CN, 13/04/2025, 04:2

Bất cập trong việc trồng rừng 30a

09:08, 12/08/2016

Người trồng rừng "đổ mồ hôi sôi nước mắt" nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không đáng là bao, đó là thực tế đáng buồn ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Tình trạng người dân tự ý chuyển đổi đất trồng rừng sang các cây trồng khác không đúng mục đích của chương trình là điều làm chính quyền địa phương lo ngại.

Người trồng rừng “đổ mồ hôi sôi nước mắt” nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không đáng là bao, đó là thực tế đáng buồn ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Tình trạng người dân tự ý chuyển đổi đất trồng rừng sang các cây trồng khác không đúng mục đích của chương trình là điều làm chính quyền địa phương lo ngại.
 
Trong khu vực thuộc đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng 30a, có diện tích keo người dân không buồn thu hoạch, có diện tích bà con tự ý trồng mỳ
Trong khu vực thuộc đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng 30a, có diện tích keo người dân không buồn thu hoạch, có diện tích bà con tự ý trồng mỳ
Đến kỳ… rừng không khai thác
 
Là huyện nghèo được nhà nước đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ ban hành cuối năm 2008, Đam Rông đã thực hiện chính sách hỗ trợ thông qua việc giao đất để trồng rừng sản xuất (trồng keo). Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk là đơn vị chủ đầu tư của dự án, được thực hiện từ năm 2009 đến nay.
 
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk, diện tích rừng trồng theo Nghị quyết 30a (giai đoạn 2009 - 2014) trên địa bàn huyện Đam Rông là 2.706 ha/2.497 hộ. Tính riêng trong hai năm 2009 và năm 2010, tổng diện tích rừng trồng đạt hơn 1.400 ha. Trữ lượng trung bình đạt 61,5 m3/ha. Đến nay, rừng keo này đã đến kỳ khai thác. Tuy nhiên, diện tích khai thác chỉ đạt 446 ha (trên 31%).
 
Thực hiện việc khảo sát tại diện tích đất lâm nghiệp được giao trồng rừng sản xuất theo Nghị quyết 30a tại xã Rô Men cho thấy, có không ít những đám rừng keo đã bị chặt bỏ hoặc quá kỳ thu hoạch nhưng bà con không khai thác. Được biết, đây là tình trạng chung ở các xã có diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng theo Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện Đam Rông. 
 
 Ông Sùng Seo Sáng - người dân xã Rô Men nói “gần 6 năm trồng keo, bỏ bao nhiêu công sức, nay giá thấp quá bà con không buồn thu hoạch bởi chỉ có lỗ hoặc hòa vốn. Vì vậy bà con không nghĩ tới việc trồng lại”. 
 
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Cộng - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Rô Men cho biết: “Diện tích keo đã được khai thác hầu hết đều nằm gần đường giao thông, thuận tiện cho việc vận chuyển, có giá từ 20 - 25 triệu đồng/ha. Phần còn lại nằm ở những vị trí khó khăn, không có đường giao thông nên doanh nghiệp muốn thu mua bắt buộc phải mở đường hay thuê máy cày trung chuyển. Trừ mọi chi phí, họ chỉ trả cho chủ rừng 5 triệu đồng/ha, vì vậy người trồng rừng không mặn mà với việc mua bán, khai thác nữa”.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Chí Trung - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk phân tích: “Khi thực hiện dự án, huyện đã không tính toán kỹ, trong đó có việc mở đường vào các khu trồng rừng sản xuất ở xa đường giao thông. Khi bắt đầu triển khai dự án, lẽ ra huyện nên có sự linh hoạt hơn, đơn cử như việc tạo thêm sự lựa chọn giống cây trồng để có sự phân bố thích hợp với các loại địa hình. Nếu như những vị trí thuận lợi được lựa chọn để trồng keo, thì một số khu vực khác có thể trồng thông, không nhất thiết trồng keo trên 100% diện tích”. 
 
Cũng theo ông Trung, bên cạnh vấn đề đường vận chuyển, cũng có không ít diện tích keo bà con tiến hành chăm sóc không đúng kỹ thuật, cây sống chỉ nhờ điều kiện tự nhiên nên chất lượng thấp, vì vậy doanh nghiệp cũng không thể mua được giá cao. 
 
Trước tình hình đó, nhiều diện tích đất lâm nghiệp được giao trồng rừng 30a, sau khi thu hoạch, bà con không trồng lại rừng mà chọn cách bỏ trống hoặc trồng cà phê hay các loại cây nông nghiệp khác.
 
Trồng cà phê trên đất rừng
 
Đầu tháng 6/2016, UBND huyện Đam Rông đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát diện tích rừng có tình trạng trên. 
 
Qua kiểm tra, tổng diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng 30a bị chuyển đổi sang trồng cây ngoài lâm nghiệp trên 90 ha. Diện tích này hiện bà con trồng chủ yếu là cà phê và ngoài ra còn có các loại cây nông nghiệp như bắp, bo bo, mỳ… Theo khảo sát tại 3 xã có diện tích trồng rừng 30a lớn nhất trên địa bàn huyện Đam Rông gồm: Rô Men, Đạ M’ Rông, Đạ R’Sal, bà con tự ý chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng 30a chủ yếu là những khu vực xa đường giao thông, đất đai màu mỡ, độ dốc thấp, gần nguồn nước. 
 
Hầu hết bà con đều nhận thức rõ đây là diện tích đất lâm nghiệp và không được tự ý trồng cà phê hay các loại cây nông nghiệp. Tuy nhiên, họ đều có cách lý giải chung cho việc trồng cây nông nghiệp rằng: Trồng cây lâm nghiệp không ai mua nên không có tiền mua lại cây giống. Trồng cà phê, bo bo, sắn… sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn, việc mua bán cũng dễ dàng hơn nhiều. 
 
Theo kiến nghị của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk, hiện tại việc xử lý vi phạm đối với các hộ tự ý chuyển đổi cây trồng sau chu kỳ khai thác là rất khó khăn, không thể lập biên bản gửi về hạt kiểm lâm để xử lý, mặt khác cũng không thể áp dụng các quy định xử phạt hành chính trong trường hợp này. 
 
Trước thực trạng đó, ông Bùi Văn Hởi - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Huyện đã cùng với các đơn vị chủ rừng và chính quyền các xã tiến hành kiểm tra, thống kê cụ thể diện tích đất lâm nghiệp mà bà con không trồng lại rừng sau khi thu hoạch. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan và các xã tiến hành vận động bà con tự nhổ bỏ cây cà phê và các loại cây nông nghiệp trên diện tích đó để trồng lại rừng. Nếu trường hợp bà con không thực hiện, huyện sẽ kiên quyết nhổ bỏ, đồng thời cắt hợp đồng giao đất trồng rừng để giao cho hộ khác”. 
 
Năm 2016, Đam Rông vẫn tiếp tục triển khai trồng 100 ha rừng theo Nghị quyết 30a, chăm sóc rừng trồng mới năm thứ 2 và thứ 3 với diện tích 200 ha, với kinh phí dự tính là 1,1 tỷ đồng. Dù địa phương Đam Rông xác định trồng rừng là một hướng đi mới mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, nhưng thực sự để người trồng rừng sống được nhờ rừng là một vấn đề còn bỏ ngỏ.
 
N. NGÀ - Đ. TÚ