Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trong giai đoạn này, huyện Đạ Tẻh tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trong giai đoạn này, huyện Đạ Tẻh tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu được đặt ra là phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững bằng cách đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để tăng nhanh về năng suất, chất lượng nông sản. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Đạ Tẻh hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn và liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
|
Huyện Đạ Tẻh đặt mục tiêu phát triển vùng dâu tằm chất lượng cao theo mô hình liên kết dưới dạng tổ hợp tác |
Trước khi ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu, huyện Đạ Tẻh đã có những bước tiến trong sản xuất nông nghiệp. Đến hiện tại, huyện Đạ Tẻh đã hình thành được một số vùng chuyên canh cho năng suất và chất lượng cao. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: Trong những năm gần đây, huyện Đạ Tẻh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh. Đến nay, toàn huyện đã có 1.600 ha sản xuất lúa chất lượng cao, hơn 1.000 ha sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ theo mô hình 2 lúa + 1 bắp vụ Đông - Xuân đạt 1.350 ha. Huyện cũng đã dần khôi phục diện tích trồng dâu nuôi tằm với gần 500 ha đạt năng suất, chất lượng cao. Đối với gần 1.300 ha vườn điều, vườn tạp kém hiệu quả, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi sang trồng cao su, cây ăn quả. Ngoài ra, còn có hơn 2.000 ha điều được áp dụng các biện pháp tái canh, thâm canh, cải tạo. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ nên giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 11,4%/năm. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đạt hơn 60 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao, Nếp Quýt đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, theo nhận định, do đặc thù của huyện Đạ Tẻh là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn nên khả năng đầu tư vào sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt, diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất then chốt nhằm đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả còn đạt thấp, chỉ khoảng 25%. Trên địa bàn huyện chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy trình khép kín. Kinh tế hợp tác, sản xuất theo mô hình nông trại, gia trại chưa phát triển nên chưa tạo được sự liên kết trong sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Theo ông Trương Thái Anh Quốc, Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh, đó chính là lý do mà Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Tẻh ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Mục tiêu đến năm 2020, huyện Đạ Tẻh xây dựng được vùng chuyên canh Nếp Quýt chất lượng cao, giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 97 triệu đồng/ha/năm và tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp đạt trên 35%. “Đến nay, Huyện ủy đã triển khai Nghị quyết đến tất cả Đảng ủy các xã, thị trấn. Hiện, các đơn vị đang tiến hành rà soát lại diện tích sản xuất, quy hoạch bờ vùng, bờ thửa hợp lý để tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất. Đối với vùng sản xuất chuyên canh, các xã, thị trấn đang tích cực triển khai sản xuất đồng trà, đồng vụ để đảm bảo tưới tiêu; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Tín hiệu đáng mừng là đến nay UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho UBND huyện Đạ Tẻh xây dựng thương hiệu Nếp Quýt. Đây sẽ là hướng đi đột phá để huyện Đạ Tẻh quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh Nếp Quýt tại xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh với diện tích 500 - 700 ha. Cùng với diện tích Nếp Quýt, huyện cũng xây dựng vùng sản xuất lúa cánh đồng lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao với diện tích đạt khoảng 2.000 ha, góp phần hoàn thành chỉ tiêu sản lượng lương thực quy thóc đạt 54.000 tấn vào năm 2020. “Những khó khăn mà huyện Đạ Tẻh phải đối mặt khi triển khai thực hiện Nghị quyết này chính là nguồn ngân sách còn khó khăn nên kinh phí đầu tư chuyển đổi thấp. Do đó, giải pháp mấu chốt mà Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Tẻh đặt ra là phải huy động nội lực từ người dân là chủ yếu, tìm liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo ổn định sản xuất cho người dân” - ông Quốc cho biết thêm.
ĐÔNG ANH