Thứ 3, 15/04/2025, 22:22

Để thị trấn Di Linh đạt đô thị loại 4

08:11, 17/11/2016

Trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện Di Linh đề ra mục tiêu phát triển thị trấn Di Linh đạt tiêu chí đô thị loại 4. Thế nhưng, đến cuối năm 2015, thị trấn Di Linh chưa thể đạt được; do đó, huyện lại tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2016 - 2020. Vậy, để thị trấn Di Linh đạt được đô thị loại 4, cần đến giải pháp nào? 

Trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện Di Linh đề ra mục tiêu phát triển thị trấn Di Linh đạt tiêu chí đô thị loại 4. Thế nhưng, đến cuối năm 2015, thị trấn Di Linh chưa thể đạt được; do đó, huyện lại tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2016 - 2020. Vậy, để thị trấn Di Linh đạt được đô thị loại 4, cần đến giải pháp nào? 
 
Quốc lộ 20, khu nội thị thị trấn Di Linh, đang được nâng cấp. Ảnh: B. Trưởng
Quốc lộ 20, khu nội thị thị trấn Di Linh, đang được nâng cấp. Ảnh: B. Trưởng

“Đầu tư phát triển thị trấn Di Linh để đạt các tiêu chí của một đô thị loại 4 (thị trấn thuộc huyện - PV) là một trong những “Chương trình trọng tâm” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Di Linh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra. Theo đó, vào năm 2011, Huyện ủy Di Linh đã đưa ra Nghị quyết chuyên đề số 08 - NQ/HU về phát triển thị trấn Di Linh đạt tiêu chí đô thị loại 4 vào năm 2015” - Ông Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Di Linh, cho biết.          
 
Thực hiện Nghị quyết 08 - NQ/HU; đồng thời, trên cơ sở qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và Quyết định 3416/QĐ-UBND, ngày 20/12/2007, của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch chung xây dựng thị trấn Di Linh, UBND huyện Di Linh đã triển khai Đề án điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thị trấn Di Linh. Theo đó, địa giới hành chính thị trấn Di Linh được điều chỉnh và mở rộng thêm 550 ha đất với 1.035 hộ, 4.658 nhân khẩu của các thôn K’Ming, Di Linh Thượng I, Di Linh Thượng II và K’Long Trao II (xã Gung Ré); 88 ha đất với 145 hộ, 593 nhân khẩu của thôn 8 (xã Tân Châu). Sau khi điều chỉnh, mở rộng không gian đô thị, thị trấn Di Linh có qui mô gần 2.500 ha đất tự nhiên và hiện tại có 6.200 hộ dân và trên 27.500 nhân khẩu.
 
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị trấn Di Linh tiến hành tổ chức lại sản xuất nhằm ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Thị trấn đã triển khai tốt Chương trình tái canh cà phê; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ… Nhờ vậy, thị trấn đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 15%. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm từ 24,5 triệu đồng (năm 2011) tăng lên 41 triệu đồng (năm 2015). Tỷ lệ số hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng chiếm 13% và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7% (năm 2015).
 
Để phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong 5 năm qua, thị trấn Di Linh được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu giao thông đô thị hơn 60 tỷ đồng; bao gồm, xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Trần Quốc Toản, Hà Huy Tập, Trần Phú, Nguyễn Du, Phạm Ngũ Lão, Đào Duy Từ, Mọ Kọ, Nguyễn Đình Quân, đường vào Nghĩa trang Tổ dân phố 17… và thông tuyến đường vành đai thị trấn. Thị trấn Di Linh cũng đã vận động nhân dân đóng góp vốn đối ứng hơn 10 tỷ đồng để xây dựng và nâng cấp 48 tuyến đường giao thông nội thị, chiều dài 12 km. Huyện đã đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể thao 9,8 ha, với tổng mức đầu tư trên 80 ha. Trong giai đoạn 1, khu liên hợp này đã được đầu tư 50 tỷ đồng, xây dựng được một số hạng mục và đã đưa vào hoạt động. Chợ Trung tâm đã được đầu tư trên 160 tỷ đồng, với  hơn 600 quầy, sạp. Hệ thống cấp nước sinh hoạt được mở rộng thêm 13 km. Hệ thống điện lưới nội thị cũng được cải tạo, nâng cấp. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai quy hoạch và xây dựng các khu dân cư Thanh Danh, Phúc Kiến và điều chỉnh bổ sung quy hoạch khu dân cư 2/9… để giải quyết nhu cầu đất làm nhà ở và chỉnh trang đô thị. 
 
Để phát triển hạ tầng xã hội, huyện và thị trấn Di Linh đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất. Mạng lưới trường lớp được xây dựng khang trang. Trên địa bàn thị trấn hiện có 12 trường học (2 trường THPT, 2 trường THCS, 4 trường tiểu học, 3 trường mầm non, 1 Trường Dân tộc nội trú) và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, 7/12 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Thị trấn tiếp tục duy trì kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Việc quản lý trật tự xây dựng, kiến trúc, cảnh quan môi trường đô thị… cũng được chú trọng hơn.
 
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng. 100% số tổ dân phố đạt “tổ dân phố văn hóa”. Trên địa bàn thị trấn có 2 sân bóng đá lớn, 5 sân bóng đá mini, 3 sân quần vợt và nhiều CLB thể hình, erobic, thể dục thẩm mỹ, thể dục dưỡng sinh, thơ ca, văn nghệ… 
 
Nhờ chú trọng củng cố và xây dựng, trong nhiều năm qua, Đảng bộ thị trấn Di Linh đạt TSVM và bộ máy chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đều vững mạnh. Đội ngũ cán bộ được quy hoạch, đào tạo và ngày càng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Việc phát triển nguồn nhân lực, trong những năm qua, thị trấn Di Linh đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh Xã hội và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề (sửa chữa xe máy, sửa chữa máy nông nghiệp, đan, thêu, may, xây dựng…) cho nhiều lao động nông thôn; đồng thời, phối hợp giải quyết tốt nhu cầu lao động làm việc tại nước ngoài.
 
Theo ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Di Linh, trong quá trình triển khai đầu tư phát triển để thị trấn tiếp cận với các tiêu chí đô thị loại 4, tuy đạt được những kết quả nói trên, nhưng vẫn còn những bất cập. Khi triển khai quy hoạch phân khu trung tâm thị trấn, quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500), đầu tư cơ sở hạ tầng gặp nhiều vướng mắc. Do “lịch sử” để lại, các công trình xây dựng của các ngành điện, nước, giao thông, viễn thông, đô thị… bị chồng chéo nhau, nên khi phát triển, mở rộng ngành này thì làm ảnh hưởng hoặc thậm chí làm phá vỡ hiện trạng và quy hoạch của ngành khác, gây ra nhiều lãng phí đáng tiếc. Một số dự án thu hút các doanh nghiệp đầu tư đã được phê duyệt, nhưng chưa triển khai đầu tư. Một số công trình, hạng mục không có kinh phí để triển khai. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp còn thấp. Các thiết chế văn hóa còn thiếu, như nhà thiếu nhi, nơi sinh hoạt người cao tuổi, nhà sinh hoạt cộng đồng (sau khi chia tách và mở rộng không gian đô thị, thị trấn hiện còn thiếu 8 hội trường tổ dân phố)…
 
Từ những hạn chế nói trên, nên thị trấn Di Linh chưa thể đạt được các tiêu chí đô thị loại 4 (thị trấn thuộc huyện). Do một số nguyên nhân, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân chủ quan và cốt lõi là do địa phương chưa xây dựng “Chương trình phát triển đô thị”. Bởi lẽ, theo Nghị định số 42/2009/NĐ - CP, ngày 7/5/2009, của Chính phủ về việc “Phân loại đô thị; tổ chức lập, thẩm định đề án và quyết định công nhận loại đô thị” quy định tại khoản 3, điều 19: “UBND cấp huyện tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị thuộc phạm vi quản lý hành chính của mình trình UBND tỉnh xem xét, quyết định, sau khi được HĐND cùng cấp thông qua”. Mặt khác, tại khoản 1, điều 20 của Nghị định 42 ghi rõ: “Vốn để thực hiện công tác phân loại đô thị và Chương trình phát triển đô thị được sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế từ ngân sách Nhà nước giao trong kế hoạch hàng năm cho địa phương”. 
 
Như vậy, do lâu nay địa phương chưa lập “Chương trình phát triển đô thị” để được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên hàng năm, thị trấn Di Linh không được cấp kinh phí từ ngân sách thì lấy đâu ra tiền để đầu tư triển khai các tiêu chí của một đô thị loại 4. Mặt khác, nếu không có “Chương trình phát triển đô thị” thì thị trấn không có căn cứ pháp lý để thẩm định và phê duyệt, quyết định công nhận loại đô thị. Và ngay cả trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng thế, nếu không lập “Chương trình phát triển đô thị” thì thị trấn Di Linh cũng không thể nào đạt tiêu chí đô thị loại 4 được. Chúng tôi thiết nghĩ, Huyện ủy Di Linh đã có Nghị quyết về phát triển thị trấn Di Linh đạt tiêu chí đô thị loại 4 chỉ mới là điều kiện “cần”, nhưng chưa “đủ”. Do đó, giải pháp trước mắt là đòi hỏi UBND huyện Di Linh sớm xúc tiến lập “Chương trình phát triển đô thị thị trấn Di Linh đạt tiêu chí đô thị loại 4 vào năm 2020” và thông qua HĐND huyện phê chuẩn; sau đó, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đây là bước quan trọng đầu tiên trên lộ trình phát triển thị trấn Di Linh để đạt các tiêu chí của một đô thị loại 4. 
 
BÙI TRƯỞNG