả một chặng đường phát triển.
Cả huyện lúc mới giải phóng, chỉ có khoảng 10 cây số đường dây điện và một trạm biến áp. Lúc đó, dân cư, nhà cửa cũng rất thưa thớt, trông rất nghèo... Đến bây giờ, trong vòng 40 năm, Bảo Lộc đã tạo bước phát triển đáng mừng” - cụ bà Trần Thị Nhùy (85 tuổi, ngụ tại phường II) còn nhớ như in một Bảo Lộc những năm mới giải phóng và tâm sự.
|
Đường phố nội thị Bảo Lộc hôm nay. Ảnh: BÙI TRƯỞNG |
Theo ông Bùi Thắng, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, trong ngần ấy năm, Bảo Lộc đã tiến một bước dài và giành được nhiều thành tựu to lớn, rất quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị..., tạo ra thế và lực mới cho Bảo Lộc trên chặng đường phát triển tiếp theo. “Thành tựu nổi bật nhất của TP Bảo Lộc qua 40 năm chính là mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của thành phố đạt 14,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, phù hợp với đặc thù, thế mạnh và lợi thế so sánh của địa phương: Nông - lâm nghiệp chiếm 14,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm 38%, dịch vụ - thương mại chiếm hơn 47,2%. Thu nhập bình quân đầu người của TP Bảo Lộc hiện nay là 45 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2014 đạt 697 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tín dụng ngân hàng, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nâng cấp hạ tầng nông thôn, thực hiện và quản lý quy hoạch, thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia... đã đạt được những kết quả đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo của Bảo Lộc hiện chỉ còn 1,16%” - ông Bùi Thắng cho biết.
Để đạt được các thành tựu này, theo ông Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, là cả một quá trình trong 40 năm qua. Trong những năm gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02 và sau này là Nghị quyết 07 nhằm mục đích đưa Bảo Lộc phát triển đột phá, trở thành “đầu tàu” kinh tế - xã hội của 6 huyện, thành phía Nam và của tỉnh Lâm Đồng. Đảng bộ TP Bảo Lộc cũng đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể, đề ra những giải pháp phù hợp với đặc thù địa phương. Qua đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Diện mạo đô thị Bảo Lộc phát triển ngày một rõ nét cả về không gian, quy mô lẫn hạ tầng cơ sở. Hiện tại, năng lực chế biến chè của TP Bảo Lộc chiếm hơn 74%; chế biến tơ tằm chiếm trên 80% và chế biến cà phê chiếm 80% so toàn tỉnh. Bên cạnh đó, những năm qua, TP Bảo Lộc còn chú trọng phát triển kinh tế trang trại theo thế mạnh của địa phương. Hiện, Bảo Lộc có 153 trang trại, với tổng diện tích 398 ha; trong đó, có 110 trang trại chăn nuôi và 43 trang trại trồng trọt. Trên địa bàn TP Bảo Lộc hiện đã hình thành Khu Công nghiệp Lộc Sơn và Cụm Công nghiệp - Dịch vụ Lộc Phát…
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… có nhiều tiến bộ. Năm 2008, Bảo Lộc đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Trường THPT Bảo Lộc liên tục được xếp trong nhóm 200 trường THPT có điểm thi bình quân cao đẳng, đại học cao nhất toàn quốc. Đến nay, TP Bảo Lộc đã có 21 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia. Toàn TP hiện có 156/160 thôn, tổ dân phố đạt “khu dân cư văn hóa”; 6 xã, phường đạt chuẩn văn hóa và 135 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Từ năm 2006 đến nay, định kỳ 2 năm 1 lần, TP Bảo Lộc đã tổ chức 5 kỳ Lễ hội Văn hóa Trà, góp phần quảng bá ngành Trà Lâm Đồng và thương hiệu Trà B’Lao. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực. Công tác “đền ơn đáp nghĩa”, an sinh xã hội luôn được TP quan tâm.
Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Bảo Lộc có 5 xã thực hiện Chương trình này. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bảo Lộc trên 1.237 tỷ đồng. Trong đó, vốn do nhân dân đóng góp là 30 tỷ đồng. Cuối năm 2014, xã Đam B’ri, xã Lộc Thanh và xã Lộc Châu đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đại Lào và Lộc Nga, theo lộ trình, sẽ cán “đích” nông thôn mới vào cuối năm nay. Những năm qua, trên mọi lĩnh vực, TP Bảo Lộc đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu như: Ông Nguyễn Ngọc Long (xã Lộc Thanh), bà Vũ Thị Vân (xã Lộc Châu), ông Trần Văn Phi (phường II), ông Phạm Bá Vượng (phường Lộc Phát)...
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, TP luôn quan tâm. Đảng bộ TP Bảo Lộc kết nạp mỗi năm từ 130 - 140 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên gần 4.000 đảng viên, sinh hoạt tại 62 tổ chức cơ sở Đảng. Đảng bộ TP Bảo Lộc nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh.
Ghi nhận những thành tích trên, trong những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân của TP Bảo Lộc đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt là TP Bảo Lộc được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì và năm nay được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
TRỊNH CHU