
![]() |
Kinh tế vườn hộ đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân Bảo Lâm |
Theo thống kê, hiện nay, huyện Bảo Lâm có 25.985 hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm 88,7% tổng số hộ dân toàn huyện, với 2 loại cây trồng chính là cà phê và chè cùng một số cây trồng có tiềm năng khác như bơ, sầu riêng, mít, chuối và dâu tằm... Hiện nay, kinh tế hộ trên lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra giá trị sản xuất chiếm 90% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp và đạt 44,3% cơ cấu giá trị sản xuất của toàn huyện. Để phát triển kinh tế vườn hộ đạt hiệu quả cao, huyện Bảo Lâm đã chia thành 4 nhóm hộ gồm: Nhóm 1 (hộ giàu) có 1.194 hộ, chiếm 4,6% số hộ sản xuất nông nghiệp có diện tích đất sản xuất từ 3 ha/hộ trở lên và có tổng thu nhập trên 450 triệu đồng/năm; nhóm 2 (hộ khá) hiện có 3.402 hộ, chiếm 20,8% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp có diện tích đất sản xuất từ 1,5 - 3 ha/hộ và có tổng thu nhập từ 250 - 450 triệu đồng/năm; nhóm 3 (hộ trung bình) hiện có 12.831 hộ, chiếm 49,4% và có diện tích đất sản xuất từ 0,6 - 1,5 ha/hộ, với tổng thu nhập đạt từ 100 - 250 triệu đồng/năm. Cuối cùng là nhóm 4 (hộ hạn chế về tiềm lực) có 6.558 hộ, chiếm 25,2% có diện tích đất sản xuất dưới 0,6 ha và tổng thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm. Ông Trương Hoài Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho hay: Qua khảo sát cho thấy, việc phát triển kinh tế vườn hộ tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chưa xây dựng được mô hình phát triển cho tất cả các nhóm hộ; việc sản xuất mang tính tự phát, nhỏ lẻ và thiếu liên kết đang là những nguyên nhân làm giảm hiệu quả kinh tế vườn hộ; nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn ít và chưa có cơ chế nhân rộng các mô hình hay một cách hiệu quả... Do vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế vườn hộ bền vững và đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.