Với mục tiêu phát triển 10.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vào năm 2020 và tạo môi trường tốt nhất để DN đầu tư và phát triển cả về chất và lượng, tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu xây dựng những kế hoạch mới, đặt trọng tâm vào hỗ trợ và gỡ khó khăn, dốc sức vì DN với một tầm nhìn mới.
Với mục tiêu phát triển 10.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh vào năm 2020 và tạo môi trường tốt nhất để DN đầu tư và phát triển cả về chất và lượng, tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu xây dựng những kế hoạch mới, đặt trọng tâm vào hỗ trợ và gỡ khó khăn, dốc sức vì DN với một tầm nhìn mới.
|
Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo. Ảnh: D.Thương |
Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết đặc biệt quan trọng với sự phát triển của DN, là Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về phát triển DN đến năm 2020. Sự ra đời cũng như quá trình triển khai của hai nghị quyết quan trọng cho thấy sự quyết liệt từ phía Chính phủ và trở thành động lực lớn trong việc tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế. Nếu như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được triển khai và trở thành “thương hiệu” của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh những năm qua thì Nghị quyết 35 lại được xem là “luồng gió mới” đối với cộng đồng DN. Nhận thức và nắm bắt kịp thời những điều đó, tỉnh Lâm Đồng vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn, nhưng đi kèm đó là khó khăn hơn, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bên.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Trọng Ánh Đông cho biết: Lâm Đồng trong 6 tháng đầu năm thành lập mới 521 doanh nghiệp, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, tổng số vốn đăng ký trên 2.800 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng DN toàn tỉnh lên trên 6.000 đơn vị hoạt động ở nhiều lĩnh vực với tổng số vốn điều lệ trên 47.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số DN đăng ký giải thể và tạm ngưng hoạt động lại tăng so với cùng kỳ (62 DN giải thể, tăng 53,8% và 153 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 25,6%). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2016 giảm 6 bậc so với năm 2015, tình hình thu hút đầu tư có cải tiến tích cực nhưng không như kỳ vọng, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN, nhà đầu tư chuyển biến chậm nên trước tình hình này Lâm Đồng xác định mục tiêu chiến lược là gỡ khó, hỗ trợ tối đa cho DN.
Ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng chia sẻ: Để gỡ khó cho DN là cả một quá trình và cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bên, các ngành có liên quan. Từ thực tế 3 năm gần đây, cộng đồng DN cũng đã nhận thấy tâm huyết của lãnh đạo tỉnh trong việc hỗ trợ DN và cải thiện môi trường đầu tư tốt, tuy nhiên với những hạn chế nhìn nhận thẳng thắn thì cũng cần đưa việc tìm kiếm giải pháp gỡ khó, hỗ trợ DN lên một vị trí xứng tầm hơn. Cộng đồng DN vẫn đang kỳ vọng rất nhiều vào các giải pháp hỗ trợ, những động thái quyết liệt của các ngành để có một kết quả “sáng” hơn trong thời gian tiếp theo.
Còn ông Phan Thanh Sang cho rằng: Vấn đề đất, thuế thuê đất, cách thức tiếp cận các quỹ đất cũng cần được quan tâm, vì thực tế nhiều DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này khi một số quy định từ Chính phủ thay đổi. Nông nghiệp công nghệ cao vẫn được xem là “điểm nhấn” của nền kinh tế, tuy nhiên DN vẫn còn nhiều khúc mắc ở vay vốn, tiếp cận giống tốt và thuế nhập các phế phẩm sinh học, thiên địch hỗ trợ nông nghiệp sạch. Các DN, đặc biệt là các DN mới thành lập cũng kỳ vọng hơn nữa vào sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của tỉnh, dốc sức vì DN trong tầm nhìn mới. Từ đó xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng, tạo thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng cho hay: Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 chính thức được ban hành, đây sẽ là “đòn bẩy” hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh mới, các DN trẻ phát huy tối đa khả năng và thể hiện sự đồng hành của tỉnh đối với DN.
Trước đó, căn cứ Nghị quyết số 19 của Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành kế hoạch nhằm triển khai mạnh mẽ, toàn diện và quyết liệt công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2017 với mục tiêu tạo đột phá mà trong đó “tháo gỡ khó khăn cho DN” là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Cũng tại kế hoạch hành động này, từng nhiệm vụ cụ thể, giải pháp mới đã được chỉ đạo đến từng sở, ngành, đơn vị trong toàn tỉnh để phối hợp thực hiện, tạo hiệu quả thực sự trong năm 2017 và tầm nhìn đến năm 2020.
Mới đây, hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh và DN, hợp tác xã năm 2017, được đánh giá có quy mô nhất, cởi mở nhất từ trước đến nay. Nhiều DN đã nêu cụ thể từng khó khăn đối với DN mình nói riêng và cộng đồng DN nói chung. Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đối với các vấn đề của DN đang gặp phải. Cụ thể, Chủ tịch chỉ đạo: “Tôi đề nghị thay vì tổ chức một năm một lần thì cần phải thay đổi, tổ chức thường xuyên hoạt động đối thoại với DN trong thời gian tới để nắm bắt kịp thời khó khăn, nguyện vọng của DN, từ đó có giải pháp nhanh chóng để gỡ khó cho DN. Các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tạo điều kiện tối ưu cho DN, hơp tác xã trên địa bàn tỉnh hoạt động thuận lợi, có hiệu quả, những chính sách không còn phù hợp thì đề xuất, điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi tối đa cho DN. Khởi nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… còn rất nhiều câu chuyện và những vấn đề cần làm ngay, các sở, ngành phải quyết liệt, thật quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp, đạt được các chỉ tiêu mà tỉnh đặt ra và kỳ vọng của doanh nghiệp”.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - rút ngắn khoảng cách từ chủ trương đến thực tế đang là vấn đề mà Lâm Đồng đẩy mạnh thực hiện. Hy vọng với những bước đi mới, tầm nhìn mới, dốc sức vì doanh nghiệp và được đặt ở vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mọi “nút thắt” sẽ sớm được tháo gỡ.
DIỄM THƯƠNG